Công chức TP.HCM giảm thu nhập tăng thêm, chia sẻ cùng tuyến đầu chống dịch Covid-19

24/08/2021 08:36 GMT+7

Việc giảm hệ số thu nhập tăng thêm của công chức giúp TP.HCM tiết kiệm được khoảng 515 tỉ đồng để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 .

Sáng 24.8, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp lần thứ 2 (kỳ họp chuyên đề) để thảo luận nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách khi thành phố bước vào đợt giãn cách mới với nhiều biện pháp được siết chặt, tăng cường.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp này, các đại biểu thảo luận, xem xét thông qua tờ trình về điều chỉnh thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức (gọi tắt là công chức). Vào cuối năm 2020, HĐND TP.HCM đã ban hành nghị quyết số 72 về dự toán thu chi ngân sách nhà nước, thu chi ngân sách thành phố năm 2021, trong đó quy định hệ số tăng thu nhập đối với công chức là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.
Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nguy hiểm, bùng phát trên diện rộng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Từ quý II/2021, số thu ngân sách trên địa bàn đã có dấu hiệu sụt giảm (số thu trong quý II chỉ đạt là 92.718 tỉ đồng, giảm 17% so với quý I). Trong khi đó, TP.HCM đang tập trung nguồn lực để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn.

Đề xuất miễn học phí để hỗ trợ khó khăn với người dân trong dịch Covid-19

Tiết kiệm khoảng 515 tỉ đồng

Thành phố đã huy động cán bộ giảng viên, sinh viên từ các trường y khoa trên địa bàn, y tế tư nhân, nhân viên y tế đã nghỉ hưu, tình nguyện viên tôn giáo chăm sóc F0, F1, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, còn có lực lượng hỗ trợ theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế tham gia chi viện, hỗ trợ điều trị và y tế dự phòng.
Để có kinh phí hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết về việc giảm hệ số điều chỉnh tăng thu nhập từ 1,2 lần xuống 1 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ trong 6 tháng cuối năm 2021. Điều này thể hiện tinh thần chia sẻ khó khăn trong công tác phòng chống dịch của lực lượng công chức toàn thành phố.

Đây là năm thứ 2, công chức ở TP.HCM giảm thu nhập tăng thêm để chia sẻ với lực lượng tuyến đầu chống dịch

Ảnh:Nguyên Vũ

Riêng đối với công chức ngành y tế và công chức phường, xã, thị trấn tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ. Từ năm 2022 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 54/2017 của Quốc hội, căn cứ khả năng cân đối và yêu cầu điều hành của thành phố, UBND TP.HCM báo cáo HĐND TP.HCM quyết định cụ thể hệ số điều chỉnh tăng thu nhập đảm bảo không vượt quá 1,8 lần.
Dự kiến kinh phí tiết kiệm khi thực hiện giảm hệ số thu nhập tăng thêm như trên khoảng 515 tỉ đồng. Trong trường hợp nguồn kinh phí tiết kiệm nêu trên không đủ thì sử dụng nguồn cải cách tiền lương ngân sách thành phố để hỗ trợ.

Công an sẽ cấp giấy đi đường cho người được phép lưu thông trong cao điểm giãn cách xã hội

Hỗ trợ khoảng 133.000 người chống dịch Covid-19

Hồi đầu tháng 8, UBND TP.HCM quyết định hỗ trợ khẩn cấp nhằm động viên lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch Covid-19, thực hiện chi 1 lần.
Cụ thể, lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp nhận 10 triệu đồng, lực lượng tuyến đầu làm công việc gián tiếp nhận 4,5 triệu đồng, các tổ Covid-19 cộng đồng nhận 2 triệu đồng.
Đối với lực lượng tình nguyện viên được Sở Y tế huy động, cán bộ giảng viên từ các trường y khoa, lực lượng y tế tư nhân, lực lượng nhân viên y tế đã nghỉ hưu, tình nguyện viên tôn giáo, tình nguyện viên lái xe vận chuyển F0, F1 theo yêu cầu cách ly tập trung nhận 3 triệu đồng; riêng sinh viên y khoa nhận 1,5 triệu đồng.
Tương tự là đội ngũ nhân lực y tế được Bộ Y tế và các tỉnh chi viện cho TP.HCM, các nhân viên y tế, cán bộ giảng viên nhận 3 triệu đồng còn sinh viên y khoa nhận 1,5 triệu đồng.

Nhân viên y tế hướng dẫn người khiếm thị ở Q.6 tiêm vắc xin

Ảnh: Sỹ Đông

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tổng nhân lực được hỗ trợ khoảng 132.900 người. Trong đó, lực lượng y tế tuyến đầu thực hiện công việc trực tiếp (thực hiện công tác khám, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và cơ sở cách ly tập trung; kíp cấp cứu 115, nhân viên y tế tham gia vận chuyển F0) khoảng 13.200 người.
Lực lượng tuyến đầu thực hiện công việc gián tiếp khoảng 33.000 người; Tổ Covid cộng đồng tại 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức khoảng 68.400 người; tình nguyện viên được thành phố huy động tham gia phòng, chống dịch khoảng 8.300 người; lực lượng tình nguyện viên được Bộ Y tế huy động khoảng 10.000 người.
UBND TP.HCM dự trù kinh phí để hỗ trợ các lực lượng nêu trên khoảng 463 tỉ đồng, tuy nhiên việc thanh quyết toán dựa trên quyết định bố trí nhân sự của cấp có thẩm quyền, trường hợp một người tham gia nhiều công việc thì chỉ được hưởng chính sách hỗ trợ với mức cao nhất.
Trong năm 2020, TP.HCM cũng giảm hệ số thu nhập tăng thêm của công chức từ 30 - 50% để góp phần chia sẻ khó khăn với người dân và lực lượng chống dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.