Có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo ngân hàng?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/09/2023 08:22 GMT+7

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Trên hồ sơ thì sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay đã được khắc phục".

Ngày 18.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên 26, cho ý kiến việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội thuộc 21 lĩnh vực khác nhau.

SỞ HỮU CHÉO NGÂN HÀNG ĐÃ KHẮC PHỤC TRÊN... HỒ SƠ

Nêu ý kiến với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội (QH) Lê Tấn Tới băn khoăn: hiện, còn tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng không và điều này có tác động đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế hiện nay hay không ? Ông đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng có giải trình thêm.

Có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo ngân hàng? - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo tại phiên họp

GIA HÂN

Với vai trò cơ quan thẩm tra dự án luật Các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thẩm tra dự thảo luật thì thấy rằng sở hữu chéo đã được kiểm soát tốt, vi phạm đã được xử lý. Tuy nhiên, cơ chế để xử lý dứt điểm việc các cổ đông lớn thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng còn nhiều ý kiến khác nhau.

"Việc dự thảo luật mở rộng các đối tượng có liên quan hay giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần hay giảm các giới hạn cấp tín dụng có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo ngân hàng hay không còn chưa khẳng định được. Ngược lại, có ý kiến cho rằng dù mở rộng hay thu hẹp thì các quy định mới này sẽ tác động tới nền kinh tế, thị trường chứng khoán, thu hút đầu tư nước ngoài, thậm chí là việc tài trợ nguồn vốn đối với các dự án trọng điểm quốc gia", ông Thanh nói.

Với nợ xấu, ông Thanh cho hay từ ngày 15.8.2017 (thời điểm Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực) đến ngày 28.8.2023 đã xử lý được hơn 400.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu có xu hướng tăng, nợ xấu nội bảng đến 3,36%. "Vậy luật xử lý thế nào, luật hóa quy định của Nghị quyết 42 ra sao vẫn còn ý kiến khác nhau", ông Thanh nhấn mạnh.

Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Trên hồ sơ thì sở hữu chéo giữa các ngân hàng đến nay đã được khắc phục. Tuy nhiên, thực tế các tổ chức, cá nhân vẫn có thể đứng tên hoặc nhờ đứng tên sở hữu cổ phần, thậm chí thành lập doanh nghiệp trong hệ sinh thái để cho vay vốn ngân hàng. Vấn đề này phát hiện qua một số vụ việc vừa qua".

Nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm và khắc phục sở hữu chéo ngân hàng là trọng tâm khi thiết kế luật Các tổ chức tín dụng, song Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có. Theo bà Hồng, các quy định tại luật cần phải kết hợp với các quy định khác một cách đồng bộ để tổ chức, cá nhân hoạt động minh bạch mới có thể giảm tình trạng sở hữu chéo.

Cạnh đó, theo bà Hồng, là vấn đề thực thi. "Quy định như vậy nhưng doanh nghiệp, người dân phải tuân thủ, nếu cố tình nhờ đứng tên thì Ngân hàng Nhà nước không xử lý được. Đó là thực tế. Khi cố tình chỉ có cơ quan điều tra phát hiện như một số vụ vừa qua", bà Hồng khẳng định. Với lo ngại quy định trong luật tác động tới thị trường chứng khoán, tăng chi phí, thủ tục, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng vấn đề ưu tiên khi xây dựng luật là đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng. Do đó, việc phân tích, đánh giá tác động cần "bức tranh" lớn hơn về vai trò của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế.

GIẢI NGÂN CHẬM LÀM LỠ CƠ HỘI PHỤC HỒI kinh tế

Cũng liên quan kinh tế, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết mấy tháng vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tới nay mới giải ngân được 42,3%. "Từ giờ đến cuối năm cũng khó có thể đạt được đến 95%. Các chuyên gia nói nếu chúng ta giải ngân đạt 95% thì GDP có thể tăng thêm 2%. Đề nghị công tác giải ngân đầu tư công trong thời gian tới cần quyết liệt hơn. Đầu tư công có vai trò dẫn dắt đầu tư nhưng giải ngân đầu tư công chậm dẫn đến tổng đầu tư toàn xã hội trong những tháng đầu năm vừa qua bị ảnh hưởng", ông Thanh nói.

Có xử lý dứt điểm được sở hữu chéo ngân hàng? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu việc triển khai Nghị quyết 43 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 (chương trình) triển khai chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả chương trình, đặc biệt là các nội dung về đầu tư cho phục hồi và phát triển.

Ông Thanh dẫn chứng việc giao kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình. Tại Nghị quyết 43, QH đã quyết nghị tăng chi từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỉ đồng với thời gian thực hiện chủ yếu trong hai năm 2022 và 2023 để hỗ trợ, đầu tư các nhiệm vụ, dự án trong từng ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, tới tháng 7, Chính phủ mới giao hết số vốn này. Và tới ngày 30.6, ước giải ngân khoảng 24.281 tỉ đồng, đạt 15% số vốn được giao chi tiết. "Khả năng giải ngân gói 176.000 tỉ đồng từ giờ đến cuối năm là khó có thể hoàn thành được. Vấn đề này cần hết sức quan tâm", ông Thanh nêu.

Trong báo cáo thẩm tra về việc thực hiện Nghị quyết 43, Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, đến hết tháng 5, thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất trị giá 40.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, mới đạt khoảng 500 tỉ đồng, tương đương 1,25% tổng nguồn lực, rất chậm so với yêu cầu đề ra.

"Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về tiếp cận tín dụng, việc chậm triển khai giải ngân chính sách hỗ trợ lãi suất đã bỏ lỡ cơ hội hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, đồng thời gây lãng phí nguồn lực ngân sách nhà nước", cơ quan thẩm tra nêu và đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện, thẳng thắn nguyên nhân chủ quan, khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm cho việc xây dựng, ban hành, thực thi chính sách hỗ trợ lãi suất trong tương lai.

Cháy, nổ từ sự cố thiết bị điện chiếm tỷ lệ cao

Trong báo cáo gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 99 năm 2019 của Quốc hội về giám sát công tác PCCC, Chính phủ đánh giá cháy, nổ mặc dù đã giảm nhưng cháy, nổ tại các khu công nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở tập trung đông người (quán karaoke, quán bar...) còn diễn biến phức tạp. Một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.

Các vụ cháy có nguyên nhân từ sự cố thiết bị điện (sau công tơ) tại các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ý thức của một bộ phận người dân trong quản lý, sử dụng điện an toàn chưa cao. Trong khi đó, các quy định hiện hành về bảo đảm an toàn PCCC điện (sau công tơ) còn thiếu, chưa cụ thể, chưa rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc quản lý nguồn gốc, chất lượng, chứng nhận kiểm định đối với các thiết bị tiêu thụ điện trên thị trường hiện nay còn nhiều bất cập, theo báo cáo.

Cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu hộ, cứu nạn có nơi, có lúc bị buông lỏng, thiếu chặt chẽ, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Đáng lưu ý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm "qua loa, chiếu lệ"; chưa quan tâm phân tích nguyên nhân các vụ cháy để rút kinh nghiệm, chỉ rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn; chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.