Cổ thụ lòn bon bên núi Chooih

Mạnh Cường
Mạnh Cường
20/01/2023 09:09 GMT+7

Người thôn Bh’lô Bền (xã Sông Kôn, H.Đông Giang, Quảng Nam) luôn tự hào vì họ có cánh rừng lòn bon cổ thụ, như một biểu tượng kiên trung. Đã có hương ước được lập ra để thưởng phạt trong việc bảo vệ rừng…

Thôn Bh’lô Bền được bao bọc che chở bởi ngọn núi Chooih và con sông Ra’lang. Bất cứ đứa trẻ nào sinh ra ở đây đều hướng mắt về phía chân núi, ở đó là cả một triền ký ức.

Của để dành

Đón chúng tôi trong một buổi sáng mát lạnh sau cơn mưa núi kéo dài đêm qua, đôi mắt của già làng Alăng Đàn (82 tuổi, thôn Bh’lô Bền) ánh lên vẻ tự hào khi nhắc đến khu rừng lòn bon nằm dưới chân núi Chooih. Tuổi thơ ông cùng bạn bè nô đùa bên triền núi, rồi cả những lần chứng kiến mưa bom, bão đạn máy bay Mỹ dội xuống, nhưng rừng lòn bon vẫn tỏa bóng mát. “Rừng lòn bon cổ thụ đó không ai nhớ rõ có từ khi nào. Từ khi sinh ra, già đã thấy khu rừng này rồi. Với người dân, khu rừng đó là “của để dành” từ thế hệ này qua thế hệ khác nên ai cũng quý, không ai dám phá”, già Đàn nói.

Một cây lòn bon có tuổi đời hàng chục năm

Chuyện kể rằng, cây lòn bon đầu tiên được trồng tại vùng núi này do một phụ nữ tên Căn Bhool từ miền xuôi mang lên. Mang tên Căn Bhool nhưng bà là người Kinh, quê ở H.Đại Lộc (Quảng Nam), lấy chồng Cơ Tu ở Bh’lô Bền và sinh sống như một cư dân Cơ Tu thực thụ. Hồi đó, lòn bon được trồng chung dọc theo bờ sông Ra’lang, gần khu đất canh tác của dân làng. Sau vài năm chăm sóc, quả ngọt đầu tiên được dân làng dâng lên hội đồng già làng đặt trong mâm cúng tạ ơn thần rừng và làm món quà tặng biếu bà con lân cận. Từ đó, việc di thực, nhân giống được mở rộng ở nhiều nơi trong vùng.

Người dân xã Sông Kôn thu hái lòn bon

MẠNH CƯỜNG

Sau hàng trăm năm gìn giữ, hiện nay rừng lòn bon cổ thụ đã được phân chia theo từng tộc họ quản lý, chăm sóc. Người dân bản địa xem đây là đất thiêng, từ nhỏ đã được người lớn khuyên bảo phải biết bảo vệ rừng. Cánh rừng cứ thế lớn dần, mở rộng ra, như tấm bình phong che chắn gió mưa cho dân làng.

Chúng tôi theo chân Alăng Phú (34 tuổi) hướng về núi Chooih. Đôi chân Phú thoăn thoắt bước nhanh qua từng con dốc cao. “Tụi em quen đi như vậy rồi. Thường thì cứ 1 tháng cánh thanh niên thay nhau “đi tuần” xem có gì thay đổi không. Nếu có, lập tức báo cho già làng cũng như chính quyền biết để can thiệp. Mà cũng may, qua bao nhiêu năm rồi, chưa thấy ai có ý định phá hoại cánh rừng này cả”, Phú nói.

Những chùm lòn bon chín mọng

Đi sâu vào rừng, hàng trăm cây lòn bon lớn nhỏ dần hiện ra. Có nhiều cây tuổi đời hơn 100 năm, cao 10 - 15 m, phải 3 người ôm mới xuể.

Ngày trước, người Cơ Tu thường hái lòn bon chung, rồi mang về gươl để chia phần. Phẩm vật đó, sau này trở thành món quà tặng giá trị cho người thân, bạn bè và thông gia trong dịp thăm viếng hằng năm. Thời đó, không có chuyện mua bán như bây giờ. Lòn bon và rất nhiều loại cây trái khác của miền cao chỉ để ăn và làm quà biếu. Sau này, khi giao thông thuận lợi, thương lái tìm đến thì việc bán buôn mới “bắt nhịp”... “Dù có bán ra ngoài, người Cơ Tu vẫn dành phần để biếu người thân, bạn bè thương quý. Bởi mỗi gùi lòn bon mang biếu chứa đựng các giá trị tình cảm rất ý nghĩa trong đời sống cộng đồng của người Cơ Tu”, già Đàn chia sẻ.

Giữ rừng bằng hương ước

Không chỉ là cánh rừng thiêng của bà con miền núi, rừng lòn bon này còn là nguồn lương thực cho bộ đội trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Già Alăng Đàn nhớ lại, đồi núi Chooih là một trong những cứ địa trọng yếu đánh chặn địch hành quân đi càn. Những năm 1962 - 1963, chiến tranh khốc liệt, nhiều tháng trời bộ đội địa phương chịu cảnh đói khát, khổ cực. Lương thực không đủ cung ứng, các loại rau rừng trở thành thức ăn chính nuôi sống bộ đội và du kích địa phương. “Thời kỳ này, cây lòn bon được trồng khắp cánh rẫy, quanh sườn núi. Nhiều tháng trời, những quả lòn bon chín vàng trở thành thức ăn chính nuôi sống chúng tôi và bộ đội, nhờ vậy mới có sức cầm cự để tiếp tục chiến đấu. Rừng lòn bon còn che chở bộ đội, trở thành điểm vây ráp quân thù”, già Đàn nói.

Để bảo vệ rừng, các già làng soạn ra hương ước, người dân từ già đến trẻ cùng có trách nhiệm giữ rừng. Những người có uy tín trong làng dạy dỗ con cháu không chặt phá cây. Nếu phát hiện ai vào rừng chặt phá, đốn củi thì bị phạt tiền, phạt lúa gạo. Ai vi phạm nặng sẽ bị trục xuất khỏi làng. Người ngoài làng xâm hại rừng, nếu phát hiện sẽ bị giữ lại, phạt nặng xong mới thả về... “Hương ước được soạn ra cũng nhằm mục đích bảo vệ cây sinh kế cho con cháu về sau. Trong nội dung bản hương ước có thưởng, phạt rất rõ. Đối với những người dân thường thay nhau canh giữ, lập tổ tuần tra để rừng cây không bị phá hoại thì sẽ được tặng thêm cây giống hoặc đến mùa thu hoạch sẽ được người làng tặng 2 - 3 gùi lòn bon”, già Đàn nói.

Mùa lòn bon thường kéo dài từ tháng 8 - 10 hằng năm. Thời gian này, khắp cánh rừng già, những cây lòn bon cho ra trái chín mọng, vàng ươm. Nếu bán cho thương lái, mỗi ký có giá 25.000 - 30.000 đồng. Nhiều người dân đã di thực, nhân giống về trồng xung quanh nhà mình cũng như trên nương rẫy.

Anh Alăng Phân (38 tuổi), Trưởng thôn Bh’lô Bền, cho hay ngoài những cây lòn bon cổ mà “mẹ rừng” ban tặng, những thế hệ đi khai hoang còn trồng thêm. Vì thế, ngày nay mỗi gia đình người Cơ Tu sở hữu nhiều vườn bòn bon nằm rải rác trên núi rừng. Nhà có ít thì tầm chục cây, nhiều thì cả trăm cây. Có chỗ phải lội bộ hơn 2 - 3 cây số vào rừng để thu hoạch. “Nhà tôi có khoảng hai, ba chục cây. Cây già nhất cũng đã hơn 100 tuổi, cao hơn 15 m. Năm nào trúng mùa, vườn lòn bon của gia đình thu được 25 - 30 triệu đồng. Ngày còn bé tôi hay theo cha mẹ lên rừng hái lòn bon. Cứ đến mùa thu hoạch lòn bon lại có thêm thu nhập, bữa cơm gia đình cũng thêm phần thịnh soạn”, anh Phân chia sẻ.

Ông Avô Tô Phương, Chủ tịch UBND H.Đông Giang, cho biết rừng lòn bon chủ yếu phân bố tại một số làng thuộc các xã Sông Kôn, Jơ Ngây, Kà Dăng… Sau hàng trăm năm gìn giữ, chăm sóc và bảo tồn, cây lòn bon đã trở thành mô hình kinh tế giúp đồng bào địa phương mở rộng sinh kế, nâng cao thu nhập. Địa phương xây dựng đề án cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng cây trái lòn bon của đồng bào Cơ Tu. Từ đề án này, hơn 14 ha cây lòn bon bản địa được áp dụng biện pháp kỹ thuật cải tạo cây giống. “Cây lòn bon là cây đặc sản, cây truyền thống của địa phương. Trong tương lai, lòn bon sẽ là một trong những cây chủ lực, trở thành mô hình sinh kế mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, ông Phương nói.

Còn với đồng bào Cơ Tu, vì thương quý, vì sẻ chia, họ sẵn sàng tặng nhau những cây lòn bon cả trăm năm tuổi để kết nghĩa. Mùa thu hoạch, người ta rủ nhau cùng trèo hái, tiền công được trả bằng những gùi lòn bon mọng chín…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.