Có triệt được thực phẩm bẩn mùa tết ?

17/01/2022 05:26 GMT+7

Các địa phương đang trong tháng cao điểm kiểm tra về an toàn thực phẩm tết Nhâm Dần 2022.

Năm nay, số vụ liên quan đến thực phẩm tươi sống không vệ sinh, thực phẩm hết hạn sử dụng có giảm so với các năm trước, nhưng các vấn đề về nguồn gốc thực phẩm, thực phẩm chứa chất cấm vẫn “nóng”.

Xu hướng thực phẩm “nhà làm” tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Gia Hân

Liên tiếp phát hiện thực phẩm không nguồn gốc

Cục Hải quan tỉnh Lào Cai cho biết, chưa đầy 1 tháng ra quân đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị này đã phát hiện 4 vụ vận chuyển thực phẩm Trung Quốc nhập lậu vào VN, tang vật thu giữ gồm 268 kg tràng (trễ) đông lạnh và 228 kg bánh kẹo các loại với tổng trị giá 100 triệu đồng.

Qua xác minh, bánh kẹo và tràng lòng đều được đóng trong các thùng các tông, thùng xốp in chữ Trung Quốc. Đáng lưu ý, trong 4 vụ việc này, Cục Hải quan Lào Cai chỉ xác định được 1 đối tượng là chủ hàng, xử phạt hành chính với số tiền 3,7 triệu đồng. 3 vụ còn lại, ở thời điểm bắt giữ không có người nhận hàng, không xác định được chủ hàng nên Cục Hải quan tỉnh Lào Cai đã phối hợp các cơ quan chức năng tiêu hủy.

Cũng liên quan đến thực phẩm nhập lậu, ngày 5.1 vừa qua, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lào Cai phối hợp Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai bắt quả tang lô hàng với 10 bao tải chứa nầm lợn đông đang có biểu hiện thối hỏng, chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ. Qua điều tra, chủ lô hàng là ông Đoàn Quý Ngọc, trú tại tổ 14, P.Lào Cai, TP.Lào Cai không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.

Một cán bộ công tác tại Cục Hải quan Lào Cai cho biết, dù công tác quản lý các cửa khẩu, biên giới đều được siết chặt đề phòng dịch Covid-19 nhưng các đối tượng vẫn tìm mọi cách để vận chuyển thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc. Các sản phẩm nầm lợn, tràng lợn… bị phát hiện, bắt giữ vừa qua đều được cất giấu, ngụy trang rất tinh vi. Cũng theo vị cán bộ này, cái khó trong các vụ việc hiện nay là chủ hàng thuê người vận chuyển, nếu hàng bị bắt giữ thì bỏ luôn nên rất khó xử lý. Hiện tại, Cục Hải quan Lào Cai đã yêu cầu các đơn vị tăng cường biện pháp nghiệp vụ để chặn đứng thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc về VN, đang có dấu hiệu gia tăng dịp tết.

Tuần qua, Quản lý thị trường Thanh Hóa bắt quả tang một xe tải nhỏ, thu giữ 150 chai rượu ngoại đang trên đường đi tiêu thụ. Tương tự là vụ việc Công ty TNHH Ích Khang (Q.Long Biên, Hà Nội) bị thu giữ 10.000 chai nước giải khát Dấm Táo vì không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Hay mới nhất là vụ việc Công ty bánh kẹo Sơn Hà (La Phù, Hà Nội) dùng dây chuyền cáu bẩn, công nhân khi đóng gói sản phẩm thì tay trần chứ không có găng tay...

Cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai liên tục phát hiện nhiều vụ vận chuyển thực phẩm đông lạnh nhập lậu từ Trung Quốc về Việt Nam

Bắc Dũng

Nhóm thực phẩm nguy cơ cao

Đánh giá về các yếu tố nguy cơ dẫn đến vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) lo ngại: “Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu… Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Nếu không đảm bảo về chất lượng nguyên liệu, điều kiện trang thiết bị, nhân công thì rất dễ dẫn đến việc không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, ATTP”.

Ông Phong cũng lưu ý: “Thời gian này thời tiết phía bắc thường ẩm ướt, phía nam thường nắng nóng; đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng an toàn thực phẩm”.

Theo ông Phong, để đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm mới 2022, Ban chỉ đạo liên ngành T.Ư về ATTP đã triển khai đợt cao điểm kiểm tra về ATTP. “Việc kiểm tra chú trọng lấy mẫu xét nghiệm đánh giá nguy cơ. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm sẽ được thực hiện chính xác và sớm để cảnh báo kịp thời nếu phát hiện vi phạm, tránh xảy ra tình trạng chỉ đưa ra cảnh báo thu hồi sau khi sản phẩm vi phạm đã được tiêu thụ hết”, ông Phong khẳng định.

Lo ngại thực phẩm có chất cấm, đồ uống chứa cồn công nghiệp

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, ATTP đã được chuyển biến khá rõ về hành vi cá nhân, ví dụ như việc sử dụng các dụng cụ riêng biệt, găng tay trong sơ chế, bảo quản thực phẩm đã phổ biến; vụ ngộ độc và tử vong do ngộ độc giảm; các phục gia cấm như hàn the hầu như không phát hiện. Tuy nhiên, vẫn cần chú trọng về ngộ độc do độc tố tự nhiên, ví dụ như các trường hợp do nấm độc, quả rừng tại một số địa phương; do thực phẩm bảo vệ sức khỏe bị lén bỏ chất cấm hoặc tân dược.

Mới đây nhất, hôm 13.1, Cục ATTP đã có khuyến cáo sản phẩm Feo dứa và viên uống thảo mộc Mộc slim có chứa chất cấm sibutramine và phenolphtalein. Cảnh báo đưa ra sau khi Cục ATTP nhận được 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia về kết quả kiểm nghiệm mẫu phát hiện có chứa chất cấm sibutramine và phenolphthalein. Mẫu được xét nghiệm do đoàn kiểm tra của Cục ATTP lấy mẫu tại Công ty TNHH sản xuất - dược phẩm Vĩnh Điển (H.Đan Phượng, Hà Nội). Cục ATTP đã ban hành quyết định thu hồi 2 sản phẩm vi phạm trên và đang xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

Ngoài ra, thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho hay, gần đây trung tâm này đã tiếp nhận các ca ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong. Các bệnh nhân ngộ độc này đều uống các loại rượu không rõ nguồn gốc với số lượng nhiều.

Cục ATTP khuyến cáo, qua thực tế các năm trước, đồ uống có cồn được tiêu thu tăng cao trong dịp tết, lễ. Để an toàn sức khỏe, người dân tuyệt đối không lạm dụng đồ uống có cồn và chỉ sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng; tem nhãn không tẩy xóa, không bong rách...

Ngoài ra, Cục ATTP cũng khuyến cáo người dân không sử dụng rượu thủ công tự ngâm các cây củ, con hoặc các bộ phận của động vật vì có nguy cơ ngộ độc do không kiểm soát được độc tố tự nhiên có trong các thành phần được sử dụng ngâm rượu.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) đêm 12.1

KHÁNH TRẦN

“Nóng” khi tết sắp đến

Trong năm 2021, riêng Bộ Y tế đã xử phạt 60 cơ sở với 83 hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt 3,96 tỉ đồng (trung bình 66 triệu đồng/cơ sở). So với cùng kỳ của năm 2020, số cơ sở bị phạt của năm 2021 thấp hơn, nhưng tổng tiền xử phạt tăng; trung bình mỗi cơ sở tăng khoảng 10 triệu đồng. Năm 2020 đã xử phạt 65 cơ sở với 78 hành vi vi phạm với tổng tiền phạt 3,54 tỉ đồng (trung bình 54,5 triệu đồng/cơ sở).

Tổng hợp báo cáo 2 tuần đầu năm 2022 của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, số lượng các vụ việc phát hiện qua kiểm tra liên quan đến các loại thực phẩm tươi sống không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm hết hạn sử dụng có giảm so với những năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu 2022 đến nay, công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng này cho thấy nổi lên các vi phạm về bánh kẹo, nước giải khát, bia rượu với sai phạm là hàng hóa không có đủ giấy tờ, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đảm bảo vệ sinh khi sản xuất.

Chia sẻ với Thanh Niên chiều 16.1, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, năm nay mặc dù Tổng cục đã triển khai kế hoạch cao điểm đợt Tết Nguyên đán từ sớm; và đến nay hầu hết các cục quản lý thị trường vốn là địa bàn nóng về hàng hóa tết như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang… đều đã ra quân từ đầu năm 2022, song chưa có vụ nào lớn về vi phạm vệ sinh ATTP tết như mọi năm.

“Các năm trước, thực phẩm bẩn là vấn đề nổi cộm, nhưng có thể năm nay các nhà hàng vẫn chưa hoàn toàn mở cửa, cộng với việc kiểm soát dịch chặt hơn, nhất là các cửa khẩu nên nửa tháng qua tình hình khá trầm lắng. Tuy nhiên, cũng có thể thực phẩm sẽ “nóng” hơn vào tuần sát tết”, vị này thông tin và cho biết thêm rằng theo báo cáo trinh sát, khả năng trong tuần này sẽ có vụ vi phạm lớn về thực phẩm bị bắt.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, đơn vị này được Bộ NN-PTNT triển khai kế hoạch kiểm tra vệ sinh ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần với trọng tâm là địa bàn một số tỉnh khu vực miền trung. Công tác kiểm tra sẽ tập trung vào đánh giá hậu kiểm chỉ tiêu dư lượng, chất lượng, nguyên liệu chế biến… sản phẩm. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra sẽ tổng rà soát, đánh giá về ý thức, mức độ chấp hành, tuân thủ quy định về ATTP của các đơn vị.

Năm 2021 phạt 109 tỉ đồng

Theo Cục ATTP, trong 2021, cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành đã hậu kiểm 376.426 cơ sở, qua đó xử lý 22.512 cơ sở, tổng số tiền phạt

109 tỉ đồng; giá trị tang vật thu giữ trên 20,5 tỉ đồng; đình chỉ 172 sản phẩm; tiêu hủy 1.697 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng ATTP (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...); khởi tố

11 vụ, 16 đối tượng trong đó có 3 vụ/6 đối tượng về tội vi phạm các quy định về ATTP, 6 vụ/9 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm và 1 vụ/3 đối tượng về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức (để vận chuyển gia cầm).

Hiện có 6 đoàn kiểm tra liên ngành cấp T.Ư đang triển khai đợt kiểm tra về ATTP tại 12 tỉnh, thành trọng điểm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lâm Đồng, Đắk Nông, Hà Nội, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận. Các địa phương, đoàn kiểm tra sẽ công khai tên, địa chỉ các cơ sở, cá nhân vi phạm về ATTP; đồng thời thông tin danh sách, địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.