Con đường mang giáo dục và ước mơ đến mái trường vùng bản Trạm Tấu

05/10/2022 08:00 GMT+7

Với niềm tin rằng giáo dục là con đường để tương lai các em nhỏ trở nên rộng mở, chúng tôi, những người luôn dành tâm huyết cho giáo dục đến với Trạm Tấu, Yên Bái vào một ngày mùa thu trong veo.

Yên Bái nghe tuy gần nhưng lại có những vùng xa xôi hiểm trở khó đi lại, con đường quanh co dẫn tới bản Mù, nơi chúng tôi trực tiếp đứng lớp và có được những trải nghiệm đầy xúc động về cuộc sống thanh bình nhưng còn rất nhiều khó khăn nơi đây.

Vượt qua hơn 6 tiếng đồng hồ từ Hà Nội đến Trạm Tấu trên cung đường núi quanh co có lẽ là một thử thách không nhỏ với nhiều người trong đoàn chúng tôi. Ở chặng cuối hành trình đến bản, đường đi trở nên khó khăn hơn và chúng tôi phải rời xe đoàn để tiếp tục di chuyển. Điều bất ngờ là chúng tôi được các thầy cô giáo trong bản đích thân xuống đón bằng xe máy.

Cung đường gồ ghề xen lẫn sỏi đá, và bùn đất đòi hỏi những người lái xe phải thật sự “thiện nghệ”. Gương mặt hào hứng của một chuyên gia giáo dục người Anh khi được thầy giáo địa phương đèo trên xe của mình đi qua đoạn đường hiểm trở.

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình để đến thăm những gia đình người Mông. Những giọt mồ hôi đã rơi trong tiết thu se lạnh của bản Mù, phong cảnh nơi đây đẹp hùng vĩ nhưng cũng rất nhẹ nhàng.

Tháng 9 đúng mùa lúa nên quang cảnh nơi đây tuyệt đẹp, xua tan mọi vất vả của chuyến đi. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ở một góc độ nào đó những người dân nơi đây lại “giàu có” một cách đặc biệt: sự bình yên, không khí trong lành, những góc trời nên thơ…

Những người Mông đầu tiên mà chúng tôi gặp khi đến bản… Cuộc sống nơi đây bình dị và đơn sơ đến lạ lùng. Chiếc xe gắn máy là phương tiện duy nhất kết nối họ với vùng đồng bằng.

Hai chị em người Mông tò mò khi thấy đoàn chúng tôi và chạy ra nhìn. Những đứa trẻ nơi đây tuy rất rụt rè ban đầu nhưng dễ làm quen. Các bé đều ở độ tuổi đáng lẽ phải được cưng chiều nhưng vì cuộc sống đã phải tự lập và phụ giúp công việc gia đình.

Đoàn đến thăm những gia đình người Mông với cuộc sống mưu sinh vất vả. Chúng tôi vào nhà một gia đình 3 thế hệ, vì là buổi sáng nên mọi người đều đã đi rẫy. Những người lớn nét mặt lam lũ hằn lên dấu vết của thời gian pha nắng pha sương, thậm chí chưa từng được đến trường.

Mỗi hiên nhà đều treo rất nhiều bắp ngô để thực phẩm dự trữ. Các gia đình ở đây chủ yếu sống bằng trồng trọt với phương thức canh tác thô sơ. Cả vụ chừng 6 tháng mỗi nhà chỉ thu hoạch được tầm 5 bao thóc. Một số người may mắn thì có người thuê gì làm thêm nấy. Đủ ăn đủ mặc đã khó nên chuyện học hành cho trẻ con trở thành điều xa xỉ!

Cuộc sống khốn khó là vậy, cộng với thời tiết khắc nghiệt, quanh năm mờ sương nhưng tình người luôn đong đầy. Trẻ con hồn nhiên và đáng yêu. Để các con được đến trường, các thầy cô giáo chia nhau đến từng nhà vận động, ghé thăm từng nhà mỗi ngày để vừa nhắc nhở, vừa chia sẻ cùng những khó khăn của các gia đình. Dần dần, bố mẹ các em đã hiểu được tầm quan trọng của việc học chữ, các em bé nay đã được tới trường.

Chúng tôi ghé thăm trường Bản Mù, trường đã được trang bị một phòng máy cách đây ít năm và có hẳn giáo viên dạy tin học.

Cô Nguyễn Thị Hồng Sen - Hiệu trưởng Trường tiểu học Bản Mù nhớ lại. Các thầy cô ở trường đều đến từ đồng bằng thành thị chứ vốn không phải người bản địa ở đây. Bản thân cô đến từ Thái Bình, từ những năm mới ra trường, tình yêu dành cho những đứa trẻ khiến cô quyết định gắn bó với mảnh đất này.

Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục ghé thăm Trường tiểu học và trung học Khấu Ly trong một ngày nắng đẹp! Trường có hơn 900 học sinh, toàn bộ các con được nhà nước tài trợ học phí. Đi lại khó khăn nên đa số học sinh được bố mẹ gửi ở lại trường, chỉ về thăm nhà và phụ việc gia đình vào cuối tuần. Cũng vì vậy mà các thầy cô ở nơi đây trở thành bố mẹ của lũ trẻ, các em ốm đau, nhà có việc, các thầy cô cũng đều sẵn sàng san sẻ, hướng dẫn, thậm chí phụ góp phần nào chi phí chỉ với mong muốn những đứa trẻ không bỏ dở việc học.

Vì ở nội trú cùng nhau nên lũ trẻ ở đây rất thân nhau, khó có thể phân biệt đâu là anh chị em ruột đâu là bạn bè.

Trường có hẳn một đội văn nghệ để các em được truyền dạy văn hóa dân gian của dân tộc mình. Chúng tôi được chào đón đặc biệt bởi những điệu múa duyên dáng.

Trực tiếp trải nghiệm và đứng lớp, chúng tôi càng thêm vững tin rằng giáo dục sẽ giúp tương lai các em trở nên rộng mở.

Những nụ cười của các em khi chúng tôi bước vào lớp học cho thấy các em đã ý thức được giá trị của học tập. Đây có lẽ chính là món quà tuyệt vời nhất dành cho những người làm giáo dục.

Chúng tôi dành tặng cho Trường Khấu Ly một phòng Lab mới, và dành một ít thời gian hướng dẫn các em làm quen với máy tính. Trẻ em vùng này rất thông minh, chỉ vài phút là đã quen với những thao tác cơ bản sử dụng máy tính cho việc học rồi.

Đây có lẽ là chuyến đi tuyệt vời nhất trong cuộc đời chúng tôi. Hy vọng những chiếc máy tính sẽ là cầu nối xóa nhòa những giới hạn địa lý. Mong rằng những trải nghiệm đầy cảm hứng này sẽ mang đến cho các em những hành trang đầu tiên, là nền móng cho những ước mơ để các em được sống với tiềm năng của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.