Còn nhiều câu hỏi liên quan 'vụ ông Trần Văn Truyền'

25/11/2014 12:44 GMT+7

Năm 2007, sau những vụ bê bối gây rúng động xã hội tại Thanh tra Chính phủ (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra Kinh tế I Lương Cao Khải nhận hối lộ trong quá trình đi thanh tra một số dự án của ngành dầu khí), Tổng thanh tra Chính phủ lúc đó, ông Quách Lê Thanh buộc phải thôi chức, ông Trần Văn Truyền được đưa về thay thế.

Năm 2007, sau những vụ bê bối gây rúng động xã hội tại Thanh tra Chính phủ (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra Kinh tế I Lương Cao Khải nhận hối lộ trong quá trình đi thanh tra một số dự án của ngành dầu khí), Tổng thanh tra Chính phủ lúc đó, ông Quách Lê Thanh buộc phải thôi chức, ông Trần Văn Truyền được đưa về thay thế.

>> TP.HCM quyết định thu hồi nhà đã bán cho ông Trần Văn Truyền
>> Tiến hành thu hồi nhà đất cấp sai cho ông Trần Văn Truyền
>> Nói và làm' của ông Trần Văn Truyền
>> Yêu cầu thu hồi nhà, đất ông Trần Văn Truyền
>> Ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ: Có tình trạng đối phó sau kết luận thanh tra

Khi đó, ông Truyền là Ủy viên T.Ư Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Thời điểm đó, nội bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ rất rối loạn: những cán bộ, chuyên viên thanh tra còn giữ được sự chính trực của nghề nghiệp thì mất lòng tin vào lãnh đạo; có những người dính líu việc này, việc kia quanh mấy vụ việc tiêu cực thì lo lắng… Hai năm đầu về làm Tổng thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền đã làm khá nhiều việc để ổn định nội bộ. Ông Truyền cùng ban lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khi đó đã liên tục ban hành các văn bản, quy chế nội bộ như quy chế đoàn thanh tra, lập ra các cơ quan thẩm định kết quả thanh tra… để các Cục, Vụ, các chuyên viên, cán bộ trong cơ quan Thanh tra Chính phủ có thể giám sát lẫn nhau.

Trước thời ông Truyền, các trưởng đoàn thanh tra có quyền ký kết luận thanh tra, nhưng sau đó, quyền này thuộc về lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Tất cả những việc này khiến hoạt động Thanh tra Chính phủ cơ bản từ những năm 2008 - 2009 đi vào quy củ.

Cũng trong những năm đầu làm Tổng thanh tra Chính phủ, ông Trần Văn Truyền tỏ ra khá cởi mở với báo chí. Ông trả lời phỏng vấn bất cứ báo nào, với những tuyên bố khá mạnh mẽ về chống tham nhũng, trong đó, ông đề cập cả những vấn đề như xử lý thu hồi tài sản của người nghỉ hưu nếu có dấu hiệu tham nhũng; không có vùng cấm cho chống tham nhũng; báo chí có thể dừng lại nhưng Thanh tra vẫn phải chống tham nhũng… Tôi cũng đã có dịp được đến nhà ông tại khu nhà ở công vụ cho cán bộ lãnh đạo nhà nước ở khu Hoàng Cầu, Đống Đa. Chỉ có ông và vợ ông ở đó và xem đồ đạc, lối sống của họ tương đối giản dị.

 nha-ong-tran-van-truyen
Biệt thự của ông Trần Văn Truyền ở xã Sơn Đông, TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre
- Ảnh: Nguyễn Khoa Chiến

Nhưng tình hình bắt đầu khác đi nhiều trong 2 năm cuối ông Truyền làm Tổng thanh tra Chính phủ. Ở cơ quan Thanh tra Chính phủ, những cán bộ, công chức vốn tin tưởng ông là một trong những người lãnh đạo liêm khiết bắt đầu nghi ngờ khi ông ký những quyết định bổ nhiệm cán bộ khá vội vàng và lạ lùng: có những chuyên viên, cán bộ không được đánh giá cao về chuyên môn được ông ký quyết định bổ nhiệm lên vị trí quan trọng mà không có sự tham khảo đầy đủ của ý kiến của các cục, vụ liên quan. Có những kết luận thanh tra được làm nhẹ đi so với dự thảo ban đầu…

Đỉnh điểm, từ tháng 3 - 8.2011, 5 tháng trước khi nghỉ hưu, ông đã có khoảng 60 quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp vụ và tương đương, mà nhiều người trong số đó chưa đủ điều kiện để được bổ nhiệm về năng lực, chuyên môn… (hiện nay, Thanh tra Chính phủ cho biết, vẫn phải xử lý hậu quả này) thì người ta đã hoàn toàn mất niềm tin vào sự công bằng, chính trực của ông.

Cho đến nay, khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận về khối tài sản của ông và những biểu hiện bất minh khiến ông được sở hữu những căn nhà, tài sản đó, thì những người biết ông đã không ngạc nhiên. Người ta hiểu rằng, ông đã phản bội những nguyên tắc nghề nghiệp với tư cách người đứng đầu của một ngành bảo vệ pháp luật quan trọng của nhà nước, phản bội niềm tin của những cán bộ, công chức dưới quyền của ông từ hồi ông còn đương chức.

Người ta sẽ thấy, vẫn còn chưa thuyết phục khi cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện những dấu hiệu sai trái trong việc sở hữu một số căn nhà của ông mà chưa làm rõ được những việc làm không minh bạch của ông thời ông đương chức, như ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm không đúng quy định như Thanh tra Chính phủ vừa qua đã khẳng định...

Việc UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bến Tre quyết định thu hồi nhà của ông Trần Văn Truyền sau đây cũng sẽ gây nhiều tranh cãi. Bởi kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng là một cơ sở, nhưng để thu hồi lại nhà ở của một cá nhân, là một cựu cán bộ cấp cao, theo nhiều chuyên gia pháp luật, cũng cần phải có một quy trình chặt chẽ hơn nữa, có thể là cuộc thanh tra của Thanh tra tỉnh, hoặc cao hơn nữa là của ngay chính Thanh tra Chính phủ. Thậm chí, nếu có căn cứ vi phạm pháp luật nghiêm trọng hơn thì có thể là cơ quan điều tra phải vào cuộc.

Những việc thanh tra, kiểm tra này rất cần thiết, không chỉ để làm rõ sai phạm của ông Trần Văn Truyền mà còn làm rõ tại sao một số cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước lại tạo điều kiện cho ông được sở hữu nhà chưa đúng quy định và những người đó cũng cần phải xử lý, nếu như đã cấp nhà sai quy định cho ông Truyền.

Vụ việc ông Trần Văn Truyền, một cán bộ có chức vụ không nhỏ: nguyên Tổng thanh tra Chính phủ, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng bị kiểm tra, thu hồi tài sản khi về hưu, dẫu sao, vẫn là một tín hiệu mới, rất quan trọng trong việc rà soát, kiểm tra, xử lý cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước, cho dù đã về hưu. Tiền lệ này có thể mở ra cho những việc kiểm tra, xử lý cán bộ cao cấp có những biểu hiện bất minh về tài sản, thu nhập, kể cả khi nghỉ hưu.

Hiện nay, ở nhiều nước, khi cán bộ, công chức nhà nước có tài sản lớn, vượt quá mức đã kê khai, có thể bị tịch thu nếu không chứng minh được nguồn gốc tài sản đó, cũng là một quy định pháp lý đáng để các nhà soạn thảo luật pháp Việt Nam tham khảo nhằm đưa ra các quy định, cơ chế phòng chống tham nhũng hiệu quả.

Người ta có thể đặt câu hỏi: hiện nay còn bao nhiêu cán bộ nghỉ hưu như ông Trần Văn Truyền cũng có tài sản bất minh, cũng tranh thủ, lợi dụng những sơ hở, sự nể nang trong chế độ nhà ở công vụ, nhà ở, biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, những sự lỏng lẻo trong quản lý cán bộ trước khi nghỉ hưu… mà chưa được kiểm tra, làm rõ?

Trường hợp ông Truyền, đáng lưu ý, được phát hiện nhờ có sự giám sát của người dân, báo chí, để từ đó, cơ quan chức năng vào cuộc mà phát hiện ra. Vậy thì, còn có rất nhiều cán bộ khác, kể cả nhiều cán bộ đương chức kê khai tài sản không đầy đủ, có những biểu hiện lạm dụng quyền lực để thu lợi cá nhân trước khi nghỉ hưu… thì cơ chế nào để kiểm tra, kiểm soát, vẫn là điều chưa rõ ràng. Ngay ở Thanh tra Chính phủ hiện nay, có cán bộ đương chức, như ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã được báo chí phản ánh có khối tài sản lớn bất thường, thì cơ quan nào có trách nhiệm đi xác minh tài sản của ông có đúng như kê khai và có được hình thành bằng nguồn tài chính minh bạch không, cũng vẫn còn là một dấu hỏi.

Cho nên, trong kỳ họp Quốc hội này, có một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn, không để cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước trước khi nghỉ hưu ký nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ, hay ký ban hành những quyết định quan trọng về chủ trương đầu tư thiếu cơ sở, thiết nghĩ là một quan điểm rất xác đáng.

Hà Nguyễn (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống ở Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.