Cơ quan thuế truy tiền trong tài khoản doanh nghiệp: Thu thuế phải công bằng

13/09/2016 08:02 GMT+7

Đó là ý kiến nhiều bạn đọc sau khi đọc bài Cơ quan thuế truy tiền trong tài khoản doanh nghiệp đăng trên Thanh Niên ngày 12.9.

Không nên cứng nhắc
Thuế là nghĩa vụ, cũng là quyền lợi của mọi công dân. Tuy nhiên, thu thuế như thế nào và hành xử với doanh nghiệp (DN) nợ thuế ra sao để đôi bên cùng hài lòng, vừa đạt được mục tiêu không thất thoát thuế. Nợ có 11.000 đồng mà cưỡng chế, bêu tên là việc làm quá đáng của ngành thuế, hoặc do có thành kiến với DN. Không nên cứng nhắc đến mức như vậy!
Nguyễn Thanh
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Tại sao xóa nợ thuế ?
Lập luận của ông Chung Thành Tiến trong bài viết rất có cơ sở. Tại sao phải xóa nợ thuế lên đến 8.000 tỉ đồng? Trong khi các DN nếu giải thể thì buộc phải làm thủ tục giải thể, trong đó phải thực hiện xong nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Làm vậy chẳng khác nào khuyến khích một số DN làm ăn ẩu tả, nợ thuế rồi xin giải thể để được xóa nợ thuế. Theo tôi, có 2 vấn đề đặt ra: Cách thu thuế như thế nào để cho người nộp thuế cũng vui lòng, thứ hai là không để thất thoát nợ thuế bằng cách xóa nợ, vì sẽ tạo nên tiền lệ xấu cho các DN nợ thuế.
Phan Vinh
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
Đừng xúc phạm doanh nghiệp!
Việc truy thu thuế bằng cách “móc” tiền từ tài khoản của DN, hay “chạy đua” siết nợ thuế chỉ nên áp dụng với một số DN chây ì nợ thuế, chứ không nên làm đại trà. Cần phải xem xét lịch sử nộp thuế của các DN, phân loại và áp dụng cưỡng chế khi cần thiết, nếu không thì sẽ tạo nên tâm lý bị xúc phạm đối với các DN. Hành xử khi thu thuế cũng phải thể hiện văn hóa. Siết nợ thuế là cần thiết, nhưng không có nghĩa là dùng biện pháp truy ép đối với tất cả các DN.
Hoàng Văn
(Q.7, TP.HCM)
Lòng tin của DN rất quan trọng!
Cách mà ngành thuế áp dụng đối với một số DN nói chung và DN Đồng Hưng cho thấy quan niệm về thu thuế vẫn còn khá ấu trĩ. Thời buổi công nghệ thông tin, số liệu thuế rất rõ ràng, được cập nhật thường xuyên và có thể tự động nhắc thuế qua mạng. Hà cớ gì mà nợ thuế 11.000 đồng, mua chưa được ổ bánh mì mà lại căn ke với DN đến thế. Trong khi có DN nợ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng thì lại được ưu ái. Ngành thuế cần phải công bằng, thể hiện thái độ bình đẳng đối với DN. Vì lòng tin của DN vào ngành thuế rất quan trọng. Để DN đánh mất lòng tin thì rất khó khiến họ tự nguyện nộp thuế một cách vui vẻ.
Trần Văn Minh
(Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Nguyễn Hải Châu
Hiện cơ quan thuế chỉ chăm chăm nắm, truy thu thuế của DN… “có tóc”, ai thu được thì cơ quan thuế cứ thu, còn chưa thu được thì… để đó. Điều này đôi khi gây nên sự bất công trong việc thu thuế và truy thu nợ thuế. DN chậm, chây ì nộp thuế thì phát triển do có nguồn vốn dồi dào từ chính việc chây ì nộp thuế, còn DN thực hiện đủ, đúng nghĩa vụ thì khó lòng vực dậy vì thiếu vốn.
Nguyễn Hải Châu 
(Q.7, TP.HCM)
Nguyễn Văn Tâm
Biện pháp này cũng chỉ nhắm đến các DN làm ăn đàng hoàng, chân chính. Với những DN cố tình chây ì nộp thuế thì họ sẽ có cách đối phó như để số dư trên tài khoản không đủ để thanh toán nghĩa vụ thuế hoặc có khi tài khoản DN chẳng còn đồng nào. Phải có một biện pháp hoàn hảo để buộc những DN không chịu nộp thuế, lách, trốn thuế phải nộp thuế và nộp đúng thời hạn. Còn đối với DN đàng hoàng thì cần phải có sự linh hoạt, đôi khi cũng phải thông cảm cho gia hạn nợ thuế trong một thời gian nhất định, nếu thấy họ cần vốn để phát triển.
Nguyễn Văn Tâm 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang 
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.