Có tiền nhàn rỗi cũng... đau đầu

14/12/2023 06:28 GMT+7

Tình hình lãi suất tiết kiệm giảm xuống đáy, mua vàng rủi ro thua lỗ lớn, cổ phiếu "1 phiên tăng 2 phiên giảm", bất động sản cũng chưa thấy dấu hiệu tăng khiến những người đang có tiền nhàn rỗi đau đầu tìm kiếm kênh đầu tư.

Tiết kiệm xuống đáy, vàng thua lỗ…

Bước sang tháng 12, hàng loạt ngân hàng (NH) thương mại đã giảm thêm lãi suất (LS) tiết kiệm, đưa LS huy động trung bình 12 tháng ở mức 4,4%/năm ở nhóm NH thương mại cổ phần nhà nước và 5,3%/năm đối với nhóm NH thương mại cổ phần. Có thể nói LS đang ở vùng thấp nhất trong hàng chục năm qua. Chính vì vậy nhiều người đang có tiền nhàn rỗi gửi NH có tâm lý chuyển sang các kênh đầu tư khác để mong muốn có mức lãi cao hơn. 

Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay việc lựa chọn tài sản nào, kênh đầu tư nào để rót tiền càng trở nên khó khăn hơn khi kinh tế trong lẫn ngoài nước chưa thể tăng cao, sức tiêu thụ của thị trường giảm thấp khiến nhiều doanh nghiệp giảm mạnh về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Có tiền nhàn rỗi cũng... đau đầu - Ảnh 1.

Chứng khoán được đánh giá là kênh đầu tư nhiều tiềm năng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo chia sẻ của chị Kiều Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM), sau 1 năm gửi tiết kiệm với LS lên đến 10%/năm, cách đây 1 tuần khi đến kỳ đáo hạn, NH báo LS kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm, 6 tháng là 5%/năm và từ 3 - 5 tháng ở mức 4,6%/năm. Mặc dù LS giảm một nửa so với trước nhưng chị vẫn tiếp tục lựa chọn gửi tiền ở NH nhưng chỉ gửi kỳ hạn ngắn 3 tháng để tìm thêm, nếu có cơ hội đầu tư khác thì sẽ chuyển sang. Tâm lý của chị Kiều Hoa cũng đang có ở nhiều gia đình khác.

Chị Bích Ngọc (Hà Nội) cho hay việc chọn kênh đầu tư hiện giờ rất "đau đầu". Hơn nữa tâm lý cũng còn bất an nên chị vẫn tiếp tục chọn gửi tiền vào NH. Hồi tháng 10, một số sổ tiết kiệm của chị Bích Ngọc đáo hạn, nhìn bảng lãi suất 12 tháng chỉ khoảng 6%, chị quyết định rút tiền chuyển sang mua vàng nhẫn với giá khoảng 58 triệu đồng/lượng. Nay giá vàng lên 61 triệu đồng (có thời điểm 62 - 63 triệu đồng/lượng) đã có lời khoảng 2 triệu đồng/lượng, tương đương lời khoảng 3,4% trong gần 2 tháng. Thế nhưng theo dõi thị trường vàng mấy ngày nay, chị lại nản. 

"Mua vàng lúc này thì chưa biết khi nào sẽ có lãi mà bị lỗ ngay hơn 1 triệu đồng/lượng do chênh lệch giá mua và bán. Trong khi đó, dù đã có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán trong gần 10 năm qua nhưng sau nhiều lần bị "sóng đánh ra đảo", lỗ hàng trăm triệu đồng, tôi không dám mạnh tay xuống tiền vào chứng khoán", chị Ngọc nói và cho biết cứ "đánh" liên miên cả năm thì nhiều khi thắng non được vài lần, mà chỉ cần 1 - 2 giao dịch thua nặng cũng mất cả vốn. Thị trường chứng khoán hiện vẫn xập xình chưa rõ xu hướng như thế nào nên hiện tại chị chọn đứng ngoài quan sát…

Có tiền nhàn rỗi cũng... đau đầu - Ảnh 2.

Có thể xem xét chọn lựa BĐS để đầu tư

ĐÌNH SƠN

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh nhận xét: Người gửi tiết kiệm từ mức LS cao của cuối năm trước thì gần đây đến kỳ đáo hạn khá nhiều. Thế nhưng vì tâm lý lo ngại về kinh tế và tài chính nên dù LS hạ mà dòng tiền vẫn đổ vào NH. Theo ông Khánh, thời điểm này, những người có tiền có thể cân nhắc tham gia chứng khoán, bất động sản (BĐS) và nên tính thời gian trung - dài hạn. Tuy nhiên, nhà đầu tư mới thì càng phải học để không chủ quan và mất vốn khi tham gia. 

"Hiện VN nói riêng và thế giới nói chung đều quan tâm đến dịch vụ quản lý tài sản. Đây là dịch vụ giải quyết vấn đề người có tiền nhưng không có kiến thức, kinh nghiệm cũng như thời gian tham gia đầu tư, trong khi với một số người được đào tạo chuyên nghiệp thì đó là công việc. Tuy nhiên mảng này không dễ do nhiều vấn đề như pháp lý và trình độ người quản lý gia sản nên nếu nhà đầu tư quan tâm cũng phải tìm hiểu kỹ", ông Khánh khuyến cáo.

Cơ hội lựa chọn cổ phiếu, bất động sản

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng đối với người có tiền nhàn rỗi dưới 1 tỉ đồng, ở thời điểm hiện tại có thể lựa chọn gửi tiết kiệm ở các NH thương mại. Tuy nhiên, đối với kênh đầu tư thì thật sự có cơ hội nhất sẽ là chứng khoán. Thị trường chứng khoán trong vài tháng tới có thể vẫn chưa có xu hướng tăng rõ ràng nhưng có nhiều cổ phiếu của các công ty vẫn kinh doanh sản xuất tốt thời gian qua cũng đã giảm theo thị trường. Mức giá của nhiều cổ phiếu hiện thấp hơn so với năng lực của doanh nghiệp và lịch sử giá của chính nó. 

Đây là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn mua vào với mục tiêu trong vòng 6 tháng thì mức lãi 15 - 20% là hoàn toàn có thể đạt được. Đối với những người có tiền nhiều hơn, lên trên khoảng 2 - 3 tỉ đồng, đủ để mua BĐS thì có thể chọn nhà phố trong hẻm hay căn hộ đang cho thuê. Mua BĐS hiện nay sẽ không sợ bị giảm giá nhiều mà còn có cơ hội để lựa chọn. Lợi nhuận BĐS cho thuê có thể thấp hơn LS tiết kiệm nhưng đây là tài sản có giá trị bền vững. Đặc biệt khi thị trường BĐS hồi phục trở lại thì cơ hội tăng giá mạnh rất lớn. 

TS Đinh Thế Hiển phân tích: Đầu tư vào chứng khoán cũng không cần thiết phải là người đã có nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn như với người làm việc ở ngành nào, đã có những hiểu biết nhất định thì tìm thông tin các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực đó. Từ kinh nghiệm của chính bản thân sẽ đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp; sản phẩm, dịch vụ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như thế nào... Sau đó có thể xem lại lịch sử giá cổ phiếu, xem chỉ số giá với lợi nhuận trên cổ phiếu (P/E) thường có sẵn trên nhiều trang tin hay công ty chứng khoán. Nếu P/E thấp hơn 10 lần là hoàn toàn có thể đầu tư vì rủi ro rất thấp.

Đồng quan điểm, TS Huỳnh Thanh Điền (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng tiết kiệm chỉ là nơi trú ẩn tạm thời. Nói về kênh đầu tư ở VN hiện nay cũng chỉ có 2 kênh được xem là tiềm năng gồm chứng khoán và BĐS. Nhiều cổ phiếu thời gian qua đã giảm mạnh, thấp hơn giá trị sổ sách. Có những doanh nghiệp bản thân vẫn đang hoạt động tốt, đã tái cơ cấu và đứng vững trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Đặc biệt nhà đầu tư có thể lựa chọn thêm một số tiêu chí như ngoài kinh doanh ổn định, công ty đó cũng đã làm tốt chuyển đổi số, hướng đến phát triển xanh theo xu hướng của thị trường chung. Cộng thêm việc giá cổ phiếu đã giảm sâu thì có thể bắt đầu mua vào. 

Bên cạnh đó, BĐS cũng đang dần trở nên hấp dẫn với người đang sở hữu tiền mặt. Các chính sách của Chính phủ như mở room tín dụng, ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án BĐS… sẽ dần dần có hiệu quả và giúp thị trường này dần tan băng.

Nếu không đầu tư lúc này thì chờ đến lúc nào? Cũng như cổ phiếu hay BĐS, nếu chờ thị trường đã tăng cao thì giá không còn thấp và cơ hội chọn lọc được hàng hóa tốt sẽ không có nhiều, khó mua. Hiện nay là lúc nhà đầu tư có thể thong thả nhìn ngắm, lựa chọn kỹ càng. Thị trường vẫn có thể tiếp tục đi ngang nhưng rủi ro giảm mạnh là không quá lớn. Ngược lại triển vọng hồi phục của doanh nghiệp, nền kinh tế trong nước hay thế giới sẽ ngày càng rõ hơn nên cơ hội cho nhà đầu tư sẽ lớn hơn.

TS Huỳnh Thanh Điền

Thêm ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm

VietinBank và Agribank - 2 NH còn lại trong nhóm Big4 đã giảm LS tiết kiệm từ 0,2 - 0,6%/năm. Theo đó, LS huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng của 2 NH này còn 2,6%/năm, 3 - 6 tháng là 3%/năm, từ 6 - 12 tháng là 4%/năm, 12 tháng trở lên 5%/năm. Trước đó, Vietcombank và BIDV đã giảm LS huy động. Mức LS thấp nhất thuộc về Vietcombank với 2,2%/năm.

Từ đầu tháng 12 đến nay, có hơn 10 NH đã giảm LS huy động xuống dưới mức 6%/năm. Một số NH để LS trên 6%/năm ở những kỳ hạn dài như HDBank, SHB, MSB, VietBank, NCB, Kienlongbank, OCB, VietABank, NamABank, NCB, BaoVietBank, TPBank, PVComBank… So với đầu năm, hiện LS của các NH đã giảm từ 2 - 4%/năm.

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.