Con đường in dấu kỷ niệm về bác sĩ Yersin

21/11/2020 08:00 GMT+7

Cùng với Đà Lạt, thành phố Nha Trang nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung là những vùng đất có vinh dự in đầy kỷ niệm cuộc đời dấn thân, tận hiến của bác sĩ người Thụy Sĩ gốc Pháp Alexandre Yersin (1863 - 1943).

Tuy nhiên, nếu Đà Lạt là nơi được Yersin khám phá trong những chuyến thám hiểm thì Nha Trang là nơi gắn bó bằng những cống hiến khoa học về y khoa đúng với học vị bác sĩ và hơn thế, đây là nơi ông mong muốn được yên nghỉ ngàn thu.
A.Yersin đặt chân lên Nha Trang lần đầu vào tháng 7.1891 khi ông làm bác sĩ trên chuyến tàu buôn của hãng Nhà Rồng (Compagnie des Mesageries Maritimes) chạy trên tuyến Sài Gòn - Hải Phòng. Nhưng ông gắn bó thực sự với Nha Trang là từ tháng 9.1895, khi ông trở về Nha Trang lập Phòng thí nghiệm Yersin (sau này đổi tên thành Viện Pasteur Nha Trang) để bào chế thuốc điều trị vi trùng dịch hạch do chính ông phát hiện ra.
Trong hơn 50 năm sống và làm việc tại Nha Trang, bác sĩ Yersin sống tại “ngôi nhà vừa kỳ vừa cổ tại Xóm Cồn” - nơi mà người dân địa phương gọi bằng cái tên thân thiện là Lầu Ông Năm. Nhà văn Quách Tấn kể và tả lại ngôi nhà đó trong cuốn Xứ trầm hương (NXB Lá Bối, 1969) như sau:
“Ngôi nhà này nguyên là một lô cốt (blockhaus) bỏ hoang mà Bác sĩ mua được năm 1895 khi đến thiết lập Phòng thí nghiệm. Lô cốt được xây bằng gạch rất kiên cố và đứng trên một nền bằng đá cao rộng chạy dài ra tận mé biển ở mặt phía đông. Hình khối đứng, chiều rộng mỗi cạnh chừng 5 thước tây, chiều cao chừng 11 thước. Gồm một tầng trệt và hai tầng lầu”.
Từ cái lô cốt đó sang Phòng thí nghiệm - tức là Viện Pasteur Nha Trang - chỉ vài trăm mét theo đường chim bay (sau này, người ta làm con đường Duy Tân, tức là đường Trần Phú bây giờ) thì từ Viện Pasteur đến Lầu Ông Năm thật gần và dễ dàng. Nhưng vào thập niên 1990 của thế kỷ 20, đây là vùng cát trắng mênh mông, chưa có đường.
Hằng ngày, bác sĩ muốn từ lô cốt sang Viện nghiên cứu, thời gian đầu ông chọn lối đi tắt băng qua trước Tòa sứ (chính là UBND tỉnh Khánh Hòa bây giờ). Tuy vậy, muốn đi con đường tắt này thì ông phải chờ những người gác cổng mở khóa, khá phiền phức. Có khi người trong tòa sứ không nghe tiếng ông gọi, phải đứng chờ rất mất thời gian. Tuy bác sĩ Yersin là người duy nhất được hưởng đặc quyền đi con đường tắt này nhưng ông không muốn tiện đường đi mà có khi phải chờ đợi. Và quan trọng hơn, ông còn cho đó là sự bất tiện, gây phiền hà cho người khác - suy nghĩ của một người luôn lấy lối sống giản dị làm phương châm sống suốt đời.
Vì thế, một thời gian ngắn sau, ông đã đặt mua một chiếc xe đạp từ Pháp chở sang để hàng ngày tự đạp xe đi làm. Từ đó, hình ảnh một người Pháp mặc bộ quần áo kaki, cỡi chiếc xe đạp đã trở nên quen thuộc trong mắt người dân Xóm Cồn và người dân Nha Trang.
Con đường đi làm hằng ngày của ông trên chiếc xe đạp Peugeot là từ lô cốt ba tầng theo con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm trước mặt, vòng sang đường Ngô Quyền, ra đường Phan Chu Trinh (cặp sát Công viên Yến Phi bây giờ) rồi rẽ sang Viện Pasteur.
Ông thường đạp xe rất khoan thai, từ tốn; ứng xử với người dân địa phương rất hiền từ, thân thiện. Nhà văn Quách Giao - Trưởng nam của Cố nhà văn Quách Tấn - kể rằng: Hằng ngày, cứ khoảng bốn giờ chiều, khi tôi xách ấm trà từ nhà trên đường Bến Chợ ra Tòa sứ cho thân phụ mình thì thường gặp bác sĩ Yersin trên đường từ Viện nghiên cứu về cái lô cốt của ông. Thường, chúng tôi gặp nhau nếu không phải trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm thì cũng là góc đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Ngô Quyền.
Khi cậu bé Quách Giao (lúc bấy giờ đang học tiểu học) cúi đầu chào: “Bonjour mon grand père!” (chào ông!) thì lần nào cũng vậy, bác sĩ Yersin cũng đưa tay chào lại: “Bonjour mon petit enfant! ” (chào cháu!) rồi tiếp tục thong thả đạp xe đi.
Trong hồi ức của nhà văn Quách Giao, những buổi chiếu ci-nê ở Lầu Ông Năm vào tối thứ tư hàng tuần cho người dân và nhất là trẻ em Xóm Cồn vẫn tươi mới như mấy chục năm về trước. Là con của bậc Phán sự (Thư ký tòa án), cậu bé Quách Giao cũng thường theo cha từ nhà trên đường Bến Chợ rẽ sang Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi thẳng đến Lầu Ông Năm để xem phim. Người lớn thì ngồi trước màn hình, còn trẻ em (do hết chỗ) ngồi phía sau nên xem phim ngược thật thú vị!
Bây giờ, Lầu Ông Năm không còn nữa. Nơi đó, bây giờ là Nhà nghỉ dưỡng 378 của Bộ Công an và Công viên Yersin. Nhưng Viện Parteur và Bảo tàng Yersin vẫn khiêm cung sáng ngời trên con đường biển Trần Phú thơ mộng.
Ông Năm Yersin vẫn sống mãi trong lòng không chỉ người dân Khánh Hòa, người dân Việt Nam mà còn bất tử trong tâm trí nhân loại. Con đường in dấu chân bác sĩ giờ đã là con đường kỷ niệm không bao giờ quên.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.