Nếu kẹt giữa điểm nóng xung đột Iran và Mỹ, công dân Việt Nam cần làm gì?

08/01/2020 14:54 GMT+7

Nếu bị kẹt giữa điểm nóng xung đột Iran và Mỹ, công dân, pháp nhân Việt Nam sẽ được bảo hộ như thế nào và cần làm gì để an toàn?

Theo Tờ trình dự án luật mà Bộ Công an trình ra Quốc hội, năm 2018 có khoảng 9,6 triệu người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau. Trong diễn biến tình hình thế giới hiện nay, nếu bị kẹt ở điểm nóng xung đột Iran và Mỹ, công dân Việt Nam cần làm gì để an toàn?

Tổng đài bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

Ngày 2.2.2015, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) chính thức khai trương Tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài +844.62.844.844.
Tổng đài hoạt động 24/24, tiếp nhận tất cả các cuộc gọi cung cấp thông tin, phản ánh yêu cầu, đề nghị giúp đỡ của các công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.
Khoản 3 Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân Việt Nam ở nước ngoài được nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ. Và Việc bảo hộ đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài được quy định tại Điều 6 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.
  • Theo đó, Nhà nước CHXHCN Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài.
  • Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thi hành mọi biện pháp cần thiết, phù hợp với pháp luật của nước sở tại, pháp luật và tập quán quốc tế để thực hiện sự bảo hộ đó.
Ngoài ra, theo các khoản 1, 2  và 3, Điều 8, Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định:
  • Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự được quy định tại Điều này trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận và điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
  • Thực hiện việc thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân Việt Nam trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại quốc gia tiếp nhận.
  • Trong trường hợp công dân, pháp nhân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.

Công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài gặp vấn đề cần hỗ trợ thì có thể liên lạc với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại để có thể được bảo hộ chính đáng theo pháp luật

Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 (Điều 3) và Công ước Vienna về quan hệ lãnh sự năm 1963 (Điều 5) đều quy định “cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự có chức năng bảo vệ quyền lợi của công dân của nước mình trong phạm vi cho phép của luật pháp quốc tế”.
Như vậy, nếu công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài gặp vấn đề cần hỗ trợ thì có thể liên lạc với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại để có thể được bảo hộ chính đáng theo pháp luật.
Ngoài ra, công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có thể liên lạc qua Tổng đài điện thoại hỗ trợ công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài +844.62.844.844 để nhờ hỗ trợ khẩn cấp. 

Những giúp đỡ mà Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thể làm với công dân Việt Nam ở nước ngoài:

  • Cấp hộ chiếu để tiếp tục hành trình hoặc cấp Giấy thông hành để về nước;
  • Tiến hành thăm lãnh sự nếu công dân có yêu cầu trong trường hợp bị bắt, bị giam giữ hoặc bị tù;
  • Thăm công dân ốm đau đột xuất phải cấp cứu tại bệnh viện; giúp thông báo cho gia đình, thân nhân biết;
  • Giúp cung cấp danh sách, địa chỉ bệnh viện, luật sư;
  • Giúp liên hệ với gia đình, người thân, bạn bè trong nước nếu bị bắt giữ; giúp thuê luật sư (với điều kiện bản thân hoặc gia đình chịu chi phí);
  • Giúp can thiệp khi công dân Việt Nam bị giam giữ trong điều kiện phi nhân đạo (Bị tra tấn, đánh đập, ốm đau không được khám, chữa bệnh);
  • Giúp tìm kiếm thông tin nếu công dân bị mất tích;
  • Giúp thông báo cho gia đình, người thân bạn bè trong trường hợp công dân bị chết;
  • Giúp hồi hương công dân bị ốm đau, bị tai nạn hoặc đưa thi hài người chết về nước với chi phí của gia đình, người thân, bạn bè người đó.
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết năm 2019, Việt Nam có 147.387 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Còn theo Tờ trình dự án luật mà Bộ Công an trình ra Quốc hội, số lượt công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với nhiều mục đích khác nhau ngày càng tăng.
  • Năm 2007: 1,9 triệu người.
  • Năm 2008: 2,6 triệu người
  • Năm 2010: 3,2 triệu người
  • Năm 2013: 6,1 triệu người
  • Năm 2016: 7,7 triệu người
  • Năm 2017: 9,2 triệu người
  • Năm 2018: 9,6 triệu người
 

Vietnam Airlines điều chỉnh đường bay tránh khu vực Trung Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.