Cơ sở pháp lý cho khả năng Việt Nam khởi kiện

Văn Khoa
Văn Khoa
24/07/2019 09:00 GMT+7

"Tòa trọng tài về luật biển đương nhiên sẽ không trả lời những vấn đề không có tính pháp lý, phục vụ ý đồ này kia..., nhưng sẽ khẳng định đường cơ sở 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý"

Trả lời Thanh Niên ngày 23.7 về khả năng VN có thể nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 ngang nhiên hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính và những hành động phi pháp khác của nước này ở Biển Đông, tiến sĩ luật Trần Thăng Long (Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng: “Trong bối cảnh leo thang phức tạp như hiện nay, giải pháp khởi kiện nhằm áp dụng luật biển quốc tế cần được xem xét đến”.
Cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước khác, Tiến sĩ Long nhận định Việt Nam có khả năng giành chiến thắng dựa trên 3 cơ sở: Thứ nhất, Việt Nam thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển 1982 và có các quyền chủ quyền, quyền tài phán ở đó. Thứ hai, Trung Quốc không có cơ sở để áp dụng yêu sách đường lưỡi bò nên không thể “kéo” bãi Tư Chính vào cái gọi là “vùng biển của Trung Quốc”. Thứ ba, Trung Quốc cũng không thể áp dụng luật biển đối với các thực thể đang chiếm đóng trái phép hay đòi hỏi yêu sách để từ đó phát sinh đòi hỏi về bãi Tư Chính.
“Tòa trọng tài về luật biển (giống như Tòa trọng tài vụ Philippines - Trung Quốc), cũng như mọi thiết chế tài phán khác, đương nhiên sẽ không trả lời những vấn đề không có tính pháp lý, kiểu như phục vụ ý đồ này kia..., nhưng sẽ khẳng định đường cơ sở 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý (ta gọi là bác yêu sách đường cơ sở). Từ đó, đối chiếu với trường hợp bãi Tư Chính thì suy ra hành vi của Trung Quốc là vi phạm luật biển quốc tế”, theo tiến sĩ Long.
“Cần căn cứ vào các quy tắc của luật biển quốc tế về đường cơ sở và án lệ của Tòa trọng tài thường trực để xác định rõ yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc (được dùng là cơ sở cho hành vi gây hấn tại bãi Tư Chính) là phi pháp, không có cơ sở, và vì thế không thể có bất cứ hiện diện nào về quân sự/bán quân sự hay các hành vi khảo sát, thăm dò tại đây”, ông Long khẳng định và nhấn mạnh thêm: “Điều quan trọng phải vạch trần sự nguy hiểm của hành vi này đối với Việt Nam và công lý quốc tế, đặt trong bối cảnh tuân thủ pháp luật quốc tế”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.