12 sản phẩm thất bại, bị xóa sổ của Google

Thu Thảo
Thu Thảo
10/10/2018 13:46 GMT+7

Mạng xã hội Google Plus vừa bị "khai tử" sau vụ rò rỉ thông tin người dùng. Đây không phải là sản phẩm duy nhất của hãng công nghệ Mỹ bị phản bác, "khai tử" hoặc biến mất.

Google nổi tiếng nhờ tập hợp nhiều sản phẩm cực kỳ phổ biến, từ Search (tìm kiếm) cho đến Maps (bản đồ) và hệ điều hành Android. Dù vậy, không phải 100% sản phẩm của hãng đều là “con gà đẻ trứng vàng”.
Trang Business Insider đếm được ít nhất 18 sản phẩm “made by Google” kết thúc bằng việc bị xóa sổ trong những năm qua. Dưới đây là danh sách 12 sản phẩm, ứng dụng do Google phát hành song sau đó phải bị loại bỏ vì nhiều lý do đó.
Ngoài 12 sản phẩm này còn có những cái tên ít nổi tiếng hơn như ứng dụng nhắn tin và chỉnh sửa tài liệu Google Wave, chương trình mua sắm tương tác Google Catalogs, Google Notebook (tiền thân của Google Docs) và dịch vụ mạng xã hội Orkut.
1. Google Answers là dự án đầu tiên mà Google phát triển, bắt đầu với ý tưởng của ông Larry Page, nhà đồng sáng lập hãng. Answers tồn tại trong hơn 4 năm nhưng ngừng nhận câu hỏi từ năm 2006. Ảnh chụp màn hình Google
2. Thế giới ảo của Google có tên Lively “sống” được hơn 1 năm. Google cho biết hãng tạo Lively vì “muốn người dùng tương tác được với bạn bè của họ và thể hiện bản thân trực tuyến theo cách mới”, song ý tưởng này không mấy thu hút người dùng. Lively đóng cửa vào năm 2008. Ảnh: Flickr
3. Google lần đầu công bố Glass năm 2012, song thiết bị này không được lòng người tiêu dùng đại chúng. Glass có giá cao, gặp vấn đề phần mềm, các vấn đề về quyền bảo mật. Google ngưng bán Glass cho người tiêu dùng từ tháng 1.2015 song vẫn tiếp tục bán thiết bị cho doanh nghiệp. Hiện hãng tiếp tục phát triển phiên bản mới của thiết bị. Ảnh: AFP/Getty Images
4. Google Buzz là dịch vụ mạng xã hội được tích hợp với Gmail, song vướng nhiều vấn đề bảo mật và không lấy được lòng người dùng. Công ty thông báo tháng 10.2011 rằng họ đóng cửa dịch vụ để tập trung phát triển Google Plus (Google+). Ảnh: Tech Crunch
5. Google Video là dịch vụ phát video trực tuyến của Google, được khởi động trước khi hãng mua YouTube vào năm 2006. Google Video ngừng chấp nhận tải lên video mới vào năm 2009, song Video và YouTube vẫn cùng tồn tại đến tháng 8.2012, khi Google đóng cửa dịch vụ Video vĩnh viễn. Ảnh: Google
6. Nexus Q của Google là trình phát media được thiết kế để kết nối tất cả thiết bị gia đình. Chương trình được giới thiệu rầm rộ tại sự kiện nhà phát triển của hãng vào năm 2012. Đánh giá về Nexus Q với bảng giá 299 USD rất tệ và Google phải “xếp xó” sản phẩm từ trước khi được bán cho công chúng. Ảnh: Business Insider
7. Google X, giao diện thay thế cho công cụ tìm kiếm, tồn tại được đúng một ngày trước khi bị “khai tử”. Google X gợi nhắc về Mac OS X, với trang hiển thị bài thơ: “Roses are red. Violets are blue. OS X rocks. Homage to you”. Sản phẩm nhanh chóng bị gỡ vào ngày 16.3.2015, và hiện cái tên Google X được tái sử dụng làm tên bộ phận nghiên cứu của Google. Ảnh chụp màn hình Google
8. Google Health ban đầu được dự kiến làm nơi cung cấp thông tin về sức khỏe cho người dùng song sau đó bị bỏ hẳn vào tháng 1.2012. Lý do là vì Google quan sát thấy dịch vụ “không có tác động rộng rãi” như họ kỳ vọng. Ảnh: AFP/Getty Images
9. Google Reader là ứng dụng đọc tin tức, cho phép người dùng đọc nội dung từ blog và trang web tin tức. Google đóng cửa Reader vào tháng 3.2013 phần lớn vì sự phẫn nộ của người dùng. Tháng 7.2013, Reader chính thức bị xóa sổ. Ảnh chụp màn hình Google
10. Google Hangouts On Air là dịch vụ phát trực tuyến của Google. Nó chuyển sang YouTube Live từ tháng 9.2016. Dịch vụ lúc đầu được tạo vào năm 2012, khi phát trực tuyến đang “hot” và từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Giáo hoàng Francis sử dụng. Ảnh: Google
11. iGoogle, trang chủ cá nhân hóa giúp người dùng điều chỉnh trang chủ bằng nhiều tiện ích con, “biến mất” vào năm 2013, 8 năm sau ngày mở cửa. Google cho rằng iGoogle không cần thiết nữa vì ứng dụng có thể chạy trên Chrome và Android. Ảnh: Flickr
12. Google+ được thiết kế để làm dịch vụ mạng xã hội của Google, song vừa bị xóa sổ hôm nay 9.10 sau khi trục trặc phần mềm khiến thông tin hồ sơ cá nhân của hàng trăm nghìn người dùng bị rò rỉ. Sự cố xảy ra vào mùa xuân, song các nhà điều hành Google chọn cách không công khai thông tin vì lo ngại quy định, quản lý. Ảnh: Google +
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.