Có nên tiết lộ thu nhập cho người khác nghe?

08/11/2022 14:20 GMT+7

Nhiều người trẻ rất ngại và thường xuyên phải nghĩ cách để "né" những câu hỏi về thu nhập. Nhưng đây lại là câu hỏi "cửa miệng" mà người trẻ thường hay phải đối mặt.

Tiết lộ mức lương, thu nhập thường là vấn đề khá nhạy cảm với nhiều người

THƯỢNG HẢI

“Né” câu hỏi về lương bổng

Trong nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với gia đình, bạn bè và các mối quan hệ xung quanh khác, bên cạnh những đối thoại về cuộc sống thường ngày thì các câu hỏi về lương bổng hay thu nhập cá nhân lại là một trong những chủ đề được cho là nhạy cảm nhất.

Hiện đang làm nhân viên PR tại một công ty truyền thông, Lê Tấn Phát (21 tuổi, ngụ tại phường Đông Hòa, TP.Dĩ An, Bình Dương) luôn cảm thấy vô cùng khó xử trước những câu hỏi về thu nhập cá nhân từ người xung quanh.

“Đa số các thời điểm mình gặp trường hợp này là vào các dịp lễ, khi có tiệc tùng cùng tụ tập với người thân, bạn bè. Khi nhận được những câu hỏi về lương bổng mình thấy khá nhạy cảm và hơi ngại khi phải trả lời, vì mức lương mình không cao, nói ra ít quá thì sợ bạn bè chê cười này kia, nên mình cũng không bao giờ trả lời mức lương thật của mình”, Tấn Phát cho hay.

“Đủ sống qua ngày” là câu trả lời thường xuyên của Tấn Phát khi nhận được các câu hỏi về thu nhập cá nhân và thường sau khi trả lời như vậy đa số bạn bè của Phát đều cười. “Mọi người cứ đùa rồi cho rằng mình nói xạo, mình cũng cười cho qua. Nhưng cũng hơi khó chịu một chút vì lương của mình đủ sống thiệt mà”, Tấn Phát bày tỏ.

Đồng cảnh ngộ với Tấn Phát, Nguyễn Như Hà (21 tuổi), ngụ tại Q.9, TP.HCM cũng rất khổ sở khi có ai đó nhắc về lương. “Trước đây, lúc còn đi học thì chưa ai đề cập đến vấn đề này, nhưng từ khi mình thông báo đã có việc làm thì thường xuyên nhận được những câu hỏi về chủ đề thu nhập hàng tháng. Đa số những người hỏi mình vấn đề này đều là những người thân thiết như bạn bè, gia đình, anh chị. Đôi lúc mình cũng cảm thấy tự ti vì thu nhập của mình chưa như bản thân mong muốn”, Như Hà chia sẻ.

Để giải đáp sự tò mò của mọi người, Như Hà thường không trả lời bằng một con số cụ thể vì thu nhập cũng không cố định. Thay vào đó, Hà sẽ nói về con số trung bình thu nhập hằng tháng.

Chọn cách không tiết lộ mức thu nhập cá nhân của mình, Lâm Thúy Vy (21 tuổi), ngụ tại thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cho biết chỉ chia sẻ điều này với người thân.

“Cá nhân mình thấy chuyện lương bổng là chuyện riêng tư của mỗi người nên mình nghĩ nếu không quá thân nhau thì không nên hỏi, đôi khi câu chuyện về mức thu nhập của mình sẽ vô tình trở thành chủ đề bàn tán, đánh giá của ai đó. Còn ba mẹ hỏi thì chỉ muốn quan tâm biết mình đang làm việc và trang trải như thế nào thôi”, Thúy Vy cho hay.

Không nên lấy thu nhập làm thước đo đánh giá lẫn nhau

Chia sẻ về lý do vì sao nhiều người thường có tâm lý hỏi về thu nhập của nhau, tiến sĩ tâm lý Mã Ngọc Thể, Trung tâm Tư vấn tâm lý và giáo dục Khai Tâm, cho hay: “Khi xuất hiện nhu cầu muốn biết về lương bổng, thu nhập của người khác chính là thắc mắc về vị trí việc làm và thu nhập hiện tại có tương xứng với công sức, tài năng, trí tuệ mà người được hỏi đã bỏ ra. Từ đó, họ sẽ tự cảm nhận và so sánh giá trị chất xám bỏ ra và giá trị vật chất nhận được trong tiến trình lao động. Đây là nhu cầu khẳng định cái tôi và vị thế xã hội của mỗi cá nhân, nó hoàn toàn tự nhiên và phù hợp quy luật tâm lý của con người”.

Tuy nhiên, tiến sĩ Thể cũng cho biết rằng chuyện tiết lộ thu nhập lại là chuyện tế nhị. Vì không hẳn tất cả mọi người đều có thu nhập chính đáng do sức lao động bỏ ra mà có từ nhiều nguồn khác nhau không rõ ràng, khó phân định. “Do vậy, việc tiết lộ mức lương chỉ là mang tính chất phụ họa cho câu chuyện thêm vui vẻ, chứ không nên trông vào đó để đánh giá sự hơn thua, vị thế cho người khác khi chỉ nghe nói mức thu nhập mà người đó đã hé lộ”, tiến sĩ bày tỏ.

Ngoài ra, đối với một vài người trẻ trong trường hợp muốn tiết lộ về thu nhập cá nhân thường cũng là để tham khảo hoặc tìm sự đồng cảm về công việc. Tuy nhiên, họ vẫn muốn đối phương phải là người thực sự muốn chia sẻ điều đó chứ không vì sự tò mò quá mức về con số thu nhập.

“Trong các buổi nói chuyện chúng ta có thể nói cho nhau bất cứ vấn đề gì chứ không chỉ là lương bổng hay thu nhập. Vì vậy, nếu cảm thấy đủ thân thiết và đảm bảo những người trong cuộc thoải mái thì vấn đề chia sẻ thu nhập cá nhân không thành vấn đề. Áp lực ‘cơm, áo, gạo, tiền’ là những thứ chúng ta phải đối mặt khi trưởng thành, nên có cơ hội giãi bày biết đâu sẽ giúp cho bản thân cảm thấy được đồng cảm, được thấu hiểu hơn. Có thể bạn sẽ được mọi người đưa ra lời khuyên hay gợi ý để có thể cải thiện thu nhập chẳng hạn”, Như Hà bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.