Cổ phục Việt rộn ràng đón xuân

Nguyên Vân
Nguyên Vân
31/01/2021 06:35 GMT+7

Được truyền cảm hứng từ những sản phẩm văn hóa - giải trí mang màu sắc lịch sử thời gian gần đây, xu hướng may - thuê áo dài dựa theo hoặc cách tân từ cổ phục Việt đang được ưa chuộng trong dịp tết này.

Gõ từ khóa “cổ phục Việt”, sẽ cho ra rất nhiều kết quả về các trang, đơn vị lẫn cá nhân thiết kế/may/cho thuê trang phục được phục dựng hoặc lấy cảm hứng từ cổ phục Việt Nam. Cùng với Ỷ Vân Hiên (công ty nghiên cứu, phục dựng, cung cấp trang phục truyền thống/sản phẩm văn hóa truyền thống...) - gần như là đơn vị độc quyền trong những năm trước, sẽ thấy nhiều cái tên, thương hiệu khác: Hoa Niên, Great Vietnam, V’style-Việt cổ phục cách tân, Dynasty Fashion, Thủy Trung Nguyệt, Cổ trang Đại Việt quán, Đông Phong...

Nhộn nhịp mặc, sôi nổi thuê/may

Thời gian gần đây, hình ảnh các nghệ sĩ, những nam thanh nữ tú hay đôi tân lang, tân nương lẫn sinh viên khoác cổ phục (áo ngũ thân, nhật bình, giao lĩnh...) trong các sự kiện ý nghĩa hoặc dịp vui chơi, du lịch... xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Có thể thấy hình ảnh vừa được “khoe” trên trang cá nhân của nghệ sĩ Huỳnh Lập trong cổ phục Việt đón tết, ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân và nhà thiết kế Denis Đặng mặc trang phục lấy cảm hứng từ cổ phục triều Nguyễn khi biểu diễn trong sự kiện âm nhạc V-Heartbeat, nhóm Đuốc Mồi khi nhận giải thưởng WeChoice cho dự án Việt sử kiêu hùng cũng khoác lên mình cổ phục Việt và chia sẻ sau đó rằng “chúng mình - những người trẻ Việt tự hào giới thiệu với tất cả mọi người về trang phục truyền thống của cha ông. Và không ai khác, chính người trẻ là những người đang nắm giữ và khai mở dòng chảy văn hóa của đất nước trong thời đại mới...”.
Áo ngũ thân cho nữ Ảnh: Ỷ Vân Hiên cung cấp

Áo ngũ thân cho nữ

Ảnh: Ỷ Vân Hiên cung cấp

Không chỉ vậy, lướt qua các trang chuyên thiết kế, may và cho thuê cổ phục, càng thấy không khí “đặt hàng” cho ngày tết rộn ràng hơn bao giờ hết. Những ai theo dõi trang Hoa Niên (cung cấp dịch vụ may mặc, cho thuê các thiết kế lấy cảm hứng Việt Nam và các sản phẩm văn hóa) sẽ cảm nhận được không khí này, từ những bộ trang phục tết cho khách thuê lẫn được đặt hàng liên tục đến các hoạt động hướng tới ngày tết mà thương hiệu may mặc này tham gia.
Trong đó, những mặt hàng được ưa chuộng tại đây, theo Ngô Lê Duy - đồng sáng lập Hoa Niên, có thể kể đến: áo ngũ thân (loại áo đặc trưng thời Nguyễn, thường được mặc trong những dịp trang trọng), áo nhật bình (thường phục của hoàng hậu, công chúa trong cung đình nhà Nguyễn). Còn V’style - Việt cổ phục cách tân có hẳn bộ sưu tập cho Tết 2021, với áo ngũ thân cách tân cho nữ/nam, áo khoác lấy cảm hứng từ nhật bình... Trong khi đó, Thủy Trung Nguyệt thông báo chính thức đóng đơn tết từ 20.1 kèm nhắn nhủ “mát lòng”: “Các bạn chưa kịp đặt đơn tết ráng đợi qua tết nhận nha, chúng ta có hẳn 365 ngày để yêu Việt phục kia mà!”.

Sẽ nở rộ, phát triển hơn nữa

Theo anh Tôn Thất Minh Khôi (sáng lập trang Thiên Nam lịch đại hậu phi): “Là người đồng hành cùng phong trào cổ phong, tôi thấy có sự thay đổi lớn trong phong cách ăn mặc với việc chọn trang phục truyền thống tết năm nay. Nhiều dạng áo dài ngũ thân, nhật bình... xuất hiện, chiếm tỷ trọng lớn giữa thị trường áo dài cách tân”. Minh Khôi cho rằng đây là xu hướng tốt và “rất mong nó sẽ thành phong trào lớn mạnh để từ nay về sau những dạng thức trang phục truyền thống được sử dụng nhiều hơn, không chỉ là tết, lễ”.
Ở góc nhìn khác, anh Nguyễn Đức Lộc (sáng lập Ỷ Vân Hiên) nhìn nhận: “Xu hướng may mặc cổ phục Việt phát triển mạnh trong 1, 2 năm gần đây, nhất là gần tết thì càng nở rộ trend trang phục cổ truyền. Đó là điều tất yếu. Vì không phải tự nhiên mà phong trào này sôi nổi, lan tỏa ra cả xã hội trong nhiều lĩnh vực”. Theo anh, “đó là mắt xích, liên kết và ảnh hưởng cách đây hơn chục năm, từ những công trình nghiên cứu của GS-TS Đoàn Thị Tình (nghiên cứu về phục trang người Việt), nhà nghiên cứu Trịnh Bách (phục dựng trang phục cung đình), nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ (nghiên cứu trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam)... Rồi năm 2010 - kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, nhiều phim cổ trang về các triều đại ra đời tạo thành làn sóng gây tranh cãi - đặc biệt về trang phục, luồng dư luận ấy thôi thúc nhiều học giả tìm hiểu về trang phục cổ, trong đó có anh Trần Quang Đức (sau đó đã ra mắt sách Ngàn năm áo mũ). Đến năm 2014, 2015, những hội nhóm đầu tiên về cổ phục, văn hóa truyền thống Việt Nam ra đời: Đại Việt cổ phong, Đình làng Việt..., sau đó là Ỷ Vân Hiên, Vietnam Centre...”.
Áo ngũ thân Ảnh: Ỷ Vân Hiên cung cấp

Áo ngũ thân

Ảnh: Ỷ Vân Hiên cung cấp

Anh Nguyễn Đức Lộc cho rằng nắm bắt xu hướng, bên cạnh các đơn vị cổ phục, những nhà may tân thời cũng bắt đầu quay trở lại may trang phục truyền thống, cổ phục..., đó thật sự là thị trường đang được khai phá. “Bây giờ mới là bước sơ khởi và tôi nghĩ phong trào này sẽ còn phát triển mạnh trong nhiều năm tới. Nhiều học giả thường nói vui rằng 10 năm qua (2010 - 2020) là thập niên đáng nhớ của cổ phục VN mà có thể nhiều chục năm sau nhìn lại sẽ thấy đó là giai đoạn phục hưng về cổ phục. Đó là công sức của nhiều thế hệ, giới cổ phục chúng tôi luôn tự hào về điều đó”, anh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.