Con tôi đã chọn trường nghề

04/09/2018 14:38 GMT+7

Bậc cha mẹ ai cũng rất kỳ vọng vào con cái, mong cho con được học hành đàng hoàng, tử tế, giỏi giang thành tài, nhưng phụ huynh sẽ làm gì khi con mình không được như kỳ vọng, thậm chí rớt cả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Từ việc con mình thi hỏng tốt nghiệp THPT, bậc cha mẹ thường có suy nghĩ không hay về con. Có khi không biết vô tình hay cố ý còn so sánh con mình với các cháu cùng trang lứa rồi vội vàng kết luận: “Con mình dở, không bằng con của người khác, con của mình ham chơi, thích đua đòi không chú tâm học tập để trở thành người có ích cho xã hội...”.

Tôi nhớ đến trường hợp của con tôi cách đây ba năm, trong bữa cơm chiều, tôi hỏi thăm con về kết quả thi tốt nghiệp THPT, đang ăn cơm nó ngưng đũa và nói: “Con thi bị rớt rồi ba ơi!”, nói xong câu rồi nó gục mặt tỏ vẻ sợ sệt, lo lắng để đón chờ những lời quát mắng của tôi. Nghe con nói vậy tôi hơi bất ngờ, buông đũa định bỏ bữa ăn vì trong hoàn cảnh buồn như thế này nuốt làm sao cho vô, ăn cơm sao cho nỗi, bao suy nghĩ chợt đến trong trí tôi: thi rớt THPT thì ra xã hội làm được cái gì? Nuôi cho con học hành đàng hoàng mười mấy năm mà kết quả tệ như thế này thì ba mẹ mắc cỡ với dòng họ, hàng xóm láng giềng biết bao giờ mới hết..., Lúc này nhìn thấy vẻ mặt con sợ sệt, buồn tủi tôi cũng từ từ “hạ hỏa” và hỏi con: “Thi rớt như thế này thời gian sắp tới dự định con sẽ làm gì?” Nó từ tốn nhỏ nhẹ đáp: “Trước mắt, con sẽ nghỉ trọn mấy ngày hè không đi đâu chơi ở nhà chăm mấy con gà và vườn cây cho đầu óc thanh thản, sau đó con xin chuyển xuống trung tâm giáo dục thường xuyên học lại chương trình lớp 12, năm sau tiếp tục thi tốt nghiệp THPT. Bằng tốt nghiệp THPT hay bằng bổ túc văn hóa cũng có giá trị tương đối ngang nhau nên con không lo”.
Nghe con nói như vậy tôi cũng mừng vì thực sự trong lòng tôi cũng hơi lo sợ con thi rớt đăm ra chán nản không có động cơ học lại mà tụ tập bàn bè ăn chơi lêu lỏng. Tôi nhẹ nhàng an ủi động viên thêm chuyện học sinh thi cử thì đậu rớt là chuyện thường tình không một ai tránh khỏi, nhưng khi mình thi rớt tự bản thân mình có kiểm nghiệm rút ra bài học nào không mới là chuyện quan trọng, vì một khi mình xác định thi rớt là làm bài không tốt do hỏng kiến thức chỗ nào đó thì giờ mình học lại, ôn lại cho vững trọng tâm phần đó.
Sau sự cố đó, cháu tự đến trường học cũ rút học bạ và chuyển sang trường mới học, từ khi chuyển học trường mới, tôi nhận thấy cháu tự giác vào bàn học nghiêm túc có vẻ chăm học hơn. Cuối năm đó, cháu thi đậu tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên. Khi có kết quả thi cháu nói với tôi: “Con biết sức học của con trung bình nên không thi đại học, cao đẳng mà xin vào học trường nghề, mai sau con có tay nghề thật vững để làm ăn sinh sống”, dĩ nhiên trong lòng tôi vui, đồng ý theo suy nghĩ và lựa chọn nghề tương lai của con.
Hiện tại khi tôi viết bài này thì cháu vừa tốt nghiệp ra trường, được xếp loại giỏi, được nhà trường tặng giấy khen và phần thưởng 500.000 đồng để động viên, và con tôi đang cân nhắc lựa chọn nơi làm việc.
Qua đây tôi mong các bậc cha mẹ, nếu con mình học hành không được giỏi giang như ý muốn của mình, thi rớt tốt nghiệp THPT hay không đậu đại học, cao đẳng thì đừng vội vàng quát tháo, trút giận lên con, mà để trong lòng con, đầu óc con thật nhẹ nhàng bình thản. Hãy để con mình từ từ nghiền ngẫm nguyên nhân vì sao thất bại trong việc học tập hay kỳ thi đó, rồi cha mẹ đinh hướng cho con có cách khắc phục để mà mạnh dạn đứng lên đối diện với thực tại và lựa chọn con đường phù hợp với năng lực của con...
Mời bạn đọc cộng tác chuyên mục 'Góc nhìn trẻ'
Các bạn thân mến!
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, cái tuổi ‘bẻ gãy sừng trâu’ với bao ước mơ, hoài bão. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy sức sống để bạn có thể học tập, làm việc, cống hiến …, và cũng là lứa tuổi với bao trăn trở trước nhiều ngã rẽ của cuộc đời: học đại học, học nghề, khởi nghiệp…
Dù con đường bạn chọn gặp nhiều thuận lợi, thành công hay khó khăn, thất bại, thì những chia sẻ của bạn về những gì đã trải qua đều có giá trị của nó. Nó sẽ là hành trang, bài học quý giá cho nhiều bạn khác sẽ và đang bắt đầu bước vào tuổi thanh xuân.
Những trăn trở, chia sẻ của các bạn có thể gửi về chuyên mục Góc nhìn trẻ theo địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn.
Các bài viết được đăng tải trên mục Giới trẻ/Góc nhìn trẻ của Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.