'Cơn gió thổi từ Hà Nội' đã ngừng thổi

14/05/2022 00:01 GMT+7

Ngày 10.5.2022, cụ Nakamura Nobuko, phu nhân của Anh hùng lao động - Bác sĩ nông học (giáo sư nông nghiệp) Lương Định Của (1920-1975) qua đời tại TP.HCM, thọ 101 tuổi.

Tên tuổi của GS Lương Định Của được gắn liền với những thành tựu to lớn trên lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. Ông được biết đến như một nhà bác học, một trí thức lăn lộn trên đồng ruộng để tạo ra các giống lúa mới giúp hậu phương miền Bắc đạt kỷ lục 5 tấn thóc trên một héc ta, góp phần đảm bảo lương thực cho cuộc chiến đấu giành độc lập tự do của dân tộc ta đi đến thắng lợi. Ông đã được Đảng và Chính phủ phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lao động (năm 1967) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996).

Bà Nakamura Nobuko thời trẻ

tư liệu

Đằng sau những đóng góp to lớn của GS Lương Định Của là sự hy sinh thầm lặng và tình yêu mãnh liệt của vợ ông - bà Nakamura Nobuko - một người phụ nữ Nhật Bản.

Hoài bão tuổi trẻ

Ký ức về tình yêu trong sáng tuyệt đẹp của ông bà, tuổi trẻ và những năm tháng sống và học tập trên đất Nhật cũng như quyết định trở về Việt Nam để cống hiến quãng đời còn lại với những thành tựu xuất sắc mà ông đã đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp của GS Lương Định Của đã được bà hồi tưởng lại trong cuốn hồi ký Cơn gió thổi từ Hà Nội.

Ký túc xá nơi ông Của học bị quân Đồng Minh ném bom cháy hết và mất toàn bộ đồ đạc của ông. Khi gặp người bạn gái của nước Nhật Bản, ông bày tỏ:

- Anh mừng quá vì em Nobuko vẫn an toàn. Em có hiểu không, anh yêu thương em đến mức nào!

Bà nhớ lại đôi mắt ông đăm đắm nhìn mình: “đôi mắt nghiêm đến mức sợ hãi”. Câu nói đó khiến cô Nobuko suy nghĩ: “Giả sử như anh ấy không phải là người nước ngoài…”. Báo chí có đưa tin những chuyện bi kịch về kết hôn quốc tế, nên có người khuyên bảo phòng xa rằng cô không nên quá thân mật với anh sinh viên Lương Định Của người Việt Nam kia.

Anh kể cho cô nghe về thời sinh viên của mình. Trước khi sang Nhật, anh từng học đại học ở Hồng Kông, học kinh tế học ở Đại học ST. John's thuộc Mỹ ở Thượng Hải, năm học thứ 2, ngôn ngữ giảng dạy của giáo viên thay đổi từ tiếng Anh sang tiếng Trung Quốc nên Lương Định Của mạnh dạn sang Nhật Bản.

Nobuko thắc mắc:

- Trước đây anh học y học và kinh tế mà tại sao sang Nhật Bản lại học nông học?

Lương Định Của giải thích:

- Ban đầu anh cũng học chuyên khoa y học. Vì nước anh thì thu nhập của bác sĩ, dược sĩ rất cao. Nhưng anh biết được là ở Nhật tiên tiến nhất là ngành nông nghiệp. Có người khuyên bảo vì nước anh là một nước nông nghiệp lạc hậu, nên anh phải học nông nghiệp để cống hiến cho nước mình. Người ta còn khuyến khích rằng nếu tốt nghiệp khoa Nông học ở đại học Nhật Bản thì không kém gì kỹ sư nông nghiệp trên thế giới.

- Tốt nghiệp đại học về nước thì anh định làm gì ạ? Nobuko hỏi.

- Anh không thích làm việc cho Chính phủ Pháp đâu – Lương Định Của chia sẻ suy nghĩ của mình với bạn gái – Anh sẽ mua một chút đất đai vừa để nghiên cứu về việc cải thiện giống cho lúa, hoa quả và rau, vừa sản xuất, nuôi lợn, gà... Tức là anh muốn sống một cách tự do không bị ai ràng buộc.

Đám cưới sinh viên

Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng Minh. Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc.

Hai chị gái đã lấy chồng. Lúc này Nobuko bắt đầu nghĩ nghiêm túc tương lai. Lương Định Của hẹn sẽ đến nhà thưa chuyện nghiêm túc với bố mẹ cô. Bà kể lại trong hồi ký:

“Ngày chủ nhật tới, anh Của đến nhà tôi như đã hứa. Sau một lúc nói chuyện anh mỉm cười và nói với vẻ không rụt rè, ngượng nghịu gì:

- Hôm nay, con đến để thưa với hai bác một việc. Con xin hai bác cho phép con được lấy con gái của hai bác, có được không ạ?

Mẹ bình tĩnh vì có lẽ dự đoán trước về chuyện này. Mẹ nói:

- Tôi rất hiểu nguyện vọng của anh, nên tôi không có ý kiến gì nếu hai con đồng ý với nhau. Nhưng có một điều muốn hỏi là, anh không bàn với ai trong gia đình anh về việc riêng này mà cứ quyết định một mình cũng được hay sao?

Anh suy nghĩ một chút rồi nói:

- Con cũng đã nghĩ kỹ nhưng không có cách nào khác. Trong tình hình hiện nay, không biết bao giờ gửi thư cho gia đình được. Bố mẹ con đã mất sớm. Nếu bàn với ai trong gia đình cũng chỉ có ba người em. Con là anh cả, con sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với hành động của mình, hai bác ạ.

Mẹ tôi tỏ vẻ hài lòng với câu trả lời của anh:

- Thế anh bao giờ cử hành đám cưới?

- Con hãy còn là sinh viên, nên chưa có tiền. Con nghĩ không cần phải cưới, miễn là hai người hạnh phúc là được.

Mẹ của Nobuko nói dứt khoát một cách hiếm thấy:

- Không thể như thế được anh ạ. Nếu như anh là người Nhật Bản thì chỉ có đăng ký vào hộ tịch cũng đã chính thức kết hôn với nhau. Nhưng trong trường hợp hai con, cho đến nay không có cách nào khác ngoài niềm tin ở anh.

Bà còn giải thích thêm:

- Ở Nhật Bản, nếu người vợ không vào hộ tịch của người chồng thì coi như không kết hôn chính thức, cho nên trong trường hợp hai con người ta sẽ bình luận cái này cái kia cũng đành chấp nhận. Hai bác yêu cầu hai con phải cử hành đám cưới dù là đơn giản đến đâu. Nếu chưa có tiền thì bác sẽ chịu chi phí cho.

Anh Của suy nghĩ kỹ một lát rồi nói:

- Vậy thì nhờ bố mẹ giúp cho. Khi con có tiền sẽ trả lại gấp hai ba lần.

- Anh không phải lo. Vậy thì bao giờ cử hành đám cưới?

- Con nghĩ sớm thì tốt hơn. Chẳng hạn như đến ngày chủ nhật thứ nhất tháng sau.

- Ủa, sớm như vậy à...

- Riêng con thì con không chuẩn bị trước gì cả, nên làm sớm hơn cũng được, mẹ ạ.

Độ một tháng sau, vào ngày chủ nhật thứ nhất tháng 12, lễ thành hôn của hai người được tổ chức rất đơn giản. Khách mời khoảng 10 người. Hôm đó, cô dâu Nobuko cài một chiếc nơ nhỏ lên đầu, tóc để bình thường, mặc áo kimono lễ phục màu nho có vằn ở gấu áo và khoác áo lễ phục màu hồng. Còn chú rể Lương Định Của mặc áo khoác màu xám, đội mũ phớt đậm một chút, thắt carvát lịch sự, mặc bộ quần áo com lê. Dáng người điềm đạm, tóc vừa cắt làm lộ gương mặt khôi ngô tuấn tú.

Bác trai duy nhất của Nobuko nói thì thầm với mẹ cô:

- Tôi hết sức quan tâm chú rể là người như thế nào vì nghe nói là sinh viên từ An Nam, thì trông thấy đẹp trai lắm.

Cô gái Nhật Bản theo tiếng gọi tình yêu làm con dâu Việt Nam. Hồi ký Cơn gió thổi từ Hà Nội của bà Nakamura Nobuko giúp thế hệ sau hiểu thêm cuộc đời của một trí thức lớn của Việt Nam: GS Lương Định của. Giờ đây, cơn gió Nakamura Nobuko đã ngừng thổi.

Cụ bà Nakamura Nobuko sinh năm 1922 tại Nhật Bản, nguyên là phát thanh viên tiếng Nhật tại Đài Tiếng nói Việt Nam, từ trần hồi 21 giờ 45 ngày 10.5.2022 (tức ngày 10 tháng 4 năm Nhâm Dần) hưởng thọ 101 tuổi.

Linh cữu quàn tại 84/2 Nguyễn Đình Chiểu, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM. Lễ viếng từ ngày 12.5.2022. Lễ động quan lúc 8 giờ ngày 14.5.2022. Hỏa táng tại Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.