'Cởi áo' lô cốt, đường phố TP.HCM lột xác

18/12/2021 06:19 GMT+7

Sau khi tháo dỡ những rào chắn, lô cốt án ngữ suốt nhiều năm nay, các tuyến đường tại TP.HCM trở nên thông thoáng, sạch sẽ hơn hẳn.

Loạt lô cốt “biến mất”

Trở lại TP.HCM sau 4 tháng “kẹt dịch” ở quê, chị Thái An (ngụ Q.4) khá bất ngờ khi hàng loạt lô cốt, rào chắn thi công trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) dọc bờ kênh Tàu Hủ đã “biến mất”. Trước đây, đoạn đường chỉ dài chưa tới 2 km nhưng có đến 5 lô cốt nối đuôi nhau, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Tất cả đều thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2”.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh, “rốn ngập” của Sài Gòn, giờ đã thay áo

Ngọc Dương

Hằng ngày đi tập thể dục dọc bờ kênh Tàu Hủ, chị An cho biết suốt gần 5 năm qua, tuyến đường này lúc nào cũng trong tình trạng bị bủa vây bởi lô cốt. Các rào chắn chiếm quá nửa diện tích đường, xe cộ hằng ngày lưu thông rất chật vật. Lô cốt vừa đóng ở chỗ này thì mấy ngày sau lại “mọc” ở đoạn kế tiếp. Thông thường, cứ mỗi đợt cuối năm, những rào chắn này lại được thu dọn lại để người dân đón tết, nhưng qua xuân nó lại hiện hình. “Dạo gần đây không còn lô cốt, đường thông thoáng hẳn. Các khu vực thi công cũng đã được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ hơn, không khí trong lành hơn cho người đi tập thể dục. Giá mà đường sá lúc nào cũng thông thoáng, không đào xới, rào chắn... như thế này thì tốt quá, ra đường đỡ bụi bặm, kẹt xe”, chị An chia sẻ.

Thường xuyên di chuyển qua khu vực đường Lương Định Của (TP.Thủ Đức), anh Minh Trường không khỏi bức xúc vì đoạn đường chưa tới 3 km nhưng mở rộng hơn 5 năm nay chưa hoàn thành. Rào chắn chiếm đường đi, mặt đường thì chi chít ổ voi, ổ gà, nước đọng khiến các phương tiện di chuyển vô cùng khó khăn.

“Trước đoạn này kẹt lắm. Suốt mấy năm nay, cứ sáng và chiều là xe cộ chen chúc nhau rồi chạy ngược chiều loạn lên. Rào chắn thì chiếm hết cả đường, công trình dây dưa từ năm nọ qua năm kia mãi chưa xong. Nhưng qua dịch thì thấy tháo lô cốt rồi. Tuy đường còn dơ nhưng giờ thoáng hơn rất nhiều, không kẹt xe nữa”, anh Trường nói.

Dịch ra khu vực ven trung tâm, nhiều lô cốt, rào chắn trên các tuyến đường thuộc địa bàn Q.8, Q.6... cũng đã được tháo dỡ.

Không chỉ những rào chắn cố hữu, mọi năm cứ đến giáp tết là các quận, huyện tại TP.HCM lại thi nhau đào đường, gây xáo trộn đời sống, khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên năm nay đảo một vòng quanh các quận trung tâm, chúng tôi ghi nhận tình trạng đào đường cuối năm không còn xuất hiện. Đại diện Sở GTVT TP.HCM thông tin ngoài những công trình đã hoàn thành, tháo dỡ rào chắn, từ tháng 12 đến Tết Nguyên đán Sở sẽ hạn chế không cho phát sinh thêm vị trí rào chắn phục vụ thi công các công trình, dự án trên địa bàn TP.

Lột xác hàng loạt tuyến đường

Thời gian qua, nhằm xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh và liên tỉnh, cải tạo, nâng cấp chỉnh trang đô thị, nhiều công trình trọng điểm và các dự án cấp thoát nước, vệ sinh môi trường, ngầm hóa điện lực, viễn thông... liên tục được thi công. Cũng vì thế, các tuyến đường gần như quanh năm bị bủa vây bởi lô cốt.

Khu vực trung tâm từng là vị trí “vàng” cho kinh doanh nhưng suốt nhiều năm qua cũng phải chịu cảnh khói bụi, nhếch nhác, ùn tắc vì loạt công trình trọng điểm ì ạch mãi không thể về đích. Điển hình là đường Lê Lợi (Q.1) bị rào chắn để xây dựng tuyến metro số 1 bắt đầu từ giữa tháng 10.2016. Trong suốt hơn 4 năm phục vụ thi công ga ngầm Bến Thành, từ một tuyến đường thông thoáng, sầm uất, đường Lê Lợi đã trở thành một trong những điểm đen ùn tắc giao thông. Tất nhiên, hàng loạt cửa hàng, hộ kinh doanh tại khu vực này gần như “đứng hình” ngồi chờ công trình metro hoàn tất để trở lại thời hoàng kim. Vì thế, khi rào chắn toàn bộ gói thầu CP1b thuộc một phần đường Lê Lợi (đoạn Nguyễn Huệ - Pasteur) chính thức được tháo dỡ hồi cuối tháng 4, người dân TP vô cùng hào hứng. Dù chỉ được giải phóng một phần nhưng từ đó đến nay khu vực này đã trở thành điểm “check-in” quen thuộc, thu hút rất nhiều người dân Sài Gòn đến vui chơi, chụp ảnh...

Cũng trong tháng 4, “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh sau 18 tháng thi công, sửa chữa đã chính thức thông xe khiến người dân TP thở phào nhẹ nhõm. Con đường này từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh vì kẹt xe, ngập nước. Từ cuối năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP chính thức khởi công dự án nâng cấp, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Dù chủ đầu tư đã chọn phương án thi công cuốn chiếu từng đoạn nhưng với tình trạng giao thông khi ấy, chỉ 1 chiếc xe máy chạy chậm cũng đủ khiến đường này “thất thủ”, chưa nói đến hàng ki lô mét lô cốt chiếm dụng thêm gần nửa con đường. Ít nhất 2 lần 1 ngày, vào khung giờ cao điểm, đường Nguyễn Hữu Cảnh trở thành “bãi đậu xe” khổng lồ, lộn xộn xe máy, ô tô, còi xe inh ỏi. Nhưng chạy xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh thời điểm hiện nay, khó có thể nhận ra “bãi đậu xe” khổng lồ đó. Tuyến đường 10 làn xe rộng thênh thang, trải nhựa mới tinh, sơn vạch sạch sẽ… “Rốn ngập” của TP, giờ đã thay áo!

Tương tự, khu vực trung tâm Q.1 từ phía đường Tôn Đức Thắng tới Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Duẩn trở thành nỗi ám ảnh vì tình trạng ùn tắc giao thông. Rào chắn đường Tôn Đức Thắng phục vụ thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2 không chỉ gây xáo trộn tuyến đường này mà còn đẩy ách tắc lan sang loạt mạng lưới đường như Hai Bà Trưng, Nguyễn Tất Thành, phía từ Q.4 hướng qua Q.1 đoạn cầu Khánh Hội và cả đường lớn như Lê Duẩn. Tình trạng xe máy, ô tô chen nhau, nhất là vào giờ cao điểm thường xuyên diễn ra. Giờ thì rào chắn phía chân cầu đoạn từ Lê Duẩn rẽ vào Tôn Đức Thắng đã dỡ bỏ lô cốt.

Mạnh tay với công trình thi công bầy hầy

Rào chắn, lô cốt án ngữ nhiều năm không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, mỹ quan đô thị mà nhiều công trình thi công bầy hầy còn kéo theo rất nhiều hệ lụy. Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đã phải liên tiếp ra công văn nhắc nhở loạt công trình thi công gây mất an toàn tại TP.Thủ Đức. Đơn cử, đối với dự án xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, đơn vị thi công tự ý để máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng lên vỉa hè, chiếm dụng toàn bộ lối đi dành cho người bộ hành. Đoạn từ Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật đến đường Đặng Văn Bi hiện không triển khai thi công nhưng tồn tại hàng rào để máy móc, thiết bị bên trong. Mặt đường Lê Văn Ninh bị hư hỏng nghiêm trọng, gây nguy cơ tai nạn giao thông…

Theo đánh giá của Sở GTVT, dù mức xử phạt hành chính hiện khá nghiêm nhưng để xảy ra các tồn tại nêu trên, trách nhiệm trước hết thuộc về các chủ đầu tư đã chưa làm hết vai trò, trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý, chế tài đối với đơn vị thi công, tư vấn giám sát. Do đó, để tăng cường chấp hành và xử lý nghiêm theo quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác, Sở GTVT đã đề nghị Thanh tra Sở xử lý theo hình thức tăng nặng đối với các đơn vị chủ đầu tư, thi công, giám sát thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm; rà soát và áp dụng các hình thức xử lý bổ sung thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công chặt chẽ theo quy định.

Mới nhất, Sở GTVT đã tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thi công, chấp thuận xây dựng các công trình có liên quan đến Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV. Nguyên nhân là thời gian qua trong quá trình thi công, đơn vị này để mặt đường Trần Văn Giàu, Nguyễn Văn Linh, khu vực vòng xoay Nguyễn Bỉnh Khiêm 1 và đường Nguyễn Đình Chiểu bị hư hỏng, đọng nước tạo ổ gà sâu, phui đào lún sụp gây mất an toàn giao thông.

Theo thông tin từ nhà thầu thi công, phần rào chắn phía ngược lại từ đường Tôn Đức Thắng (dự án cầu Thủ Thiêm 2) sẽ bắt đầu được tháo dỡ sau Tết Nguyên đán, trả lại lối đi cho người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.