Có nên cấm tuyệt đối lái xe khi có nồng độ cồn: Uống nửa lon bia, 1 ly rượu nhỏ vẫn bị phạt

23/11/2023 20:19 GMT+7

Nhiều người chỉ uống nửa lon bia hoặc 1 ly rượu nhỏ, kết quả đo nồng độ cồn cũng chưa quá 0,1 mg/lít khí thở nhưng vẫn bị CSGT phạt tiền triệu, tước bằng 11 tháng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, sau khi nghe tờ trình 2 dự án luật Đường bộ và luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng việc cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là không hợp lý.

Phía dưới bài viết, 2 luồng ý kiến của bạn đọc cũng được đưa ra, một bên đồng tình với quan điểm nên có giới hạn cho việc phạt nồng độ cồn, bên còn lại cho rằng nên cấm tuyệt đối.

Khởi tố bị can đốt xe của mình khi người cầm lái vi phạm nồng độ cồn

Người tham gia giao thông nói gì?

Theo chân các đội CSGT tại TP.HCM xử phạt nồng độ cồn trên các ngả đường, PV ghi nhận nhiều trường hợp người say xỉn đến mức đi loạng choạng, hành xử ngô nghê. Nhưng cũng có những trường hợp người vi phạm dở khóc dở cười do chỉ nhấp môi hoặc 1 ly cocktail, 1 cuộc nhậu từ tối qua đến sáng hôm sau vẫn "dính" nồng độ cồn.

Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?: 'Nên cho giới hạn vi phạm, nhưng…' - Ảnh 1.

Một người bị CSGT lập biên bản phạt sau khi uống nửa lon bia

Vũ Phượng

Điển hình như trường hợp anh Đ.V.K từng bị Đội CSGT Rạch Chiếc lập biên bản phạt 7 triệu đồng, tước bằng 11 tháng, tạm giữ xe 7 ngày vì vi phạm nồng độ cồn khi lái ô tô ở mức 0,07 mg/lít khí thở. Anh K. chia sẻ: "Tôi chỉ uống 1 ly bia xã giao, hoàn toàn tỉnh táo và lái xe ổn định nhưng vẫn bị phạt".

Tương tự, sau khi uống 2 ly rượu ở tiệc đầy tháng rồi đi đón con, anh M.Q cũng bị CSGT lập biên bản phạt vì có nồng độ cồn trong hơi thở là 0,04 mg/lít khí thở.

Tài xế T.Q.L chạy xe khách tuyến Bà Rịa – Vũng Tàu đến Bến xe Miền Đông vừa qua cũng bị CSGT phạt nồng độ cồn vào sáng sớm với mức vi phạm là 0,153 mg/lít khí thở. Anh L. chấp hành ký biên bản nhưng lắc đầu ngao ngán cho biết, tối hôm trước, anh uống 4 lon và về nhà ngủ từ 21 giờ. Qua một đêm, sáng 7 giờ anh đến bãi nhận xe chở khách lên TP.HCM.

Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?: 'Nên cho giới hạn vi phạm, nhưng…' - Ảnh 2.

Một tài xế uống 4 lon bia từ tối hôm trước, về ngủ một giấc, sáng hôm sau đi chở khách vẫn bị phạt nồng độ cồn

Vũ Phượng

"Mới nhậu xong thì tôi đâu dám chạy, nhưng tôi đã ngủ một giấc, sáng ra thấy bình thường, tỉnh táo thì mới đi chạy xe, không ngờ vẫn vi phạm nồng độ cồn", anh thở dài.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Anh Đ.L (49 tuổi), tài xế taxi hơn 20 năm trong nghề chia sẻ, anh và đồng nghiệp rất ủng hộ khi đọc bài báo về việc nên giới hạn mức vi phạm nồng độ cồn vì có là phạt không thực tiễn. "Tôi cao 1,75 m, nặng hơn 70 kg, sau 1 ngày làm về, tối muộn vừa ăn cơm nhà vừa uống ly rượu thuốc hoặc 1 lon bia, ngủ một giấc là hôm sau dư sức tỉnh táo. Nhưng nếu như vậy mà vẫn bị phạt nồng độ cồn thì có quá gắt gao không?", anh thắc mắc.

‘Né' đo nồng độ cồn bị xử phạt như thế nào?

Nâng cao ý thức trước, đưa giới hạn sau

Trước đây, khi xử lý vi phạm hành chính về giao thông được áp dụng theo Nghị định 46/2016 thì người lái xe máy chỉ bị phạt nồng độ cồn khi nồng độ cồn trong hơi thở từ 0,25 mg/lít khí thở trở lên. Nhưng từ khi Nghị định 100/2019 được áp dụng, cả người lái xe máy và ô tô nếu có nồng độ cồn trong hơi thở đều bị CSGT xử phạt.

Lãnh đạo một đội CSGT cho rằng, có thể cân nhắc việc đưa ra giới hạn vi phạm nồng độ cồn như trước đây. Nếu nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá giới hạn thì mới bị phạt nhưng sẽ phạt thật nghiêm khắc để người tham gia giao thông nâng cao ý thức, chấp hành tuyệt đối.

Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?: 'Nên cho giới hạn vi phạm, nhưng…' - Ảnh 4.

Trong đợt cao điểm kiểm tra xe vận tải hành khách, CSGT TP.HCM kiểm tra nồng độ cồn cả vào ban ngày

Vũ Phượng

"Nồng độ cồn trong hơi thở còn tùy thuộc mỗi người. Cùng là uống 1 lon nhưng có người vẫn tỉnh táo, có người say bí tỉ. Dù sao cũng phải thừa nhận, khi còn nồng độ cồn trong người thì không thể tỉnh táo như bình thường được. Để đưa ra được mức giới hạn này, quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông, biết giới hạn của mình ở đâu", vị CSGT chia sẻ.

Tuy nhiên, CSGT cũng lo ngại khi đưa ra mức giới hạn để phạt, nhiều người sẽ lại cù cưa, khẳng định giới hạn của bản thân vượt quá giới hạn mà luật cho phép. Và qua những đợt cao điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn cũng được kéo giảm.

Một chuyên gia nghiên cứu về an toàn giao thông cho hay, tại bang Victoria (Úc) hay London (Vương quốc Anh), người lái xe được có tỷ lệ cồn nhất định, nếu dưới mức được đưa ra thì không bị xử phạt.

Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?: 'Nên cho giới hạn vi phạm, nhưng…' - Ảnh 5.

Tài xế không dám nhậu khuya vì sợ sáng bị phạt nồng độ cồn

Vũ Phượng

"Tuy nhiên, ý thức của người tham gia giao thông tại nơi đó rất tốt, ra đường không bao giờ thấy cảnh người lái xe lấn làn, leo lề, bóp còi inh ỏi. Ở Việt Nam, để đưa ra giới hạn vi phạm nồng độ cồn đòi hỏi trước mắt ý thức của người tham gia giao thông phải thay đổi. Do đó, tôi cho rằng cứ nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn trước, để người dân hình thành thói quen rồi mới cân nhắc đưa giới hạn", vị chuyên gia bày tỏ.

Theo báo cáo của Vietnam-Briefing, mức tiêu thụ bia của Việt Nam tính đến năm 2022 chiếm 2,2% thị trường toàn cầu, ở mức 3,8 triệu lít bia hằng năm. Chuyên gia nghiên cứu an toàn giao thông cho rằng, đây là một con số khiến nhiều người giật mình.

"Chúng ta phải thừa nhận rằng từ khi có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn thì CSGT xử phạt ít gặp trường hợp cự cãi, tai nạn giao thông do nồng độ cồn giảm. Nhưng bãi xe trước các quán nhậu vẫn còn đông xe, nhiều người uống xong vẫn tự lái xe về - đó là chưa hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe", chuyên gia nói.

Bộ Công an nói về việc có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.