Có nên để trưởng công an tham gia cơ cấu tổ chức UBND quận, phường?

12/03/2023 15:14 GMT+7

Có ý kiến cho rằng trưởng công an quận, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự quận và trưởng công an phường tham gia cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường là chưa phù hợp.

Bộ Nội vụ mới đây gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp, đề nghị thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Có nên để trưởng công an tham gia cơ cấu tổ chức UBND quận, phường? - Ảnh 1.

Lực lượng công an tham gia công tác chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội

TUYẾN PHAN

Theo Bộ Nội vụ, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố được thực hiện từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 (từ ngày 1.7.2021). Kết quả đến nay cho thấy tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền địa phương quận, phường nơi không tổ chức HĐND đã đi vào ổn định, hoạt động thông suốt, chủ động; điều hành và quyết định kịp thời hơn những vấn đề cấp bách trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ của chính quyền đô thị.

Cùng với những kết quả đạt được, một số quy định đang dần bộc lộ bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, hoặc có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung. Một trong số này là vấn đề cơ cấu tổ chức của UBND quận, UBND phường đang có các chức danh trưởng công an quận, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự quận và trưởng công an phường.

Theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, quy định như các nghị định hiện nay chưa phù hợp các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, cần phải sửa đổi cho phù hợp.

Tuy nhiên, Bộ Công an và HĐND TP.Hà Nội lại cho rằng trong cơ cấu UBND quận, UBND phường cần có đại diện lực lượng quân đội, công an để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, nhất là trong điều kiện tổ chức chính quyền đô thị có những tác động về quốc phòng, an ninh, trật tự chưa lường hết.

Sự tham gia của đại diện 2 lực lượng cũng giúp bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt đối với công tác quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Sau khi ghi nhận và nghiên cứu, Bộ Nội vụ thấy rằng cần giữ nguyên quy định như hiện hành, để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo Bộ Nội vụ, quy định này mặc dù chưa phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị, nhưng thực tiễn thời gian qua cho thấy sự tham gia của thành phần công an, quân đội trong cơ cấu tổ chức của UBND quận, UBND phường đã góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện cho chính quyền đô thị hoạt động ổn định, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Bộ Nội vụ cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi, bổ sung nội dung trên khi tiến hành sơ kết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị.

Xem nhanh 12h ngày 13.3: Bệnh viện Chợ Rẫy bị đổi tên trên Google Maps | Khởi tố vụ án nhốt cán bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.