'Người bán sách rong' Nguyễn Quốc Vương: Có nhiều hội khuyến học mà không có hội khuyến đọc

16/04/2021 06:33 GMT+7

Theo “người bán sách rong” Nguyễn Quốc Vương, rất cần có những chính sách khuyến đọc để thúc đẩy văn hóa đọc .

Ông Nguyễn Quốc Vương, một nhà nghiên cứu tự do ở Hà Nội, là người nhiều năm thuyết trình, vận động mua sách, đọc sách trong cộng đồng. Ông cũng giới thiệu và bán những cuốn sách mà ông cho là có ích cho dân trí, nên được gọi là “người bán sách rong”, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông.

* Nếu tiềm năng đọc sách là 10 thì việc đọc sách hiện giờ được bao nhiêu điểm?

- Chỉ được 1,5 điểm thôi nhưng giờ đã tốt hơn xưa rồi, trước gần như bằng 0. Tôi nói chuyện ở một trường trung học, hỏi có bao nhiêu em nhà có tủ sách, chỉ lác đác 20 - 30 cánh tay giơ lên trên 1.000 học sinh. Hỏi có bao giờ khi dạy thầy cô giới thiệu sách hay cho các em không thì học sinh gần như ngơ ngác. Tính trên cả nước, sự tiến bộ có nhưng rất nhỏ, chủ yếu ở đô thị và nơi có truyền thống văn hóa.

* Nhưng chúng ta đã có Ngày sách Việt Nam.

- Ngày sách Việt Nam kể cả tính theo phong trào thì trên cả nước này có bao nhiêu ngôi làng tham gia sự kiện đó. Ở nông thôn, sự kiện đó cùng lắm làm đến cấp huyện thôi. Còn cấp xã, người dân đâu có biết sự tồn tại của ngày sách.
Mình cũng hay rơi vào chủ nghĩa hình thức. Người ta mời tôi nói chuyện sách thì thường tập trung vào tháng 4 có ngày sách, trong khi câu chuyện đọc sách phải là hằng ngày hằng giờ chứ đâu chỉ một tháng. Tất nhiên có còn hơn không, nhưng nó không xứng tiềm năng. Đất nước 90 triệu dân, 90% biết chữ thì lẽ ra lượng tiêu thụ sách, lượng người đọc sách phải nhiều lắm chứ đâu có nhỏ như bây giờ. May mà nó vẫn khá hơn trước kia.
Chuyện học và chuyện đọc cũng tách rời nhau. Nên ở Việt Nam có nhiều hội khuyến học, từ khuyến học rất phổ biến nhưng từ khuyến đọc thì lại chỉ xuất hiện mấy năm gần đây thôi. Tức là học và đọc là hai việc hoàn toàn khác nhau, học không cần đọc.

* Người mua sách, đọc sách thì vậy, còn người bán sách thế nào? Họ có truyền được cảm hứng cho người mua sách không?

- Ở Việt Nam phần lớn người bán sách, nhân viên kinh doanh sách không chịu đọc sách, lúc rỗi họ nghịch điện thoại chứ có đọc sách đâu. Sách là mặt hàng đặc biệt, người mua phần lớn mua sách mới chứ không phải sách mình đã đọc rồi. Họ không có trải nghiệm trước về nó, thì người bán phải có trải nghiệm đó để hỗ trợ độc giả, nhưng người bán hầu như chưa làm được điều đó. Muốn bán được nhiều thì bản thân người kinh doanh sách cũng phải là người khuyến đọc.

* Theo ông, nhà nước có thể làm gì để khuyến đọc?

- Về vĩ mô, cần có luật khuyến đọc. Chúng ta thấy chống dịch chẳng hạn, mọi lực lượng và cả hệ thống chính trị vào cuộc nên làm được. Văn hóa đọc cũng vậy thôi. Nếu quy định được là người đứng đầu cơ quan hành chính, hoặc ngân sách địa phương không có một khoản cho văn hóa đọc, cho thư viện thì sẽ phạt, hẳn việc đọc sẽ khác. Ở nước ngoài là thế.
Có thể có thêm cơ chế hỗ trợ người hoạt động khuyến đọc hoặc tạo thuận lợi cho thư viện tư nhân, lập tủ sách, lập thư viện, có các quỹ khuyến đọc. Làm thế nào huy động được sức dân là ổn hết. Quỹ khuyến học trong cả nước rất nhiều nhưng không có quỹ khuyến đọc. Quốc gia chỉ có hội khuyến học từ T.Ư đến địa phương nhưng không có hội khuyến đọc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.