Công lý ở Hà Giang

Thái Sơn
Thái Sơn
26/10/2019 08:39 GMT+7

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang đã khép lại với mức án dành cho 5 bị cáo đều dưới mức đề nghị của Viện kiểm sát.

Nhìn vào mức án, khó có thể đánh giá là nhẹ hay nặng với từng bị cáo, song rõ ràng những diễn biến trong 5 ngày xét xử chính thức đã xuất hiện nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Cả 5 bị cáo trong vụ án bị cáo buộc bởi 2 tội danh: lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Cả 2 tội danh này đều có dấu hiệu pháp lý cơ bản về động cơ phạm tội là vì vụ lợi, tư lợi và động cơ cá nhân. Tuy nhiên, những yếu tố này đã được truy cứu, chứng minh một cách nhạt nhòa, thậm chí là sơ sài.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang), thừa nhận nâng điểm cho 107 thí sinh là vì “tình cảm” nhưng nhiều trường hợp bị cáo này không nhớ, không biết đó là ai!? Bị cáo Nguyễn Thị Dung, cựu cán bộ Công an tỉnh Hà Giang, khai đưa 20 trường hợp, trong đó người bán cá, trông giữ xe… để bị cáo Hoài nâng điểm, cũng xuất phát từ động cơ tình cảm và “tạo phúc” cho mình. Những lời khai "không thể tin nổi" này, từng được đại biểu Quốc hội đánh giá là “từ hành tinh khác”, đã được HĐXX chấp nhận mà không hề truy cho đến cùng.
Vì tác động nâng điểm cho con trai mà bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, phải chịu án 1 năm tù. Trong khi đó, nhiều lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành của Hà Giang như Phó chủ tịch HĐND Chúng Thị Chiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Quý... cũng có hành vi tương tự nhưng chỉ bị kiểm điểm, khiển trách. Đáng chú ý, tại phiên tòa, các bị cáo đã khai ra bà Nguyễn Thị Nga, là đảng viên, chuyên viên Sở Tài chính, vợ đương kim Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn, đã nhiều lần nhắn tin nhờ nâng điểm. Nhưng bà này lại không hề có tên trong danh sách những người được triệu tập đến tòa với tư cách người làm chứng, người có nghĩa vụ liên quan hay trong danh sách hàng trăm cán bộ, đảng viên sai phạm được tỉnh Hà Giang công khai trước đó...
Hà Giang là địa phương đầu tiên “phát lộ” gian lận điểm thi, từ đó cơ quan chức năng truy ra các vụ tương tự tại Sơn La, Hòa Bình. Nếu như ở Sơn La, Hòa Bình, cơ quan tố tụng đều làm triệt để khi khởi tố, truy tố nhiều bị can về các hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa, nhận hối lộ, thì diễn biến, kết quả của vụ án này đã và đang mang lại sự hoài nghi cho người dân.
Sau phiên tòa, một cán bộ lão thành ở Hà Giang nói với PV Thanh Niên, vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang có tính chất rất khác với địa phương khác bởi cả hệ thống đều “nhúng chàm”, từ lãnh đạo tỉnh, công an, tòa án…
Dù tính chất, mức độ từng vụ án là khác nhau, song công lý ở Hà Giang, đương nhiên phải giống như công lý ở Hòa Bình, ở Sơn La hay bất cứ nơi nào trên đất nước này. Liệu có ai chấp nhận để công lý ở Hà Giang đi theo một cách khác?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.