Có 'rút kinh nghiệm sâu sắc' từ chuyện sáp nhập Tây Trà vào Trà Bồng không?

12/03/2024 10:33 GMT+7

Khi 'rút được kinh nghiệm' thì quyết định ấy đã được địa phương thực hiện rồi, thậm chí thực hiện "tốt ngang chỉ đạo". Như chuyện sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Một số cơ quan chức năng vẫn thường có câu nói cửa miệng khi quyết định những chuyện gì mà sau đó xã hội thấy những chuyện ấy không ổn: "Vâng, sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc!".

Khi "rút được kinh nghiệm" thì quyết định ấy đã được địa phương thực hiện rồi, thậm chí thực hiện "tốt ngang chỉ đạo". Như chuyện sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Có 'rút kinh nghiệm sâu sắc' từ chuyện sáp nhập Tây Trà vào Trà Bồng không?- Ảnh 1.

Trung tâm huyện Tây Trà cũ

HẢI PHONG

Ai cũng biết vì sao trước đây phải tách Trà Bồng thành 2 huyện: Tây Trà và Trà Bồng. Đơn giản chỉ vì 2 vấn đề.

Một, với địa hình miền núi phức tạp như Tây Trà, nếu để trong huyện Trà Bồng thì rất khó quản lý, không chỉ là chuyện dân sinh dân trí, mà còn là chuyện an ninh, quốc phòng. Tách ra là đúng. Để Tây Trà, cùng với Trà Bồng đều là địa bàn sinh sống của dân tộc Cor, có điều kiện phát triển, trong khi Tây Trà khó khăn hơn rất nhiều, những xã nghèo khó cũng nhiều hơn, mà cơ hội phát triển lại ít hơn do gặp phải những điều kiện không dễ khắc phục, trong đó có điều kiện địa lý.

Hai, là tách ra để huyện Tây Trà được ngân sách cấp huyện, người dân Tây Trà thuận lợi khi được hưởng về y tế và giáo dục tốt hơn khi họ chỉ ở cấp xã. Sau một số năm tách huyện, Tây Trà tuy vẫn còn khó khăn nhưng đã có bệnh viện huyện, đã có trường nội trú dân tộc, việc xin giấy tờ ở cấp huyện của người dân cũng khỏe nhẹ hơn rất nhiều.

Rồi đùng một cái…

Nhập huyện.

Bao nhiêu cơ sở vật chất cấp huyện được xây dựng nên, thế là bỏ hoang bỏ phí. Tốn của nhà nước hàng trăm tỉ đồng. Bệnh viện cấp huyện ở Tây Trà trước đây thành trung tâm y tế, lực lượng y bác sĩ "chạy" về Trà Bồng khá nhiều.

Sự thay đổi ít nhiều về chất lượng phục vụ y tế cho người dân khiến Tây Trà (cấp xã) không thể so sánh với Tây Trà (cấp huyện) trước đây. Người dân vùng núi cao khó khăn hơn rất nhiều khi đau ốm phải đi về bệnh viện huyện Trà Bồng. Cũng vất vả hơn khi cần xin hay cần được ký các giấy tờ ở cấp huyện.

Bây giờ nhìn lại, thì Trà Bồng và Tây Trà đều là 2 địa bàn mà dân tộc Cor chiếm tuyệt đại đa số (trên 90%). Dân tộc Cor vốn có tinh thần tự lập cao, nhưng nếu được hỗ trợ cho Tây Trà ở cấp huyện, thì sự tự lập ấy rõ ràng được phát triển tốt hơn chứ.

Trẻ em người Cor ham học và thông minh, nếu có đủ trường nội trú dân tộc thì các em sẽ có nhiều điều kiện hơn để học tập và vượt qua ngưỡng trung học phổ thông chẳng mấy khó khăn. Cơ hội làm việc, tương lai của các em, cũng là tương lai của dân tộc Cor sẽ sáng hơn biết mấy.

Nói như thế để thấy, với Tây Trà, nơi cách đây đúng 65 năm đã khởi phát cuộc khởi nghĩa Trà Bồng oanh liệt (năm 1959), thì lẽ ra, người dân yêu nước ở địa bàn Tây Trà phải được ưu ái hơn mới phải. Họ xứng đáng được như vậy mà.

Bây giờ, thực hiện việc tách, nhập cấp huyện cấp xã, rất cần lấy chuyện sáp nhập Tây Trà vào Trà Bồng (Quảng Ngãi) làm một kinh nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.