Cơm người... - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Vũ Thị Huyền Trang
Truyện ngắn của
14/01/2024 08:30 GMT+7

Buổi chiều, hàng xóm thường hay sang nhà nhau chơi. Đấy là lúc bò đã no bụng cỏ, củi được vác vào bếp, cơm nước đã nấu hòm hòm. Khép lại cửa bếp, tạt qua nhà nhau xin nắm rau mồng tơi về nấu nồi canh.Tiện hỏi xem năm nay cấy lúa giống gì? Loại thuốc chữa dạ dày hôm mua ở hội chợ uống có đỡ không? Hỏi xem có biết ai phun thuốc muỗi thuê không? Mấy đêm rồi không tài nào ngủ được vì lắm muỗi, cứ kêu vo ve khắp nhà, dém màn kỹ lắm mà chẳng hiểu kiểu gì chúng cũng chui vào được. Chuyện trò quanh quẩn một lúc thể nào họ cũng lại nói về những đứa con xa. Bà Lan vừa băm chuối kềnh kệch vừa hỏi:

- Thằng Hà nhà chị dạo này có hay điện về không? Bên đấy làm ăn thế nào?

- Cháu nó điện về suốt đấy. Cũng chẳng ăn thua cô à. Đồng yen rớt giá, chị bảo thôi đừng vội đổi tiền gửi về nhà. Chờ bao giờ giá yen lên thì gửi. Ở nhà có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít. Thế thằng Tú nhà cô thế nào?

- Từ lúc nó trốn ra làm ngoài nay đây mai đó, em chẳng đêm nào ngon giấc. Sống chui lủi lúc nào cũng chỉ lo bị công an bắt, đau ốm cũng không dám đi khám. Năm ngoái nó gọi về hỏi: "Nợ nần mẹ vay cho con từ trước đến giờ còn bao nhiêu, để con lo làm ăn trả nốt cho mẹ còn tích cóp chút vốn liếng về quê. Con đi cũng hơn bốn năm rồi". Em nghe vừa mừng vừa thương. Mừng là con chỉn chu làm ăn hơn xưa, mà thương con vì bốn mươi tuổi rồi chẳng có gì trong tay chị ạ.

- Ừ thì làm mãi khắc có. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời.

- Chẳng hiểu sao mấy đêm nay lòng em cứ bồn chồn.

- Mình có tuổi rồi hay nghĩ ngợi vẩn vơ đấy thôi. Chẳng có chuyện gì đâu cô à.

Cơm người... - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

Tiếng dao băm chuối vẫn kềnh kệch trên thớt gỗ. Trời chiều nhá nhem, gà lục tục kéo nhau vào chuồng. Những chú bò bị bỏ quên dưới bãi đất trước nhà rống "ò…ò" gọi chủ. Bà Lan giật mình nhớ ra, vội vã dắt những con bò bụng no kềnh khệnh khạng đi về chuồng. Đàn bò là tài sản lớn nhất của hai ông bà tuổi xế chiều. Bà đau ốm suốt, không kham nổi cấy hái. Lại thêm phân bón, công thuê gặt, thuê cày bừa đắt đỏ nên bà đành bỏ ruộng. Chồng bà mấy năm trước còn đi phụ xây có đồng ra đồng vào. Nhưng giờ tuổi cũng cao rồi, xương khớp yếu đi, thành ra không dám trèo giàn giáo nữa. Hai ông bà ở nhà hằng ngày người đưa cháu đi học, cắt cỏ bò, người chợ búa, cơm nước, trồng rau, nuôi gà, chăm đồi tràm cho chúng mau lớn còn bán ra tấm ra món phòng lúc ốm đau. Nói là dành dụm phòng lúc ốm đau thế thôi chứ thật ra cũng đã vay mượn tiêu trước cả rồi. Thì bao nhiêu cỗ bàn cưới hỏi, đổi mả, đào móng, đám ma, thăm nom đau ốm biết lấy đâu ra. Nuôi bò cả năm đến lúc nhờ con rao bán khắp cõi mạng ai đến hỏi mua cũng mặc cả lên xuống. Bò rớt giá, bán thì tiếc mà không bán thì lo mùa cỏ lụi biết lấy gì cho chúng ăn. Cầm tiền bán bò trong tay, trừ cám bã, tính ra tiền công một ngày cắt cỏ có năm ngàn đồng. Bà Lan thở dài thườn thượt, nghĩ sao đời nhà nông khổ thế. Tiền cầm chưa ấm tay đã trăm khoản cần chi.

Thằng út đi làm về, cởi áo công nhân vắt lên vai, ngồi thở dài nhìn cái nắng tháng tư bám riết không chịu nguội đi. Ngửa cổ nhìn trời, út nói bâng quơ: "Chắc lại phải đi xuất khẩu lao đồng thêm chuyến nữa thôi. Chứ ở nhà làm bục mặt mà lương công nhân chẳng đủ tiêu. Chắc chết". Hàng xóm nghe kể thì cười bảo: "Sao trước kia lúc đi Nhật về nó thề sẽ không bao giờ đi nữa cơ mà?".

Hồi ấy lúc thằng út mới về nó nuôi ước mơ sẽ làm giàu trên đất mẹ. Đi Nhật cực quá, sang đó mới thấy kiếm được đồng tiền mồ hôi nước mắt chẳng dễ dàng gì. Nó đi đơn nông nghiệp, bốn giờ sáng lọ mọ mò dậy, nấu cơm mang theo ra đồng. Mùa lạnh, dầm mình trong tuyết cả ngày nó ứa nước mắt tự hỏi: "Ở nhà cũng làm ruộng, sao mình sang tận đây để làm gì?". Thì để kiếm đồng tiền chứ làm gì, bố mẹ cả đời làm nông cùng lắm là đủ ăn có bao giờ dư dả. Những đêm nằm ở xứ người vắt tay lên trán, thằng út nghĩ đủ cách làm giàu. Nó sẽ về mở trang trại nuôi gà. Sẽ trồng một cánh đồng nho sạch vừa mở cửa cho chụp ảnh vừa bán quả tại vườn. Có lúc út lại tính mua mấy cái máy ép gỗ về làm. Ở quê bà con chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng rừng cũng nhiều. Đầu vào có rồi giờ tính đầu ra. Tính mãi không được thì nghĩ chuyện đi buôn. Nhập hàng số lượng lớn xong livestream bán hàng, người ta ngày đi cả ngàn đơn, mình chỉ cần một phần mười thôi đủ ấm. Trước khi về nước thì bao nhiêu dự tính. Nhưng về nước rồi tìm hiểu thấy cái gì cũng khó khăn. Thử đi buôn thì lỗ. Đến chỗ làm gỗ học nghề thì thấy bấp bênh. Đành xin vào khu công nghiệp làm công nhân. Đi làm tăng ca cả thứ bảy, chủ nhật mà tháng cầm chục triệu chưa tiêu đã hết. Mùa cỗ, trong cốp xe lúc nào cũng có cả xấp thiệp mời. Con cái học hành, ốm đau, ti tỉ thứ tiền.

Mấy hôm nay thỉnh thoảng lại thấy tiếng máy bay quân sự tập luyện trên bầu trời. Những lúc ấy bà Lan thường ngẩng lên nhìn lấp lóa nắng hè. Bà nhớ ngày xưa, hồi còn sống trong căn nhà cũ lợp ngói Hương Canh. Ngói thủng, buổi trưa nắng lọt vào nhà, tiếng máy bay gầm gào trên bầu trời, mấy đứa trẻ trốn ngủ đi chơi. Bà thấy nhớ những đứa con của mình. Nhớ đứa ở xa đã đành. Nhớ cả đứa gần ngay trước mắt. Bởi nó gần đấy mà cũng xa đấy. Con cái lớn lên chúng đều đã đổi thay không còn là đứa nhỏ lên mười khúc khích chạy quanh mẹ nữa. Chúng lớn lên nghĩ gì có khi bà không hiểu được. Những vùng trời chúng đi bà chỉ có thể mường tượng ở trong đầu, canh cánh lo âu theo từng đêm mất ngủ.

***

Cái tin thằng cả bị bắt khiến tim bà Lan thắt lại. Tính ra thì thời gian nó bị bắt đúng vào lúc bà đang xin quẻ trong đền. Trong số người xin quẻ đầu năm cho các con đang làm việc ở nước ngoài có mỗi bà là suôn sẻ nhất, đồng sấp, đồng ngửa reo vang trên đĩa. Bà thở phào nhẹ nhõm cứ tưởng con mình được bề trên phù hộ độ trì kiểu gì cũng qua cái đận này. Chả là mấy hôm trước thằng cả gọi về kể lúc đi làm nó bị cảnh sát truy đuổi, phải bỏ chạy mất cả xe, tay chân thương tích nhẹ. Dạo này cảnh sát Nhật truy quét lao động bất hợp pháp dữ lắm. Mấy đứa em đi cùng đã bị bắt, kiểu gì cũng khai ra. Bảo sao mấy hôm rồi lòng bà cứ nóng như lửa đốt. Bà xem trên ti vi thấy lao động bất hợp pháp sống chui lủi, có khi đang ăn còn bị đè ra bắt. Cứ nghĩ đến cảnh đó là bà ứa nước mắt thương con. Hồi ấy nhà nghèo, chỉ lo đủ cho con đi thời hạn hợp đồng một năm. Vì miếng cơm manh áo thằng cả phải trốn ra ngoài mưu sinh khắp tỉnh này sang tỉnh khác ở nước Nhật. Bà luôn gắng sống thiện, làm việc tốt, đêm nằm niệm Phật hồi hướng công đức cho con cháu. Nhưng cái ngày đáng sợ ấy cũng đến. Thằng cả bị bắt, bạn bè nó bên ấy báo về. Bà buông bát, những hạt cơm khô khốc nghẹn lại trong cổ họng.

- Chẳng biết thằng bé bị nhốt bên đó sống thế nào? Có bị đánh đập tra hỏi hay không?

- Xét hỏi thì có nhưng đánh đập thì không. Mẹ đừng lo.

Không lo sao được. Con bà một thân một mình ở xứ người, bị bắt không thể nào liên lạc về nhà. Lòng người mẹ chỉ khi nào vẫn nhìn thấy bóng lưng của con mình mới thấy yên tâm. Bạn thằng cả có liên lạc về với gia đình vài lần. Nhắn ở nhà đừng lo, nhanh thì một tháng, chậm thì sáu tháng con bà sẽ được về. Tính ra thằng cả đi xuất khẩu lao động bên Nhật đến giờ cũng bốn năm rồi. Vợ con nó ở trọ dưới khu công nghiệp gần nhà ngoại, thỉnh thoảng mới về quê. Cũng may còn có vợ chồng thằng út, nếu không nhà cửa chắc sẽ hiu quạnh lắm.

Thỉnh thoảng đi làm về mệt, bà ngồi ở ngoài hiên mở điện thoại ra bấm gọi messenger cho đứa con xa. Chỉ có những tiếng tút tút vang lên vô vọng. Nhìn nắng lấp lóa ngoài sân mẹ như bỗng thấy trước mắt mình mấy đứa nhỏ chạy ra từ ký ức. Ríu rít tranh nhau mút chung một que kem vừa chạy đuổi theo mua bằng hai trăm đồng nhăn nhúm. Khi que kem tan hết, chúng nuối tiếc liếm chiếc que tre không muốn vứt đi. Thoắt cái chúng đã chạy luồn dưới những tán cây trong khu vườn um tùm, chỉ nghe thấy những tiếng cười khúc khích vọng lại lúc gần lúc xa. Rồi lại thoắt cái trong tay thằng cả cầm về mấy quả trứng chim xanh xòe ra trước mặt bà. Thoắt cái đã thấy chúng ngồi quây quần bên mâm cơm ngày hè oi ả. Thằng út vừa ăn vừa nhòm nồi cơm độn sắn, giữ phần. Thằng cả nhấp nhổm ăn nhanh còn theo bạn xuống đồng mót lạc. Thoắt cái lại thấy chúng co ro nằm trong căn nhà không cửa, gió hun hút thổi suốt đêm. Chồng bà đặt dưới gậm giường một chậu than hồng, vùi củ sắn củ khoai thơm giấc mơ bé nhỏ. Thoắt cái chúng lớn lên trên lưng trâu, trên cánh đồng mùa què mùa cụt, trên mảnh đất chó ăn đá gà ăn sỏi. Chúng lần lượt rời nhà đi tìm khoảng trời của riêng mình. Thỉnh thoảng chúng trở về với những vết thương lòng và sự thất bại hằn lên trong mắt. Khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cứ dần xa. Bà không hiểu nổi chúng nghĩ gì. Bà lẩm cẩm với nhớ nhung, lo toan oằn mình ngày nối ngày, năm níu năm, tuổi nhòa trong tuổi.

- Chị nghe bảo thằng Tú bị bắt mất cả xe lẫn đồ đạc mất nhiều tiền lắm đúng không cô?

- Vâng. Nghe nói năm ngoái làm ăn được chị ạ. Nó đi phá dỡ nhà thuê, kiếm được dây đồng, sắt vụn mang bán nên có tiền. Năm nay nó định làm ăn lớn nên hùn vốn cùng bạn bè mua sắm đồ đạc định lấy quân về làm. Tiền thì nó bỏ ra ứng trước, giờ vậy bạn bè cũng có đâu để trả. Còn mấy trăm triệu cho bạn bè thân thiết vay xoay xở việc gia đình cũng chẳng biết có lấy lại được không. Cũng may mấy tháng trước nó kịp gửi về trả xong nợ ngân hàng chị ạ.

- Thôi năm vận hạn đen đủi, của đi thay người cô à.

- Thì cũng chỉ biết tự động viên như thế chứ còn làm gì được. Giờ em chỉ mong cháu nó sớm được về nhà chị ạ.

- Sớm thôi…

Lúc đang ngồi ngẩn người ngoài đầu hiên nhìn gió thổi đám hoa xoài khô bay lệt xệt, bà Lan bỗng nhiên bừng tỉnh. Mắt bà sáng lên, tay chân nhanh nhẹn hoạt bát lạ thường. Bà đeo đôi ủng, khoác cái áo chống nắng, đầu đội nón, tay cầm con liềm quắm đi phăm phăm xuống vườn. Phăm phăm phát hết chỗ cỏ hoang mọc tràn hết lối đi. Vừa phát bà vừa lầm bẩm tính toán gì đó trong đầu. Thằng cả xa nhà cũng đã mấy năm rồi. Bà không muốn lúc về nó nhìn thấy vườn vặng um tùm. Bà bảo thằng út sơn lại cánh cửa cổng màu xanh. Rắc ít vôi cho sân cổng bớt rêu trơn. Cái ao chờ thằng cả về nạo vét, cải tạo thả ít cá giống. Mảnh vườn này chờ nó về san bằng trồng thêm ít cây ăn quả. Sợ lúc nó về đã hết mất mùa măng nên cứ cách vài ngày bà lại ra rừng chặt măng về luộc phơi khô. Bà còn làm sẵn vài lọ măng ớt phần con. Nhìn những ngọn sắn non mơn mởn mọc ngoài hàng rào bà lại càng thêm nhớ. Thằng cả thích ăn nhất món canh rau sắn nấu chua. Rau sắn hái về, phơi héo, vò nát mang ngâm chua nấu với gì cũng ngon, chân giò hay mấy con tép đồng đều đưa cơm lắm. Thỉnh thoảng tiếng máy bay vẫn gầm gào trên bầu trời. Bà Lan ngóng lên trời ước gì có chuyến bay chở thằng cả của bà về nước.

Hôm ấy lúc bà đang cắt cỏ cho bò thì nhận được cuộc gọi từ đầu số lạ. Kể từ khi thằng cả bị bắt, lúc nào bà cũng kè kè điện thoại trong túi áo vì sợ ai đó gọi…

Bà nhìn kỹ số lạ, thấy hiện chữ "Tokyo" trên màn hình điện thoại. Chột dạ, bà vội bấm nghe máy.

- Mẹ à. Con đây.

- Tú đấy à? Con có khỏe không?

- Con khỏe mẹ ạ. Con đã kết thúc điều tra và đang ở nuykan, cục xuất nhập cảnh ấy mẹ ạ. Chắc là dăm bữa nửa tháng nữa là được về thôi ạ.

- Thế thì tốt rồi. Mẹ cứ lo…

- Họ đối xử tử tế lắm. Mẹ không phải lo nghĩ gì cả. Chỉ là con mất hết rồi, về tay trắng. Mấy đứa vay nợ giờ nó thấy mình sa cơ lỡ bước chẳng thằng nào muốn trả mẹ ạ.

- Thôi, còn người là còn của con à.

Động viên con là thế nhưng vừa tắt máy nước mắt bà cứ thế ứa ra. Hai đầu gối đau nhức mỏi nhừ, bà cố chống tay đứng dậy khỏi ruộng cỏ lầy. Cả đời bà chân lấm tay bùn, chẳng bao giờ cầm được khoản tiền nào lớn trong tay. Chắp vá chỗ này, đắp đậy chỗ kia. Giờ nghĩ cảnh con mất gần cả tỉ đồng mồ hôi nước mắt, sống chui sống lủi bao năm tích cóp hỏi sao lòng bà không xót xa cho được. Nhưng bà vội quệt nước mắt tự nói với mình "về là tốt rồi". Lia nhanh tay liềm, bà vội vàng cắt cho đầy sọt cỏ trước khi trời tối. Mấy con bò đang kêu rống lên đòi ăn. Nhà hàng xóm vang tiếng bà gọi cháu. Rồi cũng chỉ còn toàn người già, trẻ con ở lại giữ làng. Nhà hàng xóm cả trai lẫn gái, dâu lẫn rể cả thảy tám đứa con đi làm ăn xa. Hai ông bà già ở nhà vật lộn với sáu đứa cháu nội ngoại, mệt không thở nổi. Chăm chúng từ khi chập chững biết đi, giờ có đứa cao bằng ông bằng bà mà bố mẹ xem ra vẫn còn mải mê làm ăn chưa có ý định về. Những người già trong làng lần lượt qua đời, lũ trẻ sẽ lần lượt lớn lên. Làng quê thay đổi dần bằng những ngôi nhà xây mới. Chẳng hiểu sao cứ phảng phất nỗi buồn…

Thằng cả về lúc nắng chưa kịp tắt. Đặt chiếc ba lô xuống hè hít một hơi thật sâu mùi của rêu mốc và rơm mục. Cái mùi thân thuộc này dễ chịu biết chừng nào, nó gây nhớ nhung nhưng nhức trong lòng những đứa con xa xứ. Vợ con thằng cả vừa kịp về trong bữa cơm sum họp đông đủ đầu tiên sau mấy năm xa cách. Cà muối, canh rau sắn nấu chua, tép đồng kho tương bốc nghi ngút khói. Ngửa cổ bỏ miếng cháy nồi vào miệng nhai giòn rụm, thằng cả nói lâu lắm rồi mới được ăn bữa cơm thảnh thơi như vậy. Lang bạt xứ người rồi mới thấm thía câu: "Cơm người khổ lắm ai ơi/ Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn". Giọng thằng cả như có nước, ầng ậc đọng lại trong tiếng cắn quả cà muối giòn tan. Bà Lan nhìn con cháu quây quần, hắng giọng bảo thằng út: "Hay là thôi, ở nhà đừng có đi đâu nữa, con à…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.