Cộng đồng LGBT: Dám sống và dám yêu

19/07/2014 16:40 GMT+7

(TNO) Ngày 19.7, tại Nhà khách Quốc hội (165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) diễn ra chương trình khai mạc Viet Pride 2014 của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới - LGBT.

(TNO) Ngày 19.7, tại Nhà khách Quốc hội (165 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM) diễn ra chương trình khai mạc Viet Pride 2014 của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới - LGBT.

Cộng đồng LGBT: Dám sống và dám yêu
Những bạn trẻ tham gia trong chương trình khai mạc Viet Pride 2014 tại TP.HCM - Ảnh: Như Lịch

Mở đầu cho chuỗi sự kiện của Viet Pride là hội thảo Chặng đường của chúng ta, với sự tham gia của nhiều bạn trẻ, phụ huynh có con em trong cộng đồng LGBT.

 

Tháng Tự hào xuất hiện ở Mỹ 45 năm trước

Tham dự khai mạc Viet Pride 2014 nói trên, bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cho hay: “45 năm trước đây, ở Mỹ, chúng tôi tổ chức Tháng Tự hào (Gay Pride) đầu tiên dành cho cộng đồng LGBT trong im lặng. Và bây giờ sau 45 năm, Tháng Tự hào của LGBT Mỹ đã có những bước tiến rất mạnh mẽ và to lớn”.

Được biết, sự kiện Tháng Tự  hào Việt (Viet Pride) xuất hiện tại VN từ năm 2012. Năm nay, Viet Pride diễn ra tại 17 tỉnh, thành trên cả nước với chủ đề Hãy cứ sống! Hãy cứ yêu! Riêng tại TP.HCM, sự kiện này kéo dài từ ngày 18 đến 21.7, với các hoạt động chính: hội thảo phiên, chiếu phim, đêm kịch Cầu vồng, nhảy flashmob và những hoạt động ngoài trời…

Bà Nguyễn Thị Lan, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết:  Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã tháo bỏ điều cấm đối với việc kết hôn của những người đồng giới. Mặc dù luật vẫn không công nhận việc kết hôn này, nhưng theo bà Lan, đây được coi như là bước tiến lớn tháo bỏ rào cản, là tín hiệu đáng mừng vì pháp luật đã có sự thay đổi, có sự nhìn nhận một cách công bằng, bình đẳng hơn đối với cộng đồng LGBT.

Đồng tình với ý kiến này, bà Huỳnh Lan Phương, Cán bộ chương trình quốc gia Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), nhận xét: “Tôi thấy điều rất nổi bật là có sự thay đổi trong thái độ và cách tiếp cận của những nhà làm luật đối với những người yếu thế, trong đó có cộng đồng LGBT. Trước đây, nhiều người còn dè chừng, kỳ thị vấn đề đồng tính, nhưng hiện giờ đã cởi mở hơn rất nhiều”.

Theo bà Phương, chính thái độ “dám sống” của những người trong cộng đồng LGBT là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự thay đổi nói trên.

Nhà báo Phạm Thu Nga (Báo Thanh Niên) cho rằng, truyền thông không hề kỳ thị với cộng đồng LGBT. Trước đó, báo giới có nhiều bài viết tiêu cực về cộng đồng này chẳng qua là do họ không có nhiều thông tin. Những năm gần đây, hình ảnh người LGBT đã xuất hiện rất tích cực trên nhiều tờ báo.

Nguyễn Tuấn Phát, thành viên trong cộng đồng LGBT, tâm sự: Trước khi công khai với gia đình, mình đã trải qua một giai đoạn khủng khiếp. Bởi vì 10 năm trước, có rất ít người sống công khai và mọi người đối xử khắt khe nên mình sống thu mình. Lúc đó, mình như một cây cam sống giữa một rừng chanh và cố cho ra một trái chanh… Bây giờ, dù còn khó khăn nhưng mình vẫn cứ “Yêu ngày tới, dù mệt quá kiếp người. Còn cuộc đời, ta cứ vui”.

Một người mẹ có tên là Nguyễn Thanh Thủy kể rằng, cách đây 10 năm, khi nhận ra con mình là đồng tính, bà cảm thấy vô cùng bế tắc. Bởi vì lúc đó, không có nhiều thông tin về vấn đề đồng tính, còn báo chí nêu rất nhiều vụ việc tiêu cực về những người này.

“Tôi đã khóc suốt gần 10 năm qua vì không được chia sẻ với ai. Sau khi biết Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam - PV), tôi cũng khóc nhưng đó là những giọt nước mắt hối hận, vì bản thân tôi đã kỳ thị và gây tổn thương tinh thần rất lớn cho con tôi”.

Như Lịch

>> Cộng đồng LGBT: Không kết hôn, nói sao với cha mẹ?
>> Giải thể thao đầu tiên của giới LGBT ở châu Á

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.