Còn trong tôi một rừng già tĩnh lặng và thanh âm của 'những linh hồn phiêu dạt'

03/07/2019 13:31 GMT+7

Đêm 30 Tết Tân Hợi (tháng 1 năm 1971), tôi lên Trường Sơn, bắt đầu cuộc đi bộ dài ngót 2.000 cây số trong 4 tháng trời (kể cả thời gian bị sốt rét phải nằm lại bệnh xá binh trạm).

Ký ức hành quân giữa rừng già

Tôi đi chiến trường Nam bộ, nên con đường dài hơn và phải qua hai nước bạn là Lào và Campuchia. Tôi nhớ cái hang đá nơi chúng tôi nghỉ tạm sau một đêm hành quân, nhớ buổi sáng mùng Một Tết, cả đoàn bắn mấy phát súng thay pháo mừng xuân. Nhớ các em gái trong đoàn ôm nhau khóc và các chàng trai thì an ủi họ.
Bây giờ, đã 48 năm trôi qua. Bây giờ đã 60 năm đường Trường Sơn mang tên đường Hồ Chí Minh. Bây giờ vị tướng tư lệnh huyền thoại của con đường huyền thoại vừa qua đời, thọ 97 tuổi. Bây giờ…
Sau 48 năm, tôi vẫn nhớ những cánh rừng săng lẻ phía Trường Sơn tây, những lối mòn chúng tôi hành quân, những con suối chúng tôi dừng ở trạm để nấu cơm.
Tháng 2, những giò phong lan tít tận ngọn cây rừng mấy chục mét, hoa nở thơm ngào ngạt. Thơm trong im lặng. Cả một rừng săng lẻ cổ thụ, mỗi cây vòng gốc phải mấy người ôm, cả rừng cây không một thanh âm. Cũng như sông sâu thì tĩnh lặng, cổ thụ thêm tuổi thì càng giữ chặt không gian lặng yên này.
Suốt 4 năm ở Đại Từ (Thái Nguyên) tôi thường xuyên đi rừng lấy gỗ lấy nứa, nhưng chưa bao giờ gặp được những cánh rừng già cổ thụ lớn đến như vậy. Chúng tôi cứ hành quân miên man và cũng im lặng như rừng già. Cảm giác ấy lạ lùng vô cùng.
Dĩ nhiên, có nhiều hố bom trong những cánh rừng cổ thụ ấy. Nhiều cây săng lẻ bị bật gốc, ngã, nhưng cánh rừng vẫn trụ vững. Bây giờ, mỗi khi nhớ những cánh rừng ám ảnh, lại ước chi các bạn trẻ đi phượt tới được những cánh rừng ấy, dù chỉ một lần. Họ sẽ nghe được, nhìn thấy được sự lớn lao im lặng. Nếu may mắn như chúng tôi hồi đó, họ sẽ gặp những con chim công bảy màu, gặp những con sóc bay tít ngọn cây cao, gặp những bầy “dộc” (một loại khỉ hay vượn) chuyền cành rung mưa trong vòm xanh, và gặp chính mình đang…ngơ ngác trước một thiên nhiên kỳ vĩ.

'Những linh hồn phiêu dạt'

48 năm rồi, tôi vẫn không sao quên được những cánh rừng Trường Sơn. Nhớ có lần, cách đây khoảng mười lăm năm, tôi có gặp một nhà làm phim tài liệu trẻ người Pháp. Anh ấy nói với tôi, chỉ ước ao được đi con đường Trường Sơn chúng tôi đã đi ngày trước, dù chỉ đi một đoạn.
Tôi động viên anh, chuyện đi lại đường mòn Hồ Chí Minh tôi nghĩ cũng không khó, nhưng nếu anh muốn di, anh phải đi bộ như chúng tôi ngày ấy, tự mang ba lô đựng gạo, mắm ruốc, mỳ chính (bột ngọt) cùng vật dụng cá nhân và tăng võng. Có như thế anh mới cảm nhận được hồi trước chúng tôi đã xuyên những cánh rừng già Trường Sơn thế nào.
Dù những hiểm nguy do bom đạn hay biệt kích không còn, nhưng đi trong rừng già cũng phải đề phòng nhiều tai nạn lắm. Anh bạn trẻ đạo diễn người Pháp nói với tôi, anh sẽ tìm cách để được đi như vậy. “Ít nhất, tôi cũng cảm nhận được đi trên đường Hồ Chí Minh gian khổ thế nào”, anh nói.
Khi tôi kể cho anh nghe (dĩ nhiên qua người phiên dịch) những cảm giác của tôi khi đi xuyên những cánh rừng già, những lạ kỳ mà chúng tôi gặp trên đường mòn giao liên, anh bạn trẻ Pháp đã như mê mẩn.
Tôi biết, người có đam mê như thế sẽ làm nên chuyện. Đúng là, sau hơn một năm không có liên lạc, đột ngột một đêm tôi nhận được điện thoại của anh đạo diễn trẻ người Pháp. Anh vui mừng báo tin bằng tiếng Việt cho tôi, dù giọng nói chưa thật rõ lắm, là anh đã đi được một đoạn rừng già Trường Sơn, và đã làm xong một bộ phim tài liệu. Bộ phim ấy nhan đề: “Những linh hồn phiêu dạt”.
Nhà thơ Thanh Thảo trong một lần trở lại Trường Sơn năm 1999 TRẦN ĐĂNG
Đó là linh hồn những người lính đã đi qua Trường Sơn, và phải nằm lại giữa những cánh rừng già. Họ hy sinh khi còn rất trẻ. Chủ yếu do sốt rét ác tính. Mới nghe đầu đề phim và cách dẫn giải của anh bạn người Pháp, tôi đã vô cùng thích thú. Mấy hôm sau, tôi nhận được đĩa phim này. Đúng là phim rất xúc động.
Tôi cũng đã có dịp đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của mười nghìn “những linh hồn phiêu dạt”, và tôi đã thắp hương trước một cây đa cổ thụ. Khi ngước nhìn lên vòm đa, tôi chợt thấy, có đến hàng vạn quả đa chín đỏ treo trên các cành đa rậm rạp. “Đây chính là linh hồn những đồng đội Trường Sơn của tôi hóa thân vào”.
Gặp các chiến sĩ quản trang, các anh kể rất nhiều chuyện về “những linh hồn phiêu dạt” đêm đêm thường hô tập hợp và rầm rập diễu binh. Có cả những tiếng còi giữ nhịp hành quân. Lạ lùng, nghe những chuyện ấy tôi chỉ thấy thương, không hề thấy sợ. Nếu còn một thế giới khác, tôi tin, những người lính ngã xuống trên Trường Sơn vẫn tiếp tục là những người lính. Họ chiến đấu, không phải để làm quan chức gì, mà để những thế hệ sau có thể đi phượt tự do trên đường Trường Sơn một cách an lành.
Và tôi chợt nhớ những cánh rừng già tôi đã đi qua.
Vào tháng 2 năm 1971 ấy, khi đi qua những cánh rừng săng lẻ, tôi đã viết ngay được một bài thơ ngắn. Bài thơ ấy như thế này:
Rừng già im lặng
Tôi đi giữa rừng già
Cây lớn thế mà sao ít nói
Bom Mỹ dội
Có những cây bật gốc căm uất nhìn trời
Cuộc sống bị chặt ngang chỗ này
                                   lại trồi lên chỗ khác
Rừng già ơi!
Tôi nhớ mẹ tôi thương con thường im lặng
Tình thương ấy như lối mòn của rừng
                                      mở ra bao hướng
Chưa lúc nào mẹ nói hết cùng tôi

Dù người đi trừ lũ quỷ ở cuối trời
Dù người về thành phố xa
                               nơi lòng tôi hay trở lại
Vẫn lối mòn dưới ngàn cây vững chãi
Rừng già lặng lẽ dẫn người đi
                                                            2/1971
Nhớ vô cùng. Nhất là khi mình không còn có thể đi lại con đường Trường Sơn ấy lần thứ hai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.