Có tài khoản định danh điện tử có thể ngồi nhà thực hiện thủ tục hành chính

25/02/2022 06:05 GMT+7

Theo dự kiến, cuối tháng 2 đầu tháng 3 tới, Bộ Công an sẽ cấp tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) cho công dân. Đây được coi bước ngoặt để mỗi người dân trở thành “công dân số”, thụ hưởng nhiều tiện ích trên môi trường mạng.

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), việc cấp tài khoản ĐDĐT là cụ thể hóa các chủ trương của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, cải cách thủ tục hành chính nhằm phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 và tầm nhìn 2030.

Trước mắt, việc cấp tài khoản ĐDĐT chỉ thực hiện đối với công dân khi đến công an quận, huyện, TP làm thủ tục cấp mới, cấp đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip điện tử.

Tài khoản ĐDĐT là tập hợp gồm: tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác về thông tin cá nhân, được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia do Bộ Công an phát triển, trước mắt là ứng dụng VNEID.

Các quy định pháp lý về ĐDĐT và xác thực điện tử cũng được nêu tại Quyết định số 34/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), cơ sở dữ liệu (CSDL) căn cước công dân và CSDL quốc gia về xuất nhập cảnh.

Theo thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc C06, hiện nay mỗi công dân VN đều có mã số định danh cá nhân (12 số trên thẻ CCCD hoặc mã số của trẻ dưới 14 tuổi). Đây được coi là danh tính số của công dân nhưng mới thể hiện ở trên môi trường vật lý, tức công dân vẫn cần phải sử dụng thẻ CCCD để thao tác thực hiện các giao dịch hành chính, ngân hàng, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, với tài khoản ĐDĐT, tức là danh tính số đã được xác thực bởi cơ quan công an thì toàn bộ giao dịch của người dân có thể thực hiện qua internet.

“Hiện chúng ta có khoảng 6.800 loại thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công, khi công dân đã có tài khoản ĐDĐT thì hoàn toàn có thể ngồi nhà để thực hiện các giao dịch mà không phải đi lại để khai báo xác nhận thêm các loại giấy tờ, thủ tục khác”, thượng tá Vũ Văn Tấn cho hay.

Ngoài ra, công dân có thể sử dụng tài khoản ĐDĐT để thay thế cho thẻ CCCD và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN, ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được triển khai, BHXH VN là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn để thực hiện kết nối, chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.