Con người có thể có nọc độc như rắn trong tương lai?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
02/04/2021 00:15 GMT+7

Nghiên cứu mới đây phát hiện ra mối liên hệ giữa tuyến nước bọt ở động vật có vú và tuyến nọc độc của rắn. Các nhà khoa học tin rằng con người có khả năng có nọc độc trong tương lai.

Trong nghiên cứu, các nhà khoa học cố gắng xác định những gien có khả năng hoạt động và tương tác với các gien khác để tạo ra nọc độc. Họ phân tích gien của rắn habu Đài Loan và xác định được khoảng 3.000 gien, theo Daily Mail.
Sau đó, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện những gien này trên một số loại động vật có vú như tinh tinh, con người, chuột và cả chó. Thậm chí, nhóm còn phát hiện những gien này hoạt động trong các mô tuyến nước bọt của động vật có vú tương tự như cách chúng hoạt động trong tuyến nọc độc của rắn.
Phát hiện cho phép các nhà khoa học đi đến kết luận là trong một số điều kiện môi trường nhất định, một số loại động vật có vú, trong đó có cả con người hoàn toàn có thể có nọc độc.
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Okinawa (Nhật Bản) và Đại học Quốc gia Úc (Úc) thực hiện, được công bố trên chuyên san PNAS.
Trước đây, nhiều nhà khoa học tin vào giả thuyết cho rằng các tuyến nọc độc tiến hóa từ tuyến nước bọt. Nhưng đến hiện tại, đây là nghiên cứu cung cấp những bằng chứng khoa học đầu tiên cho giả thuyết này, nhà khoa học Agneesh Barua, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Rắn đã tiến hóa theo hướng kết hợp nhiều chất độc khác nhau để tạo nọc độc. Trong khi đó, một số loại động vật có vú như chuột chù cũng có nọc độc nhưng không phát triển như rắn. Các nhà khoa học tin rằng trong một số điều kiện nhất định, những loại có vú như chuột chù có thể gia tăng nồng độ chất độc trong nọc độc của chúng.
Trong tương lai, khi gặp những điều kiện sinh thái thích hợp thì con người có khả năng có nọc độc, ông Barua giải thích thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.