Biển Đông: Cộng đồng quốc tế cần lên tiếng mạnh mẽ hơn

Vũ Hân
Vũ Hân
13/09/2019 06:18 GMT+7

Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế .

Giữa bối cảnh căng thẳng vì những hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông, nước này lại “thêm dầu vào lửa” khi Bộ Tài nguyên Trung Quốc thông báo việc đang tiến hành xây dựng mạng lưới máy bay không người lái ở khu vực Biển Đông, hoàn thiện vào năm 2021, để phục vụ kế hoạch giám sát và kiểm soát toàn bộ khu vực, với lý do hệ thống sẽ giúp nhanh chóng phát hiện hiểm họa môi trường và tình huống hàng hải khẩn cấp.
Theo nhà chức trách nước này, hệ thống được dùng trong quản lý hàng hải, bao gồm việc kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ tại các vùng nước, điều tra các vị trí từng có vấn đề và quan trắc trực tuyến biển, đảo; đồng thời nhấn mạnh năng lực giám sát của Trung Quốc tại Biển Đông được gia tăng cực kỳ mạnh mẽ và mở rộng tầm bao phủ ra những vùng biển xa bờ hơn. Ngay khi thông tin này được đưa ra, nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo về khả năng Trung Quốc sử dụng các thiết bị trên cho mục đích quân sự, theo dõi hoạt động hàng hải, hàng không tại Biển Đông để nâng cao năng lực kiểm soát và chiếm ưu thế với mưu đồ lâu dài là độc chiếm Biển Đông.
Chiều 12.9, lên tiếng về hoạt động này, bà Lê Thị Thu Hằng nói: “Như đã nhiều lần khẳng định, VN có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên, nếu không có sự cho phép của VN thì đều là bất hợp pháp và vô giá trị”. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng các hoạt động leo thang, biến thành “sự đã rồi” của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng khó lường về sau, khi khả năng kiểm soát của Trung Quốc ở vùng này đang tăng tiến theo thời gian. Theo giới chuyên gia, cộng đồng quốc tế cần góp tiếng nói và phản ứng mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những hành vi ngày càng ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Bởi lẽ, bảo vệ an toàn, an ninh và ổn định ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 12.9 cũng một lần nữa nêu rõ: “Quan điểm của VN về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng và nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần”, trước câu hỏi của phóng viên về việc Anh có kế hoạch điều tàu sân bay vào Biển Đông nhằm thách thức tham vọng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực này. “Các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong UNCLOS 1982. Việc nhiều quốc gia, tổ chức, báo giới và cá nhân vừa qua đã bày tỏ lập trường về những diễn biến nghiêm trọng đã diễn ra trên Biển Đông phản ánh sự quan tâm, quan ngại thực sự của cộng đồng quốc tế trước những hành động đơn phương, làm gia tăng căng thẳng, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh và sự phát triển của khu vực”.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải. Duy trì hòa bình, an ninh, trật tự, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở khu vực Biển Đông được xác lập tại UNCLOS là mục tiêu, lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của các quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế. VN hoan nghênh và sẵn sàng cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.