Có thể cởi mở hơn với phim truyền hình 18+?

Ngọc An
Ngọc An
12/07/2018 06:08 GMT+7

Việc dán nhãn, phân loại phim trên truyền hình được chờ đợi từ lâu, như một cách 'cởi trói' cho phim truyền hình, nhưng thực tế thì một số bộ phim được dán nhãn vẫn dấy lên tranh cãi.

Vừa qua, bộ phim Quỳnh búp bê, dài 30 tập, của đạo diễn Mai Hồng Phong khắc họa một phần bức tranh cuộc sống của những cô gái làng chơi, cùng tội ác của những kẻ buôn người, cũng là bộ phim truyền hình Việt đầu tiên được dán nhãn 18+ được phát sóng trên kênh VTV1.
[VIDEO] VTV tạm dừng phát sóng phim 'Quỳnh búp bê'
Đề tài của phim được đánh giá là đột phá, nhưng cũng làm dấy lên những ý kiến trái chiều quanh các cảnh liên quan đến tình dục và bạo lực của bộ phim. Đạo diễn Mai Hồng Phong lý giải về việc thể hiện những cảnh này trong phim: “Những yếu tố cảnh nóng, hay bạo lực trong phim có thể khiến người xem bị sốc, xót xa, nhưng thực tế còn khủng khiếp hơn. Như khi nói về tham nhũng thì cần có những con số cụ thể, còn khi phác họa về đường dây mại dâm, những tội ác ghê tởm cần loại bỏ, chúng tôi mong muốn khán giả được tiếp cận trực diện với hình ảnh đó”.
Sau 6 tập phim, Đài truyền hình VN đã quyết định tạm dừng phát sóng bộ phim. Theo thông báo từ VTV, quyết định này được đưa ra sau khi “tiếp thu ý kiến nhiều chiều của khán giả”.
Cách đây 4 năm, bộ phim truyền hình Mỹ Chuyện ấy là chuyện nhỏ (Sex and the City) ăn khách của kênh HBO lên sóng VTV2 vào khung giờ 23 giờ, dành cho đối tượng khán giả trên 18 tuổi. Khi đó, ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập - Đài truyền hình VN, cho biết: “Đối với truyền hình thế giới thì việc dán nhãn hết sức phổ biến, nhưng với VTV đây là lần đầu tiên”. So với bản gốc, bộ phim được cắt hầu hết các cảnh nóng, biên tập lại một số câu thoại nhạy cảm. Tuy nhiên, chỉ sau 2 tuần công chiếu, VTV đã dừng phát sóng bộ phim này với lý do “chưa phải thời điểm thích hợp”.
Trên thực tế, nhiều bộ phim thu hút sự theo dõi của khán giả không tránh khỏi có những yếu tố bạo lực, hay cảnh “nóng”, nhạy cảm, như năm ngoái có bộ phim Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, hay mới đây Thương nhớ ở ai… Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, những bộ phim, chương trình có yếu tố người lớn là nhu cầu thực tế của khán giả truyền hình và cần được ủng hộ. Tuy nhiên, điều cần bàn là không thể xem ti vi theo kiểu phổ thông như bây giờ, bởi không phải cảnh nào, phim nào cũng phù hợp với mọi đối tượng khán giả.
Kênh truyền hình dành riêng cho người lớn?
“Quyết định tạm dừng phát sóng Quỳnh búp bê là hợp tình hợp lý trong thời điểm này. Chúng tôi hy vọng bộ phim sẽ trở lại với khán giả trong khung giờ, cũng như kênh phát sóng hợp lý hơn”, đạo diễn Mai Hồng Phong bày tỏ. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng cho rằng cùng với việc dán nhãn các nội dung truyền hình nhằm mục đích, khuyến cáo, cảnh báo, cần có quy định về khung giờ phát sóng cho những nội dung chương trình khác nhau.
Theo đạo diễn Phan Đăng Di, từ câu chuyện của Quỳnh búp bê, các nhà đài “có thể cân nhắc về hình thức phát sóng thích hợp trước khi sản xuất một bộ phim”. Việc phát sóng những bộ phim dán nhãn 18+ với công cụ kiểm soát, có thể làm được khi phát sóng trên hình thức như VOD (hệ thống cho phép người dùng lựa chọn và xem), hay truyền hình trả tiền (người có nhu cầu sẽ trả tiền để xem), và tất nhiên cùng với đó có lời cảnh báo phim dành cho khán giả trên 18 tuổi… “Thực tế, các đài truyền hình như VTV cũng sẽ đến lúc cần sản xuất những bộ phim truyền hình chiếu theo hình thức khán giả phải trả tiền để xem, như Netflix (dịch vụ xem chương trình, phim truyện qua internet) chẳng hạn”, Phan Đăng Di nói.
Hiện nay, người dùng Netflix có thể kiểm soát những nội dung không phù hợp với khán giả nhỏ tuổi bằng những thao tác đơn giản bằng tay hay tự động. Chỉ cần đặt mã pin, hay cài chế độ tự động, Netflix sẽ lọc bỏ những kênh theo phân loại mà người dùng không cho phép. Bên cạnh đó, trên thực tế, nhiều hãng ti vi thông dụng hiện nay đều có chức năng khóa kênh.
Đạo diễn Mai Hồng Phong chia sẻ, ở nhiều nước, khán giả có những lựa chọn khác nhau khi có những kênh hoặc khung giờ dành riêng cho khán giả người lớn. “Những bộ phim phản ánh một cách trực diện, những vấn đề nóng của xã hội cũng nên có những kênh, khung giờ dành riêng cho đối tượng khán giả hướng đến”, đạo diễn mong mỏi.
Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Mỹ từ lâu đã áp dụng việc dán nhãn phim, chương trình trên truyền hình để cảnh báo, khuyến cáo với khán giả, các bậc phụ huynh. Hệ thống phân loại nội dung truyền hình (TV parental guidelines) của Mỹ chia thành các loại như TV-Y (phù hợp cho tất cả trẻ em), TV-Y7 (cho trẻ trên 7 tuổi), TV-G (phù hợp với mọi lứa tuổi), TV-14 (dành cho trẻ trên 14 tuổi), TV-MA (dành cho khán giả người lớn và thiếu niên)… Cùng với hệ thống phân loại này, từ những năm 2000, thiết bị V-chip được lắp đặt trong hệ thống ti vi ở Mỹ (ngoài ra còn có Canada, Brazil) cho phép bố mẹ, hay người lớn có thể khóa những chương trình không phù hợp với con cái, trẻ em. Còn ở Đức, nhiều kênh truyền hình đưa quy định phát sóng các chương trình gắn nhãn FSK 12 (dành cho lứa tuổi trên 12) vào 20 giờ, FSK 16 (dành cho lứa tuổi trên 16) vào 22 giờ, và từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau dành cho các chương trình FSK 18 (dành cho lứa tuổi trên 18).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.