Cổ tích Làng bích họa Rainbow

Tường nhà nào cũng đầy màu sắc, các cánh cửa như có hồn và đường làng sống động.

Ngày 7.12.1949, Tưởng Giới Thạch và đảng Quốc Dân dời đại bản doanh ra Đài Bắc, Đài Loan, thề 2 năm sau sẽ tổng phản công giành lại đại lục rộng lớn. Huang Yong Fu và hơn 2 triệu binh lính cùng gia đình họ đều có niềm tin mãnh liệt như vậy: Đài Loan chỉ là chốn tạm.
Các trại gia binh được xây dựng sơ sài, bởi dự kiến chỉ sử dụng vài năm, cần gì làm cho kiên cố. Nhưng thời thế thay đổi, tương quan lực lượng quá chênh lệch. Giấc mơ phản công đại lục càng xa vời, gần như là ảo tưởng. Những trại gia binh tạm thời trở thành các làng định cư vĩnh viễn.
Làng nhỏ, nhà nhỏ, chất liệu kém và đặc biệt là người ở không có quyền sở hữu nên không thể xây mới. Chỉ có thể dặm vá và cải tạo. Nhiều làng xuống cấp nghiêm trọng. Dân số ngày càng già. Lớp trẻ rời làng lập nghiệp và an cư ở những khu đô thị mới.
Chỉ có người già hoài cổ bám trụ, sống với những kỷ niệm hào hùng và không thôi ước mơ. Vào thập niên 1960 - 1970, nhờ những thành tựu từ thời Nhật thuộc (1894 - 1945), được Mỹ viện trợ kinh tế và kỹ thuật mạnh mẽ, Đài Loan lập nên kỳ tích, trở thành 1 trong 4 con rồng châu Á, sau Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông.
Cổ tích Làng bích họa Rainbow 1
Kinh tế phát triển, các khu nhà mới mọc lên khắp nơi và đất ngày càng lên giá. Các trại gia binh trở nên lạc lõng, trở thành đất vàng của các dự án bất động sản. Nhiều làng bị xóa sổ theo quy luật tự nhiên và nghiệt ngã của kinh tế thị trường. Lớp trẻ dễ dàng chấp nhận nhưng các cựu chiến binh thì không dễ gì lãng quên quá khứ. Họ muốn giữ nguyên hiện trạng.
Sống ở đây thì chết cũng ở đây, dù biết rằng khó mà giữ được. Đã có những cuộc phản kháng, biểu tình, xô xát giữa chính phủ và các cựu chiến binh. Đài Loan là vùng đất thanh bình, sống chậm, hiền hòa, thân thiện. Dân Đài có phong cách người Nhật, kết hợp truyền thống người Hoa. Họ am hiểu pháp luật nên các hoạt động phản kháng cũng trong khuôn khổ luật định.
Cổ tích Làng bích họa Rainbow 2
Câu chuyện cổ tích được bắt đầu bởi cựu chiến binh Huang Yong Fu, mọi người vẫn gọi thân mật là ông Huang, còn dân làng gọi ông là “ông Nội”. Làng Caihong Juan bị giải tỏa, cư dân lần lượt rời làng. Chỉ còn lại ông Nội và mấy gia đình với vài chục ngôi nhà xập xệ không người ở. Biết khó lòng cưỡng lại việc giải tỏa theo cách thông thường, ông có cách làm riêng, hiệu quả ngoài sức tưởng tượng.
Ông gốc Hồng Kông nhưng sinh ra ở Quảng Đông và đến Đài Loan năm 25 tuổi. Người chiến binh trai trẻ năm nào giờ là ông lão 87 tuổi nhưng vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. Ông quyết cứu ngôi làng sắp bị xóa sổ bằng tranh vẽ. Là một nghệ sĩ tự học, ông bắt đầu cuộc chiến bằng cây cọ của mình. Trước hết là ở nhà mình. Từ trong nhà ra ngoài tường, tỏa dần đường hẻm rồi lan sang các nhà kế cận.
Có thể đến làng từ nhà ga hoặc bến xe lửa Đài Trung bằng xe buýt với giá tiền khoảng 60.000 đồng VN (tuyến số 26-70-99) hoặc taxi với chi phí khoảng 500.000 đồng VN. Thời điểm tham quan hợp lý là khoảng gần trưa (vì làng dậy muộn) cho đến chiều tối.
Ông vẽ bằng cả đam mê và khát vọng, cẩn trọng mà tỉ mỉ từng giờ, từng ngày suốt 2 năm. Tường nhà nào cũng đầy màu sắc, các cánh cửa như có hồn và đường làng sống động. Ông sử dụng màu sắc tươi sáng, lạc quan và vẽ ngẫu nhiên theo trí tưởng tượng. Từ thực vật, động vật, quái vật, người nổi tiếng, nhân vật hoạt hình và anh hùng văn hóa truyền thống… bằng cả trái tim già nhưng đầy nhiệt huyết thanh xuân.
Những bức tranh có tông màu xanh thể hiện sự yên ổn và vĩnh cửu làm nền chủ đạo. Ông còn trang trí cả những mẫu vật do mình sáng tạo. Việc làm bất thường (phải nói là phi thường) của ông được sự hỗ trợ của các sinh viên Đại học Ling Tung, Đài Trung. Họ đến thăm, động viên, giúp sức và post những hình ảnh độc đáo lên mạng.
Cổ tích Làng bích họa Rainbow 3
Lão họa sĩ cựu chiến binh Huang Yong Fu 87 tuổi, người đổi thay số phận làng Caihong Juan thành Rainbow nổi tiếng Ảnh: TL
Caihong Juan trở thành Rainbow - làng Cầu Vồng, điểm đến du lịch. Mọi người từ khắp nơi bắt đầu đến đây tham quan. Được gặp gỡ, làm quen, trò chuyện với lão họa sĩ là điều rất thú vị. Ông lão vẫn bận rộn vẽ tranh và sáng tác mẫu vật làm đẹp cho làng. Thay vì biểu tình, ông đã có cách phản kháng ôn hòa mà hiệu quả vì nhận được sự đồng cảm và ủng hộ từ cộng đồng.
Thị trưởng Đài Trung buộc phải nhượng bộ, làng chẳng những không bị giải tỏa mà còn trở thành điểm bảo tồn du lịch. Ông Huang không chỉ cứu làng khỏi bị xóa sổ mà còn làm tăng giá trị, tạo nên thương hiệu du lịch không đụng hàng. Mới hay, mọi thứ đều có thể, kể cả biến không thành có, nếu thật sự có tấm lòng.
Cuối tuần, khách về làng như trẩy hội. Từ nam thanh nữ tú đến người già và cả trẻ em. Ai cũng ngạc nhiên, thán phục và tha hồ sáng tác những bức ảnh để đời với ngôi làng ngập sắc màu cổ tích, kết hợp họa tiết truyền thống xứ Đài với phong cách trẻ thơ vui nhộn.
Ở bất cứ góc nào cũng chụp được những tấm ảnh siêu ảo, đẹp như mơ. Mỗi góc làng đều là một tác phẩm nghệ thuật, trở thành nền của nhiều ảnh nghệ thuật, thời trang hay bối cảnh quay các bộ phim lãng mạn, nhất là chụp ảnh cưới. Làng không bán vé nhưng khách tham quan luôn hào hiệp đóng góp bằng cách mua quà lưu niệm thủ công, uống nước hoặc bỏ tiền vào thùng ủng hộ lão họa sĩ và làng Rainbow. Đặc biệt là được “ông Nội” của làng đón tiếp và kể chuyện cổ tích về làng bích họa.
Tôi đã đến một số làng bích họa của các nước nhưng chưa có nơi nào lạ như ở Rainbow. Quá ấn tượng. Lạc trôi quên cả đường về.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.