Cơm nhà Xứ Quảng: Bánh tổ trong ký ức

04/10/2022 06:37 GMT+7

Rứa một hôm thức dậy, bắt gặp cây mai đầu ngõ nhú hoa vàng, dãy vạn thọ trong mảnh vườn con cũng bựt búp xanh, lộ cánh vàng lấp lóa, là cái xóm biển của tôi vào tết.

Cái xóm cát ven biển, lối vào nhà nào cũng lạo xạo cát. Mùa nắng, cát cháy bỏng từng con ngõ, những nếp nhà mái tôn nhiều cái đã gỉ nâu, hớp nắng hớp gió, lấp lóa trong ánh mặt trời, đố ai không hấp hiu mắt. Thế mà nhóc con là tôi ngày ấy, chắc nhìn nắng theo kiểu thi sĩ Bùi Giáng chăng, nên nhìn đâu cũng thấy… đẹp.

Bánh tổ xứ Quảng

LÊ HỒNG KHÁNH

Gần như mắt nhắm mắt mở vì nắng chói chang, người xóm tôi tỏa đi thăm tết. Ai đã ở khu Hải Hà kéo dài đến Xuân Hà, Tam Thuận, Đà Nẵng xưa hẳn còn nhớ những mái tôn lúp xúp, những con ngõ cát, giới hạn nhà bằng cột sắt, cột gỗ phế liệu, và những chuyến thăm tết kéo dài như bất tận vì thăm từng nhà, trong từng con ngõ.

Tôi thì hay đi thăm tết với ông nội. Buổi sáng năm mới, đường vắng hoe. Ông nội dẫn tôi ra đầu ngõ đón xích lô.

Ông mặc bộ đồ ta màu trắng, râu tóc bạc phơ, đầu đội khăn đóng màu đen, thêm cái ba-toong và đôi giày cũng màu đen. Tôi nhớ quanh năm suốt tháng, ông luôn mặc bộ đồ ta màu trắng như vậy khi ra đường. Còn ngày đi chùa thì ông khoác thêm cái áo dài màu đen.

Hai ông cháu lên xích lô và bắt đầu cuộc du xuân. Nhà tôi ở mạn Thanh Bình, xích lô chở về mạn Nam Dương, Hoàng Diệu. Chừ nghe gần vậy, chớ xưa nghe xa lắc. Thành phố Đà Nẵng những năm bảy mươi, mạn Thanh Bình - Thuận Phước sát biển, theo hướng Nam, lên chút nữa là khu Bàu Thạc Gián, Hoàng Diệu dài đằng đẵng. Hồi đó với tôi, đường Khải Định - Ông Ích Khiêm - Hoàng Diệu là con đường dài nhất, một con đường mà ôm luôn ba cái tên, sao lại không dài!

Đến chợ Mã Vôi, rồi lên chút nữa, góc chợ Trời - Ông Ích Khiêm, ngách nào cũng có họ hàng nhà tôi từ quê ra lập nghiệp. Đi cả ngày, nội tôi vẫn chép miệng còn sót nhà đó, nhà kia. Có chỗ nội ngồi lâu như nhà ông giáo. Ông giáo, em chú bác của nội, là thầy giáo, luôn nói năng nhỏ nhẹ. Tuy vai anh, nhưng nội rất kính nể, một điều chú giáo, hai điều chú giáo. Gặp nhau, nội chắp tay trước ngực, chào.

Tôi nhớ, ông giáo dáng người lọm khọm, da trắng xanh, thêm cặp kính dày cộp. Sau khi thắp hương, hai ông ngồi đối diện nhau ở bàn khách kê ngay trước bàn thờ. Bộ bàn ghế chữ U bằng gỗ nâu bóng, luôn đặt sẵn cái ấm tích để trong bình ủ được đan bằng sợi dây điện bọc nhựa xanh, đỏ. Trong khi hai ông đàm đạo thì tôi lăng xăng ở nhà dưới với đám trẻ con. Những người bà con của chúng tôi cũng ở quanh đấy nên nội tôi có thể ngồi lâu với ông giáo, còn tôi chạy loanh quanh hết nhà này đến nhà khác, háo hức thử đủ món lạ, “lạ” nghĩa là bánh trái khác với mứt gừng, mứt dừa thông thường. Trẻ con xưa mới thèm thuồng bánh mứt thế; chừ, ngó bọn trẻ lơ là với bánh trái ngay ngày thường, chớ đừng nói tới tết.

Thăm tết, nhưng có chỗ nội tôi chỉ thăm chút chút rồi đi nhanh, như sợ hết ngày tết mà chưa thăm đủ nơi. Thăm nhà ai “chút chút” cũng được, riêng nhà chị Hai, con bà Năm Ngọc - bạn nội mà về nhanh là tôi bực bội, tại vì tôi chưa ăn thiệt đã bánh tổ chị Hai làm đãi tôi. Trong lúc nội và bà Năm Ngọc trò chuyện thì chị Hai đã kịp chiên bánh tổ và tôi được thưởng thức những chiếc bánh nóng hôi hổi, vừa ăn vừa hít hà vì nóng. Những chiếc bánh tổ đó ngon gì đâu, có lẽ là ngon nhứt trong đời ăn bánh tổ của tôi - dẻo dẻo, thơm nức, vỏ giòn giòn, ăn rồi nhớ miết, nhớ đến tết năm sau, nhớ đến tận bây chừ…

Bánh tổ làm bằng bột nếp, đường đen, đổ trong mấy mảnh lá chuối xếp thành hình như chiếc tổ chim xinh xinh, rồi đem hấp chín; bánh để lâu cả tháng không hỏng, lúc ăn chỉ việc cắt lát mỏng, chiên giòn. Sở dĩ tôi mê bánh tổ chị Hai làm tới vậy là bởi xưa, hiếm nhà có bánh tổ, nhà tôi cũng không có. Ở xứ tôi, nhà nào nấu bánh tổ là thành truyền thống, đã nấu bánh một lần thì năm nào cũng phải nấu; dừng, bỏ là “hệ” lắm, má nói vậy. Thường trong xóm, một nhà nấu thì cả chục nhà gửi hai, ba tổ để có bánh cúng.

Không rõ có phải vì mê bánh tổ hay không mà tôi nhớ hoài cái xóm nhỏ nhà chị Hai, cái xóm đã trở nên quá quen thuộc sau rất nhiều lần thăm tết, cái xóm đường đất nện, con ngõ có cổng thấp thấp, làm bằng sắt thải bãi rác - như một dấu hiệu chung của dân nghèo Quảng Nam ra Đà Nẵng lập nghiệp. Họ cơi nới thành phố theo hướng biển, nhờ họ và những xóm nhà chồ mọc theo cát, thành phố mới ngày một rộng dần về phía biển.

Có năm, tôi không phải theo ông nội mà theo bà ngoại đi thăm tết. Tới cái xóm nhỏ quen thuộc, tôi bướng bỉnh khóc với ngoại - đây là ngõ nhà chị Hai con bà Năm, lần trước đã thăm tết cùng ông nội. Thế rồi, mong ngóng món bánh tổ dẻo quẹo, nóng giòn của chị Hai, tôi chạy quanh từng nhà, tới trước cửa nhà ai cũng réo: Chị Hai ơi, chị Hai à...

Chừ, tôi đã đến tuổi làm ông làm bà, mà cái cảm giác về ngày xuân của những năm ấy theo nội, ngoại đi thăm tết hãy còn chộn rộn lắm...

(Trích từ Cơm nhà xứ Quảng - NXB Lao động và Chibooks ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.