'Cơn lốc' ly hương lên Sài Gòn: Xóm miền Tây đìu hiu, 'không đi biết bám đâu?'

08/12/2019 15:03 GMT+7

“Lúc nó xin đi, cả đêm vợ chồng tôi không ngủ được, ứa nước mắt vì thương con, vì nghèo khổ nên mới ngậm ngùi cho nó đi mần xa", người mẹ ở miền Tây để đứa con trai duy nhất ly hương kiếm tiền chua xót kể.

'Nghèo khổ nên mới để nó đi mần xa'
“Cơn lốc” ly hương tìm kế mưu sinh “cuốn” đi nhiều thanh niên tại các xóm làng trong cả nước. Riêng tại ấp Tây Sơn (TT.Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) trong những năm qua số lượng người rời quê đi làm kiếm tiền tại Sài Gòn, Bình Dương rất nhiều, để lại những ngôi nhà vắng vẻ chỉ còn người già và trẻ nhỏ.

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Chơn, buồn tủi khi đứa con trai phải xa quê, làm công việc nặng nhọc để kiếm tiền gửi về lo cho cha mẹ

Tìm tới ấp Tây Sơn, PV nhận thấy tại đây trầm hẳn xuống bởi nam thanh niên rời quê vào thành phố làm việc trong các khu công nghiệp; nữ cũng đi các xưởng sản xuất, may mặc để lao động kiếm tiền nên cả xóm nhiều ngôi nhà cửa chốt, then cài.
Ngồi lặng lẽ trước hiên, ông Nguyễn Ngọc Chơn (64 tuổi, ngụ ấp Tây Sơn) kể ông có người con trai duy nhất tên Nguyễn Hồ Hiệp (23 tuổi) nhưng xa quê suốt 4 năm nay để kiếm tiền.
“Nhà không có ruộng đất, hai vợ chồng lúc trước còn khỏe thì đi làm thuê làm mướn ở khắp nơi để lo cho thằng con đi học. Rồi đến khi con trai tốt nghiệp lớp 12 thì vợ chồng tôi bệnh tật triền miên, sức khỏe suy giảm không thể lao động nặng nhọc được nữa, không còn lo nổi nữa, đành để nó dang dở con đường học vấn”, ông Chơn nói.
Xóm ly hương: Thanh niên rời quê kiếm sống

Những người có chung cảnh ngộ, dường như thấu hiểu lẫn nhau nên thường xuyên tìm đến nhà nhau để trò chuyện, an ủi nhau

Tiếp lời chồng, bà Hồ Thị Hóa (63 tuổi, vợ ông Sơn) cho biết, thấy cha mẹ khổ cực nên con bà cũng nhất quyết xin đi lên Sài Gòn để làm công nhân, kiếm tiền gửi về nuôi cha mẹ.
“Lúc nó xin đi, cả đêm vợ chồng tôi không ngủ được, ứa nước mắt vì thương con, vì nghèo khổ nên mới ngậm ngùi cho nó đi mần xa. Giờ chỉ mong chờ tới những ngày lễ, tết mới được gặp con. Chỉ mong ước con không phải tha hương kiếm sống nữa”, bà Hóa trải lòng.
Phía con đường sâu trong xóm, không khí vắng lặng do nhiều nhà đóng chặt cửa vì rời quê đi làm ăn xa. Thi thoảng, PV gặp những người già, trẻ em. Vì lớp thanh niên rời quê nhiều nên những mỗi khi ốm đau hay có việc, những người trong xóm lại đùm bọc, giúp đỡ đoàn kết, thương yêu nhau, coi nhau như một gia đình.

Tại ấp Tây Sơn nhiều thanh niên đi làm công nhân tại Sài Gòn, Bình Dương rất nhiều, để lại những ngôi nhà vắng vẻ chỉ còn người già và trẻ nhỏ

'Ở quê thì biết bám vào đâu để kiếm sống?'

Đưa đôi mắt đượm buồn, nhìn xa xăm, bà Nguyễn Thị Hận (56 tuổi, ngụ ấp Tây Sơn) kể: “Nhà có 3 đứa con trai từ 26 tới 30 tuổi, nhưng đều rời quê đi làm ăn xa, 2 đứa đi làm ở Bình Dương, một đứa thì làm ở Sài Gòn. Do gia đình không có ruộng đất, lại nghèo khó, hai vợ chồng đều làm thuê làm mướn nên không thể lo cho các con ăn học tới nơi tới chốn. 3 đứa đều nghỉ học từ sớm, rồi tụi nó đi cắm câu ếch đem bán kiếm tiền. Hơn 10 năm trước, 3 đứa rời quê lên thành phố để làm công nhân cho đến nay”.
Ông Nguyễn Thanh Hải (52 tuổi, chồng bà Hận) đang nằm trên võng cũng tiếp lời: “Hai vợ chồng bệnh tật triền miên, có tháng đi bệnh viện cả chục lần. Bản thân tôi thì bị bệnh phổi, hen suyễn... Còn bả thì bị bướu, nhức khớp. Tiền trang trải cuộc sống, thuốc thang hàng ngày cũng được mấy đứa con gom góp lại gửi. Thường thì chỉ gặp mặt chúng được mấy ngày tết, chưa kịp mừng thì đã phải tiễn chúng đi xa. Vợ chồng tui buồn lắm. Lại phải chờ đến tết sắp tới mới gặp được con”.
Những đồng tiền họ làm ra không chỉ có mồ hôi mà còn có cả nước mắt. Được bà Hận nối máy để chúng tôi trò chuyện với anh Nguyễn Văn Đảo (26 tuổi, con bà Hận). Qua điện thoại anh trải lòng: “Biết rằng đi làm xa cực khổ, nhưng tụi tôi phải tha phương cầu thực là bởi cơm áo gạo tiền. Ở quê thì biết bám vào đâu để kiếm sống, nuôi cha mẹ?”.
Ngoài nỗi buồn vì thiếu thốn tình cảm từ các con, những người làm cha, làm mẹ luôn có nhiều âu lo khi con làm ăn xa. Nỗi sợ lớn nhất của họ là sợ con mình sa đà vào những tệ nạn xã hội rồi lo cho sức khỏe của con mình phải làm những việc nặng nhọc, tăng ca bất kể ngày đêm để kiếm tiền. 
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng ấp Tây Sơn, cho biết: “Do tại địa phương diện tích đất canh tác ít, nhu cầu công việc không đáp ứng được nên nhiều thanh niên rời quê đi kiếm tiền. Có gia đình thì đi 2 - 3 người, có gia đình thì đi cả hộ không chừng. Chúng tôi cũng rất đau đầu bởi tình trạng bỏ quê đi làm thuê kiếm tiền nơi khác. Vì vậy, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ những hộ gia đình đó. Nhằm giải quyết vấn đề nan giải này, địa phương cũng đang kêu gọi đầu tư để hình thành các khu công nghiệp tại địa phương để thu hút lao động địa phương trở về”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.