Công nghệ thông tin có nhu cầu tuyển dụng đột biến sau giãn cách

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
07/10/2021 16:21 GMT+7

Trong suốt thời gian vừa qua, doanh nghiệp trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin gần như không bị ảnh hưởng và vẫn đang tiếp tục "nóng" về nhu cầu tuyển dụng sau giãn cách.

Nhu cầu tuyển dụng ngành công nghệ thông tin rất nhiều. trong ảnh là Sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM thời điểm chưa có dịch

Đ.N.T

Đó là thông trong báo cáo “Thị trường lao động trong làn sóng Covid-19 thứ 4 - năm 2021: Thực trạng và hướng đi” của VietnamWorks ngày 6.10, dựa trên khảo sát từ 400 doanh nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, kiến trúc, y tế, giáo dục... và 1.200 người lao động.

Công nghệ thông tin tuyển dụng đột biến

Bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc Nhân sự tại Navigos Group, cho biết làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này đã có sức tác động mạnh mẽ hơn so với các đợt dịch năm 2020. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực ngành nghề ít hoặc gần như không bị ảnh hưởng và có nhu cầu tuyển dụng nhiều sau đợt giãn cách.

Báo cáo trên cho thấy khi được hỏi về thời gian mà hoạt động tuyển dụng trở lại bình thường sau giãn cách xã hội, hơn 56,7% doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ tuyển dụng ngay lập tức. Trong đó, tại cả TP.HCM và Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong thời điểm này vẫn là lớn nhất.

Công nghệ thông tin là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

G.K

Bà Lương Tú Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần BPO Mắt Bão, một công ty chuyên cung ứng nhân sự cho các doanh nghiệp, thông tin trong thời gian tới các doanh nghiệp thương mại điện tử và logistics đặt hàng rất nhiều, có đơn vị tăng đột biến nhu cầu, cần tuyển hàng trăm nhân sự chỉ trong vòng một tháng sau giãn cách và có kế hoạch tuyển trong nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó, vị trí lập trình viên vẫn được tìm nhiều nhất.

Thạc sĩ Văn Chí Nam, Phó khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, lý giải: "Có thể nói đây là lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhất. Dù dịch căng thẳng, các dự án phần mềm, cách dịch vụ công nghệ thông tin vẫn "chạy" bình thường. Khác với hoạt động lĩnh sản xuất, kinh doanh, xây dựng..., nhân viên trong lĩnh vực CNTT hoàn toàn có thể làm việc tại nhà vẫn đáp ứng được yêu cầu của công việc. Vì thế, doanh nghiệp vẫn phát triển bình thường và cần tuyển dụng nhiều ở các vị tri như lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kiểm thử phần mềm...".

Bên cạnh đó, thạc sĩ Nam cho rằng trong thời đại ngày nay, tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống đều ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển nên người học ngành nghề này ra không bao giờ lo thiếu việc. "Sinh viên công nghệ thông tin của trường và nhiều trường khác ngay từ năm 4 đã được doanh nghiệp tuyển dụng, cho thấy nhu cầu nhân lực ngành này đang rất "nóng", thạc sĩ Nam chia sẻ.

Sau công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được coi là lĩnh vực có hoạt động ổn định trong dịch và tiếp tục tuyển dụng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Kha, phòng Tuyển dụng của Ngân hàng HD, cho hay trong thời điểm dịch, các ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, vì vậy việc tuyển người vẫn diễn ra ở một số đơn vị. Chẳng hạn ngân hàng HD sắp tới mở rộng chi nhánh và phát triển mạng lưới nên đang cần tuyển các vị trí như giao dịch viên, chuyên viên, trưởng bộ phận quan hệ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp...

Du lịch, giáo dục, sản xuất cắt giảm lương và nhân sự nhiều nhất

Theo bà Phạm Thị Hoài Linh, có khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi dịch xảy ra. Trong đó, đa số là các doanh nghiệp trong mảng tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và công nghệ thông tin. Lý do là những lĩnh vực này có khả năng duy trì hoạt động tốt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, không bị ảnh hưởng và tác động quá nhiều.

Doanh nghiệp về du lịch chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19

N.D

"Đợt dịch lần thứ 4 này có tác động lớn nhất đến các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, du lịch và giáo dục đào tạo. Có đến 25% đơn vị có quy mô nhân lực từ 10 - 50 đến 301 - 500 người thuộc các lĩnh vực này đã dừng hoạt động. Trong đó, khó khăn nhất là các doanh nghiệp nhà hàng, khách sạn, du lịch bị ách tắc doanh thu, gồng gánh chi phí để duy trì do tình trạng giãn cách kéo dài. Nhiều doanh nghiệp đến từ ngành bất động sản, xây dựng, kiến trúc, chế biến, sản xuất cũng gặp khó khăn nên người lao động bị cắt giảm từ 25 - 50% lương và phúc lợi", bà Hoài Linh nhìn nhận.

Cũng theo khảo sát này, đợt dịch lần thứ 4 này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hơn 87% người lao động. Trong số 1.200 người lao động được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động cho biết mình đã thôi việc và chưa có việc làm mới, phần lớn do nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Bà Linh cho rằng, thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian sau giãn cách và trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên đường đua tìm kiếm việc làm. Vì vậy, để được nhận, ứng viên cần phải nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Bạn trẻ có chuyên môn tốt, thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục, sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.