Công bố giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7, 10: Có bộ tăng gấp 3 lần

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/04/2022 13:19 GMT+7

Ngày 27.4, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thông tin về giá sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo các quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt danh mục sách sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông, các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam gồm: Kết nối tri thức với cuộc sốngChân trời sáng tạo sẽ được đưa vào giảng dạy trên cả nước từ năm học 2022 - 2023.

Giá sách giáo khoa mới tăng rất nhiều so với sách theo chương trình cũ

ngọc dương

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện kê khai giá bán lẻ các bộ sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) theo quy định. Các bộ sách giáo khoa của nhà xuất bản này có giá bìa cụ thể như sau:

Bộ sách giáo khoa lớp 3 từ 177.000 đồng/bộ đến 183.000 đồng/ bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh)

Bộ sách giáo khoa lớp 7 từ 208.000 đồng/bộ đến 209.000 đồng/bộ (chưa bao gồm sách tiếng Anh)

Bộ sách giáo khoa lớp 10 từ 246.000 đồng/bộ đến 301.000 đồng/bộ (tuỳ thuộc tổ hợp môn học và chuyên đề học tập mà học sinh lựa chọn).

Giá bộ sách giáo khoa lớp 10 gồm tổng giá bìa sách của 5/7 môn học bắt buộc (toán, ngữ văn, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp), 5 môn học lựa chọn và 3 chuyên đề học tập.

Như vậy, so với giá bộ sách giáo khoa hiện hành thì sách giáo khoa mới của lớp 3, lớp 7, lớp 10 của chính Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam áp dụng năm học tới đều tăng rất cao.

Cụ thể, nếu bộ sách giáo khoa lớp 3 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh) chỉ khoảng 60.000 đồng/bộ thì giá sách giáo khoa mới công bố là gần 210.000 đồng/bộ. Năm học tới, tiếng Anh cũng chuyển từ môn học tự chọn sang bắt buộc nên sách giáo khoa tiếng Anh cũng không thể thiếu với tất cả học sinh. Giá sách giáo khoa tiếng Anh luôn cao nhất trong số các sách giáo khoa khác. Do vậy, nếu tính cả sách tiếng Anh thì giá bộ sách giáo khoa lớp 3 sẽ lên tới hơn 300.000 đồng/bộ.

Tương tự, giá bộ sách giáo khoa lớp 7 hiện hành (chưa bao gồm sách tiếng Anh có giá bìa là gần 120.000 đồng/bộ thì bộ sách giáo khoa mới cũng chưa bao gồm sách tiếng Anh là gần 210.000 đồng/bộ.

Với lớp 10 thì giá bộ sách giáo khoa mới sẽ áp dụng từ năm học mới tăng gần gấp đôi. Cụ thể, giá của bộ sách giáo khoa lớp 10 hiện hành với 13 môn học được niêm yết là 164.000 đồng.

Nhà xuất bản: "Phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện"

Dù giá sách giáo khoa mới tăng mạnh, nhưng trong thông cáo báo chí ngày 27.4 về giá sách lớp 3, lớp 7, lớp 10, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn khẳng định: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhà xuất bản đặt tiêu chí phục vụ ngành và xã hội lên hàng đầu. Với phương châm phục vụ là mục đích, kinh doanh là phương tiện, chúng tôi đã tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để có giá bán sách giáo khoa phù hợp với mức chi phí của đại đa số các gia đình có con em đi học".

Năm 2020, khi dư luận ồn ào về giá bộ sách giáo khoa mới của lớp 1 tăng gần gấp 2 lần so với bộ sách cũ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có văn bản giải thích gửi Quốc hội. Theo đó, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất là nội dung sách giáo khoa mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn cũ.

Thứ hai, để thể hiện tốt hơn nội dung sách giáo khoa, giúp học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức (nhất là đối với các hình ảnh cần màu sắc) đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học tích cực, sách giáo khoa mới được in 4 màu (trong khi sach lớp 1 cũ chỉ in 2 màu) nên đòi hỏi giấy in phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy); mực in phải bảo đảm chất lượng.

Thứ ba là các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như sách giáo khoa lớp 1 cũ.

Cũng theo Bộ GD-ĐT khi nói về giá sách giáo khoa mới: "Bộ Tài chính đã thẩm định giá, nhưng các cấu thành giá sách giáo khoa (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm các chi phí theo quy định và không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. Điều này khiến giá thành sách giáo khoa mới cao hơn.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không đề cập đến các nguyên nhân "cơ học" gây nên việc người dân phải bỏ chi phí lớn hơn nhiều lần để mua đủ bộ sách giáo khoa bắt buộc cho con em mình học tập. Đó là việc Bộ GD-ĐT cho phép tăng số đầu sách giáo khoa bắt buộc so với chương trình cũ, trong đó có những cuốn sách giáo khoa thực sự không cần thiết. Ví dụ, bộ sách lớp 2 cũ chỉ có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ thì sách mới lên tới 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ. Lần đầu tiên trong “lịch sử giáo dục ” có sách giáo khoa môn thể dục (còn gọi là giáo dục thể chất); sách giáo khoa của “hoạt động trải nghiệm”,...

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng các môn đạo đức, nghệ thuật và đặc biệt là giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ, không cần sách giáo khoa cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ cần quy định về số trang trên mỗi đầu sách để đảm bảo vừa giảm chi phí làm sách, vừa giúp nội dung sách cô đọng hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng theo hình thức "cuốn chiếu", bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1; năm học 2021 - 2022 đối với lớp 2, lớp 6 và năm tới 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10.

Năm 2021, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành các quyết định phê duyệt sách giáo khoa mới của các lớp 3, lớp 7, lớp 10 của các nhà xuất bản khác nhau.

Đối với lớp 7, Bộ GD-ĐT phê duyệt 40 cuốn sách giáo khoa thuộc 12 môn học và hoạt động giáo dục.

Lớp 10, Bộ GD-ĐT phê duyệt 43 cuốn sách giáo khoa lớp 3 của 11 môn học và hoạt động giáo dục.

Thời điểm này, các địa phương đã và đang chọn sách giáo khoa mới sau đó đăng ký với các nhà xuất bản để được tập huấn, cung ứng sách trước khai giảng năm học mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.