Công an TP.HCM nói gì về thủ đoạn lừa bán lao động qua Campuchia?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
23/06/2022 17:47 GMT+7

Chiều 23.6, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã thông tin về vấn nạn lừa bán lao động qua Campuchia .

Chiều 23.6, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về dịch Covid-19 và các vấn đề về kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, PV đã đặt câu hỏi về tình trạng nhiều lao động sống tại TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bị lừa bán qua Campuchia để làm việc.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho hay, tội phạm buôn bán người là vấn đề nhức nhối được thế giới và Việt Nam quan tâm từ trước tới nay.

Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia: "Miếng phô mai miễn phí" trên cái bẫy

Quốc hội đã thông qua luật Phòng chống mua bán người có hiệu lực từ năm 2012, đồng thời, ngày 30.7 hàng năm được xem là ngày toàn dân phòng chống mua bán người. Bộ luật Hình sự cũng có quy định về loại tội phạm này.

Theo thượng tá Lê Mạnh Hà, tội phạm buôn bán người thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của một số người dân; trẻ em, phụ nữ, người dân có hiểu biết hạn chế, kinh tế gia đình khó khăn, thiếu việc làm; thanh thiếu niên ăn chơi, đua đòi và các em có tư tưởng muốn thoát ly công việc vất vả, muốn đổi đời...

Các tội phạm này lừa gạt, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập, môi giới kết hôn, môi giới nhận con nuôi, rủ đi du lịch... rồi bán nạn nhân ra nước ngoài để trục lợi.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM thông tin về vấn nạn lừa bán lao động qua Campuchia

thành nhân

Đặc biệt, trong thời đại công nghệ và mạng xã hội phát triển như hiện nay, tội phạm thường làm quen, tiếp cận từ xa rồi dẫn dụ các nạn nhân vào cạm bẫy mua bán người.

Thời gian gần đây nổi lên tình trạng các trang mạng xã hội tuyển người qua Campuchia làm hành chính, hứa hẹn mức lương cao, được bao ăn ở. Các đối tượng có đưa ra một số điều kiện như biết đánh máy, giọng nói tốt thì lương càng cao để tăng niềm tin cho nạn nhân.

Các nạn nhân từ các tỉnh và cả TP.HCM được hướng dẫn đưa qua đường tiểu ngạch sang Campuchia. Tuy nhiên, khi qua đó, các nạn nhân bị yêu cầu trả số tiền đền bù vận chuyển và chi phí ăn ở; bị bắt, khống chế, yêu cầu gia đình chuyển tiền hoặc bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm bắt tình hình, tăng cường tuyên truyền và phối hợp các điều tra khi xảy ra vụ việc.

Nạn nhân, người nhà của nạn nhân có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất để trình báo sự việc; gọi tổng đài quốc gia 111, đường dây nóng 18001567.

Từ 19.6, Báo Thanh Niên đăng tải loạt điều tra "Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia". PV Thanh Niên đã thâm nhập đường dây lừa bán lao động qua Campuchia, phản ánh thực trạng thông qua các mạng xã hội, các đối tượng ở Campuchia đã đăng tải thông tin, tuyển dụng người ở Việt Nam vào làm việc, với mức lương rất cao. Tuy nhiên, khi sang nước bạn, lao động bị mua bán qua lại. Có người may mắn được người thân bỏ hàng trăm triệu đồng chuộc về, cũng có người xấu số bỏ mạng nơi xứ người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.