Con người Cà Mau

04/11/2022 17:00 GMT+7

“ Cà Mau mặc thêm áo mới. Về Cà Mau là thấy thương em rồi”, lời bài hát nhẹ nhàng sâu lắng làm xoa dịu đi cái nóng oi bức của mùa hè.

Tôi đang nằm lắc lư trên chiếc võng cùng cậu con trai 6 tuổi tâm hồn mình như đang lắng đọng cùng lời bài hát bổng có tiếng vang lên: “Mẹ ơi! Người Cà Mau thấy thương vô cùng ở điểm nào hả mẹ?”. Nếu nói cho con nghe về con người Cà Mau thì có thể nói cả ngày không hết. Câu hỏi ngây ngô của cậu con trai làm cho ký ức ngày xưa của tôi lại trở về.

Du khách đi tham quan rừng Vườn quốc gia Mũi Cà Mau bằng ca nô

gia bách

Tôi còn nhớ, hồi tôi học lớp một, nhà nghèo lại đông anh em nên phải tự đi học. Mà con đường từ nhà đến trường thì xa, ngày ấy đâu có xe như bây giờ. Sáng sớm tinh mơ tôi phải lẽo đẽo chiếc cặp trên vai để đến trường. Trời nắng tháng ba dữ dội tôi cuốc bộ hàng mấy cây số. Lúc ấy, đường đến trường làm gì có quán nước ven đường như bây giờ, mỗi lần thấy khát tôi cứ ghé tạm một nhà nào đó để xin gáo nước mưa uống cho đỡ khát. Gáo nước mưa ngày ấy không như những ly nước mía, sâm lạnh hay nha đam bây giờ nhưng lại chứa đựng biết bao nhiêu là tình cảm. Tôi nhớ như in sự nhiệt tình của những người dân quê, sự vồn vã, hỏi thăm, có khi nhường võng cho tôi nằm đỡ mệt,… Tất cả những điều đó đã làm cho những gáo nước mưa ngày ấy trong tôi mát lịm cho đến bây giờ.

Người Cà Mau là thế đấy con ạ! Họ quý nhau ở cái tình, cái nghĩa. Từ thời khai hoang mở đất những con người đến đây đã gắn bó với nhau, cùng chung tay chống lại cảnh “rừng thiêng nước độc”. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên hình thành nên những con người Cà Mau chịu thương, chịu khó, sống chan hòa tình cảm với nhau. Người ta nói “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Những năm thất mùa có thể mượn nhau vài dạ gạo ăn đến khi kịp mùa gặt mới. Đến mùa gặt và cấy họ thường làm “dần công” qua lại với nhau. Khi cất nhà, đám tiệc, làm ruộng, tát đìa,… người ta thường làm phụ nhau, không ai phải tốn tiền công thợ mà còn làm tăng thêm tình làng nghĩa xóm.

Nhớ lắm khi mùa tát đìa ở nhà ngoại tôi cùng các bạn trang lứa đi bắt cá “hôi”. Sau vụ lúa đông xuân, khi mùa khô đến cũng là lúc nước trong các ao, đìa cạn dần. Lúc này, người dân trong xóm gia đình nào chỉ cần dùng máy bơm rút bớt nước là có thể bắt cá. Tát đìa bắt cá là công việc chỉ có đàn ông, thanh niên khỏe mạnh trong nhà mới có thể làm nổi. Vì vậy thanh niên trong xóm thường tát đìa “dần công” với nhau. Công việc này tuy mệt nhưng ai cũng phấn khởi đứng quanh đìa mong cho nước mau cạn để xuống bắt cá. Từ lúc mờ sương, cánh thanh niên đã có mặt đông đủ, mỗi người một tay chia nhau công việc chuẩn bị. Người thì đào đất, người lội xuống đìa để đặt máy bơm nước. Chốc lát, tiếng máy bơm nổ giòn giã, nước từ dưới đìa theo ống bơm lao xối xả ra phía bờ mương đối diện.

Khi nước vừa cạn cũng là lúc cá lóc, trê, rô, sặc… chui vào bùn hay hang để trốn. Lúc này tôi và đám bạn hò reo vui mừng vì thấy cá nhiều. Mỗi đứa chuẩn bị riêng cho mình cái xô đi bắt cá hôi. Bắt cá phải lội xuống bùn tuy mệt nhưng rất là vui. Lâu lâu, mọi người í ới, reo hò mỗi khi có người giơ lên con cá lóc đen thui, to đùng khiến cho vùng quê thêm rộn ràng. Tát đìa xong, ngoại tôi lấy mớ cá ngon làm nhiều món, đặc biệt món cá lóc nướng trui đãi bà con hàng xóm để cảm ơn mọi người phụ mình. Ngoại nói: “Người dân miền Tây quan niệm con cá bán ra tiền xài cũng hết, nhưng có lòng lựa cá ngon đãi Khách thì nghĩa tình gắn bó lâu dài khó phai”.

Lúc này cậu con trai như cuốn hút ký ức ngày xưa của mẹ. Lắng tai nghe lời mẹ nói về người Cà Mau. Họ cần cù chăm chỉ, không ngại gian khổ, dù biết rằng vùng đất ấy thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ rình rập,… nhưng vẫn kiên trì khai hoang mở cõi và tạo nên thành quả để lại cho con cháu đời sau. Gia đình tôi là một điển hình, ông ngoại – ông nội vào những năm 1954 Đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách di cư. Lúc ấy cha tôi mới 5 tuổi cùng gia đình rời bỏ xứ Quảng vào vùng Cà Mau sinh sống. Ngày ấy, khổ trăm bề bốn bên là vùng nước mặn. Ấy thế gia đình tôi bám đất, bám vườn mới có cơ ngơi như ngày hôm nay. Vất vả, khó khăn là thế, người Cà Mau luôn cảm thấy vui vẻ trọng nghĩa tình, coi nhẹ tiền bạc, vật chất. Sau mỗi buổi chiều đi làm đồng mọi người quây quần cùng nhau ngồi nhâm nhi bên ly rượu đế, ngân nga vài câu vọng cổ yêu thích. Lúc này trong nhà có món gì có thể thết đãi hết mọi người. Có thể gà vịt thả ngoài vườn hoặc cá, rùa, rắn, lươn… bắt được ngoài ruộng đều phơi bày hết ra.

Không chỉ vậy người Cà Mau rất hiếu khách con ạ! Mỗi lần có khách đến Cà Mau dù có bận rộn đến đâu cũng sẵn sàng bỏ ra thời gian quý báu của mình tiếp bạn, sắp xếp tiếp đãi ra sao, đặt ăn chỗ nào, món gì, ở đâu… để rồi sau đó sẽ tranh thủ thức khuya, thức hôm vài ngày sau đó để hoàn thành cho xong công việc. Những biểu hiện đó không phải là đánh bóng bản thân, ra vẻ ta đây, hay chứng tỏ sự giàu có… mà đó là những tình cảm chân thành, hết sức tự nhiên vốn đã hình thành trong bản chất của con người Cà Mau từ xưa đến nay. Không những thế, khi cuộc vui đã tàn, còn gói tặng cho bạn bè những thứ “cây nhà lá vườn” để đem về cho người thân. Hoặc nếu có đi đâu xa, người Cà Mau cũng không quên mang theo món đặc sản làm quà cho bạn bè xa gần như mật ong U Minh, khô cá sặc bổi, tôm khô, dưa bồn bồn… Mỗi món quà đều như là những thông điệp gần gũi chứa đựng những hình ảnh hết sức thân thương của quê hương và con người Cà Mau trong đó.

Người Cà Mau dễ thương vô cùng...! Đây là câu nói cửa miệng của những con người Cà Mau khi khách bốn phương ghé thăm và khám phá vùng đất miệt vườn sông nước. Con Người Cà Mau vậy đó! Thế nên nhạc sĩ Thanh Sơn đã hết lời khen ngợi con người nơi đây qua lời bài hát Áo mới Cà Mau. Cái hồn hậu, thật thà, dễ thương giờ đây như là một thương hiệu góp phần khẳng định Cà Mau không chỉ là một vùng đất mộc mạc, chân quê mà còn rất đỗi thân thiện và mến khách.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.