5 smartphone khó bị hack nhất hiện nay

01/08/2021 17:59 GMT+7

Những smartphone bảo mật thường đi kèm khả năng mã hóa dữ liệu, sử dụng hệ điều hành riêng hoặc cung cấp nhiều giao diện người dùng khác nhau.

Bên cạnh iPhone là điện thoại bảo mật phổ biến nhất, nhiều smartphone trong danh sách này có hệ điều hành được cải tiến từ Android hoặc hệ điều hành do chính nhà sản xuất tự phát triển. Tuy nhiên, khi tập trung vào bảo mật, chúng sẽ có nhược điểm là hạn chế tính năng làm việc và giải trí, thiếu các lựa chọn cá nhân hóa cho người dùng.

Blackphone 2

Blackphone 2

Ảnh: Silent Circle

Theo IT Pro, Blackphone dùng hệ điều hành Silent OS cải tiến từ Android để giải quyết các mối lo ngại về bảo mật di động mà các doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay. Blackphone không có bloatware (ứng dụng được nhà sản xuất cài sẵn), đi kèm một tính năng đặc biệt có tên "Spaces" cho phép người dùng tạo nhiều "điện thoại ảo" trên thiết bị duy nhất. Tính năng này giúp người dùng lưu dữ liệu công việc và dữ liệu riêng tư ở hai "không gian" khác nhau, và các không gian này không thể chia sẻ dữ liệu cho nhau.
Blackphone có màn hình 5,5 inch FHD+ với lớp bảo vệ bằng kính Gorilla Glass, được trang bị bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon tám nhân.

Bittium Tough Mobile 2C

Bittium Tough Mobile 2C

Ảnh: Bittium

Đây là smartphone có 2 hệ điều hành hoạt động song song để người dùng có thể tách dữ liệu. Một hệ điều hành là phiên bản nâng cấp của Android 9, còn lại là Secure OS do chính công ty Bittium phát triển. Người dùng có thể chuyển đổi giữa hai hệ điều hành vào lúc khởi động điện thoại.
Bittium Tough Mobile có khóa bảo mật YubiKey 5 NFC hỗ trợ xác thực hai yếu tố, mạng riêng ảo (VPN) luôn được bật kèm theo phần mềm quản lý thiết bị di động của công ty. Điện thoại đạt chuẩn IP67 và MIL-STD-810G, tức có khả năng chống thấm nước và chống va đập.

iPhone 12 Pro Max 

iPhone 12 Pro Max

Ảnh: Apple

iPhone luôn góp mặt trong danh sách những điện thoại bảo mật hàng đầu. iPhone 12 Pro Max sử dụng iOS 14 trao cho người dùng quyền kiểm soát dữ liệu, quyền riêng tư, vị trí, camera và cài đặt truy cập riêng tư nhiều hơn. Tính năng bảo mật tích hợp trong phần cứng iPhone có thể mã hóa tất cả dữ liệu nhạy cảm.
iPhone 12 Pro Max có mở khóa điện thoại bằng FaceID, ủy quyền mua hàng, thanh toán, truy cập vào ứng dụng bên thứ ba. Với Find My iPhone, người dùng có thể tìm lại iPhone bị mất hoặc vô hiệu hóa điện thoại từ xa, ngăn kẻ xấu chiếm quyền sở hữu điện thoại.

Sirin V3

Sirin V3

Ảnh: Sirin Labs

Sirin V3 là điện thoại được cải tiến từ mẫu Galaxy S21 của Samsung. Sirin V3 sử dụng bộ an ninh mạng nhiều lớp, bao gồm hệ thống ngăn chặn xâm nhập (Intrusion Prevention System - IPS) hoạt động nhờ học máy (machine learning) và nghiên cứu hành vi, giúp bảo vệ thiết bị theo thời gian thực một cách chủ động. Ngoài ra, thiết bị còn có giải pháp Dual-Persona tách giao diện người dùng ở hai chế độ Personal và Confidential Work Space. 
Không gian bên trong Sirin V3 đã được mã hóa an toàn nên người dùng chỉ có thể cài một số ứng dụng hạn chế từ Google Play Store. Điện thoại cũng có chế độ gọi ẩn danh, cuộc gọi sẽ được mã hóa end-to-end đạt chuẩn quân đội.

Purism Librem 5

Purism Librem 5

Ảnh: Purism

Purism Librem 5 được thiết kế tập trung vào bảo mật và có tính năng bảo vệ quyền riêng tư mặc định. Điện thoại sử dụng hệ điều hành PureOS phát triển từ Debian OS nhưng vẫn cho người dùng tùy chọn đổi sang hệ điều hành khác.
Librem 5 có 3 công tắc để vô hiệu hóa camera và microphone, tắt nguồn bộ điều hợp Wi-Fi và Bluetooth, ngừng toàn bộ kết nối mạng kể cả GPS. Điện thoại cũng có pin rời 3.500 mAh, camera chính 13 MP, bộ nhớ trong 32 GB. Người dùng có thể mở rộng bộ nhớ lên 2TB bằng thẻ nhớ microSD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.