Con tàu khổng lồ mắc kẹt, kênh đào Suez tắc nghẽn nghiêm trọng

Khánh An
Khánh An
24/03/2021 07:52 GMT+7

Sự cố xảy ra sau khi con tàu container khổng lồ bị mắc kẹt, chắn ngang kênh đào Suez.

Hãng Sputnik đưa tin một tàu container mang cờ Panama đã mắc kẹt tại kênh đào Suez vào tối 23.3 khiến giao thông tắc nghẽn nghiêm trọng trên tuyến đường thủy quan trọng kết nối Địa Trung Hải và Hồng Hải.
“Con tàu phía trước chúng tôi chạm bờ khi đi qua kênh đào và giờ đây mắc kẹt xoay ngang nên chúng tôi có thể phải chờ”, tài khoản fallenhearts17 đăng trên Instagram, kèm theo hình ảnh con tàu container khổng lồ chắn ngang kênh đào Suez.

Kênh đào Suez tắc nghẽn nghiêm trọng vì con tàu khổng lồ

Dựa trên dữ liệu theo dõi tàu thuyền, con tàu trên mang tên Ever Given, dài 400 m, rộng 59 m và có tổng dung tích 219.079 tấn. Tàu trước đó đã ghé cảng ở Tanjung Pelepas ở Malaysia và đang trên đường tới Rotterdam (Hà Lan), dự kiến vào tuần tới.
Chưa rõ vì sao con tàu khổng lồ lại xoay ngang ở đoạn kênh đào hẹp, nhưng tàu đã chuyển bớt hàng qua tàu Maersk Denver trước khi vào tuyến kênh này.
Cơ quan chức năng Ai Cập đang nỗ lực đưa tàu Ever Given khỏi tình trạng mắc kẹt. Trong ảnh, một xe cẩu nhỏ đang cố đẩy mũi tàu khỏi bờ cát, còn dữ liệu định vị tàu thuyền cho thấy nhiều tàu nhỏ đang cố đẩy con tàu khổng lồ khỏi vị trí mắc kẹt.
Sự cố khiến 2 chiều của kênh đào Suez tắc nghẽn, với hàng chục tàu đang chờ. Tuyến hàng hải đông đúc này có khoảng 47 tàu đi qua mỗi ngày. Vào năm 2014, hai tàu container khổng lồ va chạm tại đầu phía bắc của kênh đào Suez, còn năm 2018, một tàu bị hỏng khiến 5 tàu bị đâm dồn tại tuyến kênh này.
Dự án kênh đào Suez được triển khai từ năm 1859-1869 dưới sự chỉ huy của kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps, với sự tài trợ từ chính phủ Pháp và Ai Cập. Tuy nhiên, Ai Cập mất kiểm soát sau khi tình trạng nợ của chính phủ khiến nước này phải bán cổ phần trong công ty quản lý kênh cho Anh vào năm 1875.
Vào năm 1956, khi hợp đồng thuê 99 năm hết hạn, Tổng thống Ai Cập Gamel abd al-Nasser quốc hữu hoá kênh và ý định xây dựng một căn cứ quân sự ở dọc kênh. Hành động này của Ai Cập được hậu thuẫn bởi Liên Xô và đã gây lo ngại sâu sắc cho Mỹ, Anh, Pháp và Israel gây nên cuộc Khủng hoảng kênh đào Suez.
Ngày 29.10.1956, Israel tấn công bán đảo Sinai và dải Gaza để trả đũa. Năm 1957, Liên Hiệp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây để bảo đảm tính trung lập của kênh. Kênh đào Suez bị đóng cửa một lần duy nhất từ 1967 tới 1975 trong cuộc Chiến tranh Ả Rập - Israel.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.