Có phải một số người trẻ đang dần quên... lời cảm ơn?

17/06/2023 10:27 GMT+7

Lời cảm ơn như một phép lịch sự khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Ấy vậy mà thực tế có một bộ phận người trẻ dường như quên lời cảm ơn.

Có phải người trẻ đang dần quên... lời cảm ơn? - Ảnh 1.

Trong cuộc sống, có nhiều người trẻ quên nói lời cảm ơn

SHUTTERSTOCK

Lời cảm ơn đâu rồi?

Chị Lê Thị Hoài Xuân (30 tuổi), phụ trách tuyển dụng của một công ty về du lịch trên đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, cho rằng cuộc sống hiện nay đang dần vắng đi những lời cảm ơn. Mà trong đó, có không ít những người trẻ, quên mất lời cảm ơn khi được người khác giúp đỡ.

Chị Xuân minh chứng bằng việc kể chuyện hai đồng nghiệp còn khá trẻ ở công ty. "Họ xin tôi số liên lạc của các đối tác trong ngành. Tôi sẵn sàng đưa và thậm chí hướng dẫn cặn kẽ cách xưng hô, cách chào hỏi để đối tác cảm thấy hài lòng. Ấy vậy mà sau khi chia sẻ, họ chẳng đoái hoài cảm ơn. Họ bấm số điện thoại và lưu lại rồi... bỏ đi. Tôi tự hỏi, lời cảm ơn đâu rồi?".

Cũng theo chị Xuân: "Tôi giúp đỡ người khác nhưng người khác lại xem việc tôi giúp đỡ giống như là nghĩa vụ mà tôi phải làm. Cảm thấy rất thất vọng".

Câu chuyện chị Xuân kể không hề cá biệt. Chuyện những người trẻ quên nói lời cảm ơn khá phổ biến hiện nay. Dù họ được người khác chỉ dẫn trong công việc, giúp đỡ tạo những mối quan hệ, hỗ trợ về nhiều mặt trong cuộc sống... Nhưng rồi, một lời cảm ơn cũng chẳng xuất hiện.

Trần Anh Tín (31 tuổi), nhân viên làm việc tại Công ty công nghệ thông tin tin học Việt, Q.6 (TP.HCM) cũng nhận định: "Lời cảm ơn đã và đang dần ít đi".

Tín lấy ví dụ: "Chẳng hạn, khi đến công ty làm việc, có người không thể sắp xếp xe ngay ngắn vào bãi gửi xe. Khi đó, bảo vệ chạy lại giúp. Nhưng một số người lại mặc định rằng đó là việc phải làm của bảo vệ, họ chớ hề nói lời cảm ơn. Hay chỗ ngồi của nhân viên được lau sạch cũng nhờ nhân viên vệ sinh. Nhưng sau khi nhờ lau cái bàn, chỉnh trang cái ghế, một số người vẫn tiết kiệm lời cảm ơn".

Nguyễn Minh Trí (26 tuổi), nhân viên Công ty ZitaHima, TP.Thủ Đức, TP.HCM nói: "Việc thiếu lời cảm ơn hiện diện khắp mọi nơi, ở nhiều không gian khác nhau. Như ở trong lớp đang học thạc sĩ, khi được bạn học chia sẻ tài liệu, nhiều người nhận và... im re mà quên mất người khác vừa giúp đỡ họ. Nơi làm việc cũng có những nhân viên trẻ hình như chẳng bao giờ nói lời cảm ơn dù hàng ngày họ được các đồng nghiệp giúp đỡ rất nhiều. Ở quán xá cũng vậy, nhiều khi được nhân viên cho thêm ly trà đá cũng nên cần có phép lịch sự là nói lời cảm ơn họ. Vậy mà thật tiếc khi những lời cảm ơn đáng lẽ cần được nói ra lại không xuất hiện".

Vũ Thị Ánh (28 tuổi), đang là giảng viên một trường đại học tại Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết mới đây đã hướng dẫn thực tập cho một nhóm 12 sinh viên. Nhưng chỉ có một nửa trong số đó biết cảm ơn người hướng dẫn sau khi thực tập xong. "Thật sự đáng buồn cho hiện tượng những người trẻ, còn là sinh viên, lại không biết nói lời cảm ơn với người giúp đỡ mình", nữ giảng viên này nói.

Có phải người trẻ đang dần quên... lời cảm ơn? - Ảnh 2.

Được người bảo vệ giúp lấy xe, đừng xem đó là trách nhiệm của họ phải làm, thay vào đó hãy nói lời cảm ơn

PHONG LINH

Vì đâu nên nỗi?

H.P.B., sinh viên Khoa Kế toán - tài chính, Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM, thú thật bản thân cũng đã từng một vài lần quên nói lời cảm ơn khi được người khác giúp. Như khi được bạn cùng lúc cho mượn máy tính, chia sẻ internet. Hay như khi được tặng quà sinh nhật, vội mở quà mà vô tình quên cảm ơn người tặng.

Hay L.T.Q.Tr., sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cũng chia sẻ rằng có đôi khi quên cảm ơn bạn cùng phòng chia sẻ món quà quê, hoặc được chủ nhà trọ giảm bớt tiền phòng...

Chuyên gia kỹ năng sống Đỗ Thu Sương (Trung tâm tư vấn tâm lý Việt Tâm, TP.HCM) cho biết thực tế cuộc sống dần vắng bóng lời cảm ơn đã và đang hiển hiện. 

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Có thể vì họ (những người không nói lời cảm ơn - PV) thiếu đi kỹ năng sống, họ thường không nói lời cảm ơn từ trước đến nay và dần dần trở thành thói quen. Cũng có người cho rằng việc nói lời cảm ơn với người thân thiết, bạn bè thân thiết là khá sến súa. Điều này cũng dẫn đến họ khá vô tư trong các mối quan hệ, và khi được giúp đỡ, họ chẳng bận tâm đến việc cảm ơn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân vì nhiều người mặc định rằng đương nhiên người khác phải làm điều đó cho họ, nghĩa là bảo vệ phải dắt xe cho họ, nhân viên quán nước phải phục vụ cho họ... nên họ nghĩ không nhất thiết phải cảm ơn...", chị Sương phân tích.

Chị Sương cho rằng: "Đừng nghĩ cảm ơn là khách sáo hay sến sẩm. Cần coi trọng lời cảm ơn trong cuộc sống. Biết nói lời cảm ơn đồng nghĩa với việc biết trân trọng sự giúp đỡ của người khác cũng như là thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp. Lời cảm ơn không hề khó nói, vậy thì đừng quên nói lời cảm ơn. Và hãy nhớ, cần thể hiện sự chân thành với những lời cảm ơn chứ không phải cảm ơn kiểu bâng quơ, cho có". 

Chị Sương cũng khuyên rằng các phụ huynh có con nhỏ, nên dạy con biết nói lời cảm ơn, để dần dần theo thời gian sẽ hình thành nên thói quen tốt.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.