Công dân TQ gian lận để nhận 20 triệu USD tiền hỗ trợ Covid ở Mỹ

22/04/2022 11:00 GMT+7

Một công dân Trung Quốc ở Mỹ đã bị tuyên hơn 4 năm tù sau khi thừa nhận hành vi gian lận hòng nhận được 20 triệu USD từ gói hỗ trợ Covid-19 của chính phủ.

Thẩm phán khu vực Richard M. Berman tuyên án 4 năm 4 tháng tù giam đối với ông Muge Ma tại một phiên tòa ở New York hôm 21.4, hãng AP đưa tin.

Theo thẩm phán, án tù này là cần thiết vì mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, cũng như để răn đe những người muốn trục lợi từ các chương trình cứu trợ khẩn cấp của chính phủ.

Ông Muge Ma là công dân Trung Quốc sống tại New York

ny daily news

Ông Ma, 38 tuổi, bị bắt hồi tháng 5.2020. Theo hồ sơ tố tụng, ông đã nộp đơn đăng ký ở ít nhất 5 ngân hàng để có thể nhận về hơn 20 triệu USD thông qua các khoản cho vay được chính phủ đảm bảo trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại vì Covid-19.

Cơ quan chức năng nói ông đã khai man rằng ông đang phải trả lương cho hàng trăm nhân viên với số tiền lên đến hàng triệu đô-la thông qua hai công ty mà ông kiểm soát.

Để chứng minh việc này, ông đã nộp các tài liệu giả mạo bao gồm hồ sơ ngân hàng, thuế, bảo hiểm và tiền lương. Ông cũng cung cấp cho ngân hàng đường link dẫn đến các website mô tả các công ty nói trên là "công ty toàn cầu", theo các công tố viên.

Trên thực tế, ông Ma khi đó đang làm việc một mình tại khu nhà trị giá 1,5 triệu USD của ông ở Manhattan. Ông nói dối rằng một trong các công ty của ông đại diện cho bang New York và đang hỗ trợ thống đốc New York khi đó, Andrew Cuomo, mua thiết bị xét nghiệm Covid-19 và đồ bảo hộ cho tuyến đầu chống dịch.

Các công tố viên cho biết ông Ma đã thuyết phục được một ngân hàng chấp thuận và giải ngân khoản vay hơn 800.000 USD cho một công ty của ông, mặc dù số tiền này đã bị đóng băng trong quá trình điều tra. Một khoản vay 650.000 USD khác cũng đã được chấp thuận và một khoản tạm ứng 10.000 USD đã được giải ngân.

Ông Ma, người đã được cấp thẻ xanh (thường trú nhân) tại Mỹ, đã liên tục nói xin lỗi trước khi thẩm phán tuyên án. Ông đến Mỹ từ năm 2011 bằng thị thực sinh viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.