Có những chuyến đi đong đầy nỗi nhớ!

28/08/2022 09:00 GMT+7

1. Năm 1989, tôi đi theo đoàn công tác xã hội của các trường đại học về Tiền Giang. Cùng tham gia với đoàn còn có các thầy cô và các em học sinh Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường mà thời sinh viên tôi hay đến để sinh hoạt với các em vào mỗi cuối tháng.

Lần đầu tiên đi miền Tây, trong lòng nôn nao lắm. Xe ra khỏi thành phố chạy bon bon trên quốc lộ 1, qua địa phận tỉnh Long An, trước mắt tôi là một màu xanh bạt ngàn của lúa, chân trời như rộng hơn, xa tít tắp.

Mỹ Tho đón tôi vào một buổi sáng nắng đẹp. Thành phố nhỏ xinh và thật bình yên, đường phố có hai hàng cây dầu cao xanh mát. Điều làm tôi thích nhất là phố có nhiều căn nhà được xây theo lối kiến trúc xưa, trước nhà có sân gạch tàu, nhà nào cũng trồng nhiều hoa kiểng thiệt đẹp.

Nơi đầu tiên đoàn đến thăm là Bảo tàng tỉnh, nơi đây trưng bày rất nhiều tư liệu của vùng đất Tiền Giang qua các thời kỳ. Sau đó, chúng tôi đến giao lưu với các bạn đoàn viên ở Thành đoàn thành phố Mỹ Tho, được các bạn dẫn đi thăm một số điểm di tích lịch sử, điểm du lịch của tỉnh.

Tôi nhớ nhất là khi về huyện Châu Thành, đi ghe len lỏi qua những vườn cây trĩu trái, nhiều nhất là bưởi, sơ ri, chôm chôm. Trưa, chúng tôi còn được đãi một bữa cơm thật ngon với những món ăn miệt vườn. Tôi ấn tượng nhất là món gỏi bưởi, nghe quen mà lạ!

Bắt cá trên đầm súng

Bưởi ngoài vườn được các chị hái vô, tách ra từng múi rồi lẩy ra thành những tép bưởi nho nhỏ, sau đó đem trộn với tôm, thịt ba chỉ luộc, rau răm, đậu phộng rang. Vị chua ngọt tự nhiên của bưởi hòa quyện với chút nước mắm ngon làm món ăn càng thêm đậm đà.

Chiều cùng ngày, chúng tôi về thăm Gò Công - nơi đặt lăng mộ và đền thờ người anh hùng Trương Công Định. Tôi đi dọc công viên bên bờ sông Tiền, đoạn sông mà ngày xưa vua Quang Trung đã ghi vào lịch sử với trận Rạch Gầm - Xoài Mút vang danh. Gió từ ngoài sông thổi vào lồng lộng, nước sông dập dềnh tràn bờ mỗi khi có tàu lớn chạy qua. Bọn tôi mỗi người chọn cho mình một góc riêng, nhìn sông mà nhớ, mà thấy như lịch sử hiện rõ trước mắt mình. Trong miên man suy nghĩ, tôi bỗng nhớ câu hát “Dưới nắng hồng, tôi đi giữa Gò Công…”. Vâng, buổi chiều ấy đã lưu mãi trong ký ức của tôi dù đã hơn 30 năm.

2. Về Cần Thơ bây giờ không còn cái cảnh “qua sông phải lụy đò” như xưa nữa. Cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền và cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu đã rút ngắn khoảng cách thời gian cho du khách mọi miền đất nước muốn về thăm đất Tây Đô xinh đẹp.

Còn nhớ năm 1992, cầm trên tay cái thiệp mời đám cưới của cô bạn thời đại học, tôi một mình đi về Cần Thơ. Lên xe ở bến xe Miền Tây từ lúc 6 giờ sáng mà tới tận 7 giờ tối mới tới bến xe Cần Thơ. Thật là một chuyến đi nhớ đời bởi thời gian chờ đợi để được qua hai cái phà mất hết 7 tiếng. Xuống bến xe vừa mệt, vừa lạ, tôi hỏi thăm đường về nhà bạn mình. May sao, có một bác chạy xe lôi tới hỏi rồi nhìn vào địa chỉ tôi đưa, bác đã chở tôi về tận ngõ nhà bạn. Dường như vẫn chưa yên tâm, bác còn đứng đợi đến khi tôi quay ra xác định đúng đây là nhà của bạn rồi bác mới nhận tiền và rời đi. Lúc ấy tôi quá xúc động và cảm ơn bác thật nhiều. Vẫn cái giọng miền Tây đặc sệt, bác nói “Có gì đâu con ơi” rồi cười giòn tan như một người đã quen biết tôi từ lâu.

Nụ cười người phụ nữ miệt vườn

Duy Tân

3. Lần về quê một người bạn đồng nghiệp ở Bến Tre vào năm 1996 là nhớ nhất. Thời đó về Bến Tre còn phải qua phà Rạch Miễu, nhưng lần này tôi không phải chờ phà quá lâu như lần đi Cần Thơ vì chỉ qua có một phà nên lượng xe lưu thông cũng ít. Nhà bạn ở huyện Giồng Trôm nên từ thị xã chạy vào cũng còn khá xa. Tôi nhớ xe chỉ chạy tới đầu một con rạch nhỏ rồi dừng lại, gửi xe ở nhà người quen, ngồi chờ khoảng 30 phút, đợi giờ nước lên, nhà bạn ấy mới đem ghe nhỏ ra rước vô.

Lần đầu ngồi trên cái ghe nhỏ xíu sợ lắm, nước ngoài sông theo thủy triều lên nó chảy vào cái rạch ào ào. Ghe phải đi qua mấy cái vườn dừa mới tới ngõ nhà bạn. Từ ghe bước qua sân nhà bạn tôi bị chới với suýt lọt xuống rạch. May mà một người bạn giữ lại kịp. Rạch không sâu nhưng cũng làm tôi hoảng sợ!

Cái câu “nước lớn nước ròng” một khi đã trải nghiệm qua rồi mới hiểu. Đang nằm nghỉ trưa dưới bóng dừa mát rượi bỗng nghe các bà, các chị nói với nhau ngoài vườn dừa “nước ròng rồi, lo về đi nhen”. Như cái lò xo, cả đám bật dậy, tay xách nách mang cùng những lời chào tạm biệt nửa trên bờ, nửa dưới nước. Đúng là phải chạy theo con nước nếu không muốn ở lại Bến Tre. Vậy mà cũng không kịp, nước trong rạch cứ chảy ra sông nhanh như chớp mắt. Còn cách bờ chừng 2 m nữa thì ghe không thể đi được, các bạn đành phải xuống lội sình vào bờ, chỉ riêng mình tôi là được ngồi lại. Nước rút nhanh, con rạch chỉ còn một dòng nhỏ ở giữa, cảm giác như chiếc ghe dính chặt vào lòng rạch. Thương cô cháu gái chèo ghe vẫn cố gắng đưa tôi đến bờ an toàn.

4. Lâu lắm rồi tôi vẫn chưa có dịp trở lại những vùng quê đó nhưng những ký ức ngọt ngào của tôi về nơi ấy vẫn vẹn nguyên. Nhớ nhất là cảnh đợi phà, dù mệt thật nhưng đó cũng là dịp để tôi được ngắm nhìn cảnh sông nước tuyệt đẹp của vùng đất Tây Nam bộ, được đứng trên những chuyến phà qua sông mà bây giờ nó đã trở thành hoài niệm. Tôi như được hòa quyện lòng mình vào đất trời, được chạm tay vào dòng nước mát rượi đầy phù sa của sông Tiền, sông Hậu. Tôi nhớ những tình cảm của các bạn, các cô bác ở Tiền Giang, Bến Tre với những món quà cây nhà lá vườn đầy ắp. Nhớ tình người chân chất, nồng ấm của bác xe lôi ở Cần Thơ, của cô bạn cùng lớp đại học khi dấm dúi cho tôi cái vé xe và một túi trái cây để về lại Sài Gòn sau khi đã chở tôi dạo một vòng quanh bến Ninh Kiều bằng chiếc xe đạp như thời sinh viên. Tôi cũng không quên cô cháu gái chèo ghe dáng người nhỏ nhắn, da trắng, tóc dài ở miệt vườn Bến Tre dù rất mệt vì phải chèo ngược con nước nhưng miệng vẫn ríu rít kể chuyện quê nhà cho tôi nghe, trông thiệt dễ thương.

Dù thời gian có trôi nhanh như con nước, trôi xa như những đám lục bình trên sông để về một miền vô định nào đi nữa, thì tôi vẫn cứ nhớ. Nhớ lắm miền Tây ơi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.