Cổ vật Kỳ Duyên - Kỳ 3: Vết chém trên tượng Bắc đế

30/04/2014 09:00 GMT+7

Khi người vô gia cư chiếm dụng không gian ở chùa Cầu chết đi, pho tượng gỗ trong miếu thờ Bắc đế mới được “giải thoát” nhưng vẫn in hằn những vết chém chi chít trên thân tượng.

 
Bức tượng gốc Bắc đế trưng bày tại bảo tàng với những “thương tích” trên mình

Trước khi Ban Quản lý di tích và dịch vụ du lịch Hội An (Quảng Nam) khởi động các đợt sưu tầm và kiểm kê di tích (tháng 2.1986), một người vô gia cư đã chiếm chùa Cầu để trú ngụ.

Suýt bị đốt

Trong một dịp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia tại Hội An, nhiều nhà khoa học tiếp cận chùa Cầu để khảo sát nhưng khi gõ cửa miếu thì bị người vô gia cư kia xách dao… dọa chém. Lúc ông ấy chết (khoảng tháng 6.1986), chuyên viên bảo tồn mới tiếp cận được khu vực miếu thờ bên trong. Đấy là giai đoạn đô thị cổ Hội An được gọi với cái tên “thị xã dưỡng già” và gần như bị quên lãng từ sau năm 1975, cho tới khi kiểm kê di tích. Chính từ các đợt trùng tu tôn tạo đó, duyên may đã đến với các hiện vật quý trước khi bị hủy hoại.

Tham gia nghiên cứu trùng tu chùa Cầu trong quãng thời gian này, ông Nguyễn Đức Minh - nguyên Phó giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An - nhớ lại khung cảnh lộn xộn với các vật dụng lăn lóc khi tiếp cận khu vực miếu thờ. Chiếm dụng trái phép chùa Cầu để trú ngụ, người vô gia cư kia thường dùng rựa cùn chẻ củi để sưởi ấm, và tượng Bắc đế trấn võ suýt lâm nạn. “Có lẽ ông ấy đã chẻ nhiều thứ để đốt rồi. Riêng pho tượng này làm bằng gỗ lim nên quá cứng, không chẻ được. Rất may là ông ta không quẳng vào bếp, nhưng bây giờ vết chém vẫn hằn chi chít”, ông Minh kể.

 
Du khách ngang qua tượng linh cẩu được tạc mới, còn tượng linh cẩu cổ đã bị nước lũ cuốn trôi - Ảnh: H.X.H

Trưng bày tượng quý

Người dân địa phương quen gọi biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An là chùa Cầu vì bên trên cầu có dựng ngôi miếu thờ đức Huyền Thiên đại đế (hay Bắc đế trấn võ), vị thần trấn ngự tại núi Nhạc theo tín ngưỡng của người Hoa. Trong miếu thờ ấy, từ lâu có bức tượng gỗ linh thiêng. Xét về niên đại, các nhà nghiên cứu phỏng đoán phần cầu xây dựng khoảng cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17, còn phần chùa (miếu) bên trên xây sau đó khoảng 100 năm.

Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 4 lần trùng tu kể từ năm 1817, hết 3 lần diễn ra dưới thời nhà Nguyễn. Vậy nên niên đại pho tượng gỗ Bắc đế đã ngót vài trăm năm, nhưng không chỉ có giá trị về thời gian mà còn được các nhà nghiên cứu ghi nhận về cách thức tạc tượng đặc biệt, khác lạ. Trên hai cánh cửa gian thờ giữa (thờ Bắc đế) có họa tiết chạm nổi sư tử và chiếc quạt. Những họa tiết này, cùng với bức tượng Bắc đế, được nhà nghiên cứu Vũ Trung Lương (nguyên Viện trưởng Viện Mỹ thuật, Bộ VH-TT-DL) đánh giá “phảng phất phần nào phong cách nghệ thuật Nhật Bản”. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh (Viện Khảo cổ học), người trực tiếp cùng ông Nguyễn Đức Minh đo đạc bức tượng gỗ, nhận thấy nhiều chi tiết khác với quy chuẩn tạc tượng của người Việt.

Trên cây cầu mang phong cách Nhật lại có tượng thờ theo tín ngưỡng của người Hoa, cùng với duyên may thoát khỏi ngọn lửa của kẻ vô gia cư càng khiến bức tượng gỗ Bắc đế thêm “lạ”. Giờ đây, du khách đến tham quan chùa Cầu chỉ được chiêm ngưỡng bức tượng gỗ Bắc đế thờ nơi miếu do nghệ nhân Huỳnh Ry của làng mộc danh tiếng Kim Bồng tạc lại. Còn tượng gốc đã thỉnh về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử văn hóa Hội An, với “thương tích” dưới chân và nhiều vết chém không thể nào xóa được.

Tạc lại tượng linh cẩu

Trận lũ lịch sử năm 1964 ở miền Trung đã cuốn phăng một tượng chó gỗ. Tại chùa Cầu, phía tây cầu đặt 2 tượng khỉ (thần hầu), phía đông đặt 2 tượng chó (linh cẩu), được cho là ngụ ý về thời gian xây dựng công trình kéo dài 3 năm, từ năm Thân đến năm Tuất. Mãi đến năm 1986, Hội An mới cho tạc mới một bức tượng chó và đặt vào vị trí cũ, còn pho tượng linh cẩu cổ vẫn biệt tích.

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 2: Trống đồng suýt làm mâm cơm
>> Cổ Vật Kỳ Duyên: Tìm chân cho tượng Shiva
>> Bảo tàng tư nhân cổ vật Chămpa
>> Mở đường, phát hiện nhiều cổ vật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.