Công bố hàng trăm bức thư tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Kỳ 8: Em còn nhớ hay em đã quên

03/04/2011 23:23 GMT+7

Trong những bản nhạc Trịnh Công Sơn chép tặng Dao Ánh có bài Em còn nhớ hay em đã quên với ghi chú “bài hát đã hát nhiều quanh thành phố” và họa sĩ Thái Bá Vân cùng một số người khác đã nghe Trịnh Công Sơn cầm đàn hát trong một cuộc họp mặt khó quên…

>> Kỳ 1: Còn tuổi nào cho Dao-Ánh-sương-mù
>> Kỳ 2: Yêu một người tên hoa hướng dương
>> Kỳ 3: Ba trăm bức thư - một cõi đi về...
>> Kỳ 4: Huế - một thành phố nhớ
>> Kỳ 5: Dù còn phút cuối xin em nụ cười
>> Kỳ 6: Những bức thư đầy chất thơ
>> Kỳ 7: Trịnh Công Sơn - Dao Ánh qua hồi ức của Trịnh Vĩnh Trinh

Em còn nhớ hay em đã quên được chọn làm nhan đề cho một tuyển tập 50 tình khúc Trịnh Công Sơn do NXB Trẻ - TP.HCM ấn hành tháng 4.1991. Khi in xong, một số được chuyển ra giới thiệu tại Hà Nội, lúc ấy Thái Bá Vân đang nằm trên giường bệnh đã nhận được một cuốn từ tay nhạc sĩ Văn Cao đưa tặng và đã nhận xét: “hơi nhạc có ma lực xa xăm, sâu kín của Trịnh Công Sơn trước sau là một, chưa bao giờ nó có hạn hẹp, chia lìa, một hơi nhạc đằm thắm và siêu hình, như phấp phỏng hoang vắng về những nỗi đau con người trước ý nghĩa của cuộc đời và hy vọng. Nhưng tài năng của anh lại làm ta an tâm, rằng cái thế giới bàng hoàng thao thức kia không có cách nào khác để bày tỏ ngoài cách của nghệ thuật. Bởi thế mà cả nghệ thuật và chúng ta đều có thể biết ơn anh” (tháng 6.1991).

Trước đó có hơn chục năm, Thái Bá Vân đã nghe Trịnh Công Sơn hát các tình khúc (viết trong thời kỳ đầu yêu Dao Ánh say đắm) như Mưa hồng, Gọi tên bốn mùa, Còn tuổi nào cho em rồi. Đó là vào những năm 1978 - 1979, lúc Thái Bá Vân từ Hà Nội vào dạy học tại Huế theo lời mời thỉnh giảng và thường đến chơi với Trịnh Công Sơn ở căn nhà trên đường Nguyễn Trường Tộ, là nơi “đầy kỷ niệm với bạn bè trong đó”. Trên tạp chí Văn Nghệ số 3.1991, Thái Bá Vân ghi nhận: “Trong bộ Bách khoa Le Million viết về tất cả mọi đất nước trên trái đất này, người ta viết về Trịnh Công Sơn (tập 8, trang 122 - Geneve 1973) như sau: “…Nhiều thi nhân Việt Nam ngày nay đã tìm hơi thở hùng ca của tổ tiên ngày trước để hát nỗi đau của mình. Trịnh Công Sơn nổi bật giữa những tài năng trẻ đó. Bài hát của anh tràn ngập thành phố và thôn quê. Trịnh Công Sơn cất cao tiếng hát thi nhân mà đạn bom không bao giờ dập tắt được… Anh nhìn quê hương với đôi mắt nợ nần”.

Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. m nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có cơ duyên ra đời (...). Một bản tình ca đôi khi đi theo suốt đường đời của một con người cho đến tàn cơn mộng mị.

TRỊNH CÔNG SƠN

Riêng bài Em còn nhớ hay em đã quên, Thái Bá Vân kể: “Tôi được nghe chính Trịnh Công Sơn hát tại một gia đình Sài Gòn đã lâu (có lẽ đó là mùa hè 1982) quanh nhiều khuôn mặt một thời tăm tiếng. Ví dụ bà thi nhân Mộng Tuyết - vợ cố thi sĩ Đông Hồ, nhà thơ già Bàng Bá Lân và bữa cơm là do đôi bàn tay văn hiến Hà Nội của bà Vũ Hoàng Chương điều khiển, hôm ấy có một người phản ứng bài hát của Sơn khá mạnh... Trịnh Công Sơn vẫn hiền hậu mỉm cười, không đáp và bấm đàn hát tiếp: Em ra đi nơi này vẫn thế... Thành phố vẫn có những giấc mơ, vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên con đường đi... Em còn nhớ hay em đã quên. Một lần nữa tôi thấy ngọn nến lung linh xanh ngát trong mọi ca khúc của anh, dịu dàng hắt lên khuôn mặt quê hương thứ ánh sáng ám ảnh, huyền thoại, như trên hội họa của một Georges de la Tour (1593-1652), mà mãi đầu thế kỷ 20 người ta mới nhận ra”. Buổi họp mặt trên không ai biết bài ấy Trịnh Công Sơn đã chép tặng Dao Ánh (đang ở Mỹ) và sáu tháng sau ngày phát hành tuyển tập Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh Công Sơn có thư gửi Dao Ánh, với đoạn viết về diện mạo của đường phố Sài Gòn cách đây 20 năm và tự phác họa đôi nét về ông ngày đó:

Sài Gòn, 11/10/1991.

Dao Ánh thân mến, Sài Gòn dạo này thay đổi nhiều, nhất là về việc xây dựng nhà cửa. Có những con đường ở các quận trung tâm chỉ cần một vài tháng không đi qua khi tình cờ trở lại đã không thể nhận ra đâu là căn nhà quen cũ của mình. Người ta xây cất nhà hoặc sửa mới lại để cho thuê hoặc làm mini hotel. Quán xá cũng mọc lên ào ạt (...) Với anh và một vài người bạn, không còn nơi nào dễ sống hơn ở đây nữa. Đã quen với từng centimet của đời sống này và có một bầu không khí riêng để thở và đã có đủ niềm vui nho nhỏ từng ngày mà không cần mơ ước gì thêm. Thảng hoặc nếu được đi đây đi đó một chút thì cũng chỉ để thay đổi cái nhìn, để thăm viếng bạn bè cũ, ngoài ra chẳng phải vì khao khát hoặc ước muốn gì cả. Cách đây ít lâu có nghe ai đó nói rằng Ánh dự định về thăm nhà trong năm nay. Anh thấy vui vui vì nghĩ rằng Ánh về sẽ có dịp bắt gặp lại đâu đó một vài hình ảnh cũ, một vài điều tưởng đã quên đi ngờ đâu vẫn còn đó. Cũng vì cứ sống mãi với những điều lặt vặt, nhỏ nhắn như thế mà rốt cùng rồi chẳng muốn đi đâu.


Trịnh Công Sơn bên Hoàng thành Huế - Ảnh do gia đình TCS cung cấp

Mưa lúc 18g15. Ánh ơi, những ngày tháng bây giờ hình như không thuộc về anh nữa. Có nhiều lúc ngồi nghĩ lại anh thấy mình đã đánh mất quá nhiều dịp tốt để thực hiện một vài giấc mơ của mình. Chúng mình nói chung đã bỏ lỡ, đã đánh mất nhiều những giấc mộng mà bây giờ nghĩ lại có khi cũng cảm thấy đôi chút ngậm ngùi. Đang mưa ngoài trời, mưa nặng, nhiều và có sấm sét. Anh đang ngồi uống rượu sake với người bạn ở Nhật về, cùng Tôn Thất Văn (họa sĩ), Lữ Quỳnh ở vườn nhà anh. Cuối cùng cũng chẳng có gì quan trọng, chỉ tiếc là không bao giờ nói được hết những gì mình nghĩ với người mình yêu thương và đời sống đã mang đi hết những câu kinh trinh bạch mà không phải lúc nào, giờ nào, thời nào cũng thổ lộ cùng nhau được. Có một thời rất ngu si, mê muội. Có một thời rực rỡ trí tuệ tinh anh. Đã nhìn và thấy hết cuộc đời nhưng khi giác ngộ thì không còn cơ hội để lặp lại những ngôn ngữ chân thực, tinh tuyền của mình nữa. Anh không nuối tiếc cuộc đời mà chỉ vì yêu thương nó mà phải nói lại những lời đáng ra phải lãng quên. (Còn tiếp)

Giao Hưởng - Dạ Ly
(giới thiệu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.