Công khai xét duyệt hồ sơ vay đóng mới tàu cá

09/12/2014 08:00 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vừa ký ban hành “tiêu chí, trình tự, thủ tục phê duyệt đối tượng được hưởng chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn TP.Đà Nẵng”.

Đà Nẵng nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo chương trình vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP
Đà Nẵng nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ theo chương trình vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP - Ảnh: H.T

Theo đó, đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân đóng mới, nâng cấp tàu cá (thay máy mới; gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị bảo quản hải sản, bốc xếp hàng hóa trên tàu) phục vụ hoạt động khai thác hải sản theo Khoản 2, Điều 2, Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đối tượng nộp hồ sơ xét duyệt là các tổ chức, cá nhân thỏa mãn các điều kiện sau: Không có nợ xấu ở các ngân hàng thương mại trong vòng 2 năm gần nhất tính đến thời điểm xét chọn; Cá nhân đăng ký đóng tàu phải có thời gian hoạt động không dưới 3 năm liên tục trở lại đây trên tàu khai thác hải sản hoặc tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ; Tổ chức phải có hoạt động khai thác hải sản hoặc dịch vụ khai thác hải sản hoặc chế biến hải sản không dưới 3 năm liên tục trở lại đây, có báo cáo tài chính đã được xác nhận của cơ quan thuế 3 năm liên tục có lãi và hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; Khả năng tài chính; Có phương án sản xuất và vay vốn...

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND phường/xã nơi thường trú đối với cá nhân; nơi đặt trụ sở chính đối với tổ chức, doanh nghiệp... Quy trình thẩm định, xét duyệt được công khai từ xã/phường đến quận/huyện; phía ngân hàng rồi đến cấp thành phố. UBND TP.Đà Nẵng giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát, theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình triển khai thực hiện đóng mới, nâng cấp tàu cá; giải ngân nguồn vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; hằng quý báo cáo về Bộ NN-PTNT; UBND các quận/huyện tổ chức thẩm định các hồ sơ do UBND phường/xã đã xác nhận theo quy định này; tổng hợp, sắp xếp các đối tượng đã thẩm định theo thứ tự ưu tiên, lập hồ sơ gửi cho BCĐ thông qua Tổ giúp việc của BCĐ; Đồng thời, phối hợp cùng với ngân hàng kiểm tra, giám sát, quản lý các tàu cá được phê duyệt trước và sau khi vay vốn; Chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với hồ sơ của tổ chức, cá nhân đã được UBND quận/huyện thẩm định. Đặc biệt, UBND TP.Đà Nẵng giao BCH Bộ đội Biên phòng và Công an TP.Đà Nẵng theo dõi, giám sát tình hình hoạt động của tàu cá trên các vùng biển, phối hợp với các cơ quan, đơn vị  liên quan kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lợi dụng chính sách của nhà nước để trục lợi.

Theo Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, ngày 10.1.2015 là thời hạn cuối cùng nhận hồ sơ vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại phường/xã. Tại TP.Đà Nẵng, Bộ NN-PTNT phân bổ chỉ tiêu có 47 tàu (gồm 39 tàu khai thác và 8 tàu dịch vụ). Tuy nhiên, hiện đã có 157 hồ sơ vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với số lượng tàu lên đến 182 chiếc.

Hữu Trà

>> Vốn đóng tàu vỏ sắt chưa 'chảy
>> Thu hút cơ sở đóng tàu vỏ thép vào Quảng Nam
>> Cấm đóng tàu có công suất nhỏ hơn 90CV
>> Biên phòng Quảng Trị đưa vào hoạt động tàu tuần tra hiện đại
>> Tham khảo ý kiến ngư dân để đóng tàu vỏ sắt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.