Coi đá banh, bé gái bị đũa đâm xuyên thủng lưỡi

24/02/2016 19:18 GMT+7

Bé gái bị đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi, cắm vào bên trong miệng. Bác sĩ gây mê đã cầm theo cả cây kéo cắt tỉa cành mai từ nhà chạy vô bệnh viện để cắt ngắn đôi đũa mới có thể gây mê mổ cho bé.

Bé gái bị đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi, cắm vào bên trong miệng. Bác sĩ gây mê đã cầm theo cả cây kéo cắt tỉa cành mai từ nhà chạy vô bệnh viện để cắt ngắn đôi đũa mới có thể gây mê mổ cho bé.

Đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi bé gái 9 tuổi - Ảnh: bác sĩ cung cấpĐôi đũa đâm xuyên qua lưỡi bé gái 9 tuổi - Ảnh: bác sĩ cung cấp
Hôm nay (24.2), bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó trưởng khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết về trường hợp tai nạn của của bé gái 9 tuổi T.T.N.A. (9 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM).
Vừa ngồi ăn cơm tối ở trước sân nhà, vừa coi các anh lớn chơi đá banh, bé bị va trúng khiến cả đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi, cắm vào phía bên trong của miệng. Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 22.2, gia đình hốt hoảng đưa bé vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Khi nhập viện, bé vẫn tỉnh táo, chảy máu ít với tình trạng nguyên đôi đũa đâm xuyên qua lưỡi, cắm xuống phía bên trong miệng, đầu đũa lò ra gần tới da.
Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cấp cứu rút đôi đũa ra cho bé.
“Với ca này, cái khó là gây mê, đặt nội khí quản cho bé. Vì nguyên đôi đũa dài cắm xuyên lưỡi, chặn ngang miệng. Khi tiếp nhận bé, phải mổ cấp cứu để rút đôi đũa ra ngay, chúng tôi đã gọi điện thoại cho bác sĩ gây mê nhiều kinh nghiệm của bệnh viện. Anh đã mang theo cả cây kéo cắt tỉa cành mai ở nhà vào viện để cắt ngắn đôi đũa, mới có thể úp mặt nạ gây mê, đặt nội khí quản cho bé”, bác sĩ Huy kể.
Các bác sĩ đã rút đũa ra cho bé, đồng thời khám giám sát để chắc chắn rằng không còn mảnh vỡ, dằm nào của đôi đũa còn sót lại cắm trong lưỡi bé.
Bé A. đã lành vết thương và có thể xuất viện - Ảnh: Nguyên Mi
Theo bác sĩ Huy, trường hợp này rất may là đôi đũa đâm xuyên không trúng vào các mạch máu lớn và dây thần kinh ở lưỡi. Vì vậy, bé không bị chảy máu ồ ạt, vết thương ở lưỡi sau khi lành cũng không ảnh hưởng đến vị giác cũng như khả năng nói, phát âm của bé.
Sau khi mổ, bé được đặt ống dẫn thức ăn, uống xuống thẳng cổ họng để khoang miệng hoàn toàn sạch sẽ, tránh nhiễm trùng.
Hiện tại, qua 2 ngày phẫu thuật, vết thương của bé đã lành và có thể xuất viện vào ngày mai (25.2) và ăn uống lại bình thường.
Qua trường hợp này, bác sĩ Huy khuyến cáo, tình trạng trẻ em bị vật nhọn như đũa, tăm, bút viết… đâm vô miệng phải nhập viện cấp cứu xảy ra rất thường xuyên. Thường trẻ bị đũa, tăm đâm vào họng, nóc họng khi vừa ăn, đặc biệt là vừa ăn vừa chơi. Vô cùng nguy hiểm! Trung bình mỗi tháng, Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 đều tiếp nhận vài ca. Tuy nhiên, bị đũa đâm xuyên qua lưỡi như thế này thì hy hữu.
“Phụ huynh đừng bao giờ cho con em ngậm đũa, tăm trong miệng khi ăn, đặc biệt là vừa ăn vừa chơi. Không cầm đũa, tăm, vật nhọn chạy chơi”, bác sĩ Huy nói.
Theo bác sĩ Huy, trường hợp chẳng may bị dị vật đâm, phụ huynh phải bình tĩnh, không được tự rút dị vật ra mà ráng giữ cố định nguyên trạng dị vật và đưa bé đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.