Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn?

11/11/2023 06:32 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là chưa hợp lý, cần cân nhắc.

CẤM TUYỆT ĐỐI LÀ KHÔNG THỰC TẾ

Dự thảo luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định cấm người "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Tuy nhiên, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (QH) cho biết một số ý kiến nhận định quy định như dự thảo là quá nghiêm khắc, cần phải cân nhắc.

Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn ? - Ảnh 1.

ĐB Phạm Như Hiệp

GIA HÂN

Phát biểu tại tổ hôm qua, đại biểu (ĐB) Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, cho rằng nên quy định nồng độ cồn với từng loại phương tiện chứ không nên quy định chung chung, bởi "người ta đi xe đạp uống vô tí rượu cũng bị phạt thì việc triển khai luật sẽ phức tạp". ĐB Hiệp đồng tình khi vừa uống rượu, bia xong mà tham gia giao thông thì phải phạt. Thế nhưng có trường hợp buổi tối uống, đến sáng hôm sau đi làm thì trong máu vẫn có nồng độ cồn, nếu phạt thì cũng gây băn khoăn.

Đại biểu Quốc hội: Người dân tối uống rượu, sáng có nồng độ cồn, phạt cũng băn khoăn

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) dẫn ví dụ ở Phần Lan, nếu uống 1 chai bia trong vòng 1 tiếng thì đảm bảo chất kích thích không còn đủ tác động và có thể điều khiển được xe; trường hợp uống 2 chai bia thì thời gian cần là 3 tiếng. Trong khi đó, VN cấm tuyệt đối. "Thí dụ tối qua uống một chút thì sáng nay nồng độ vẫn còn và vi phạm. Cái đấy là không thực tế", ông Huân nêu và đề nghị có thể áp dụng kinh nghiệm của Phần Lan theo hướng quy định nồng độ cồn ở mức nào thì không được lái xe thay vì cấm tuyệt đối.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) cho rằng nên thiết kế lại quy định trong dự thảo theo hướng lựa chọn mức nồng độ cồn thấp không được vượt quá, bởi "đôi khi không uống gì, thổi cũng lên nồng độ cồn". Bà Lan đề nghị cần có sự hợp lý và lộ trình trong việc cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, để người dân dần hạn chế, tiến tới không sử dụng rượu bia trước khi lái xe.

Có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn ? - Ảnh 2.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan

GIA HÂN

Ngược lại, theo Ủy ban Quốc phòng - An ninh, cũng có một số ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn như dự thảo, vì nội dung này hiện đã được quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.

CẦN CƠ CHẾ TRÁNH TIÊU CỰC NHƯ Thành Bưởi

Thảo luận về dự án luật Đường bộ, dẫn lại tiêu cực của nhà xe Thành Bưởi vừa được các cơ quan chức năng phát hiện gần đây, ĐB Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) cho biết trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại hình vận tải mới, cần có cơ chế để quản lý, tránh dẫn đến những tình trạng tiêu cực. Cụ thể, theo bà Yên, để xác định doanh nghiệp (DN) nào đang kinh doanh vận tải, dự án luật đang sử dụng 2 tiêu chí "điều hành phương tiện, lái xe" và "quyết định giá cước vận tải". Song thực tế đây chỉ là những thao tác hỗ trợ trong quá trình kinh doanh vận tải. Mặt khác, việc có một loại hình gọi là "kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng" có thể sẽ gây hiểu lầm, vì về cơ bản, mọi loại hình kinh doanh vận tải đều phải theo hợp đồng. ĐB Yên đề nghị gọi loại hình này là "kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện cho thuê riêng", tương tự như cách gọi tại Malaysia hay Singapore, Anh…

Bên cạnh đó, ĐB Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng việc ban hành chính sách phát triển giao thông đường bộ, huy động, xã hội hóa tối đa các nguồn lực xã hội ngay trong luật Đường bộ lần này sẽ quyết định thành công trong việc thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ tại VN trong 10 năm tới.

Theo tính toán của Chính phủ, nhu cầu vốn đầu tư cho mạng lưới đường bộ quốc gia đến năm 2030 khoảng 900.000 tỉ đồng, trong đó cho các dự án đường bộ cao tốc khoảng 728.000 tỉ đồng. Song dự án luật Đường bộ lại chưa được thiết kế kỹ lưỡng, đột phá khuyến khích xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. ĐB Khải đề nghị cần rà soát bổ sung các điều khoản cụ thể hơn về chính sách này.

Tách luật Giao thông đường bộ: 'Bây giờ phải ủng hộ, cơ sở chính trị có rồi, nhưng khó'

Vẫn băn khoăn chuyện tách luật Giao thông đường bộ

Thảo luận tại tổ, nhiều ĐB vẫn đề nghị ban soạn thảo đánh giá, xem xét có nên tách luật Giao thông đường bộ thành 2 luật Đường bộ và Trật tự, an toàn giao thông đường bộ hay không. ĐB Nguyễn Thanh Phong (đoàn Vĩnh Long) cho rằng không nên tách luật Giao thông đường bộ 2008 ra làm 2 luật như đang trình QH. Lý do là 2 luật này bổ trợ cho nhau, nếu tách ra sẽ chồng chéo, trùng lặp. Thay vào đó, nên xem xét luật Giao thông đường bộ 2008 còn tồn tại, hạn chế gì thì bổ sung, điều chỉnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải thích việc tách luật có căn cứ chính trị rất quan trọng là Chỉ thị số 23 ngày 25.5 của Ban Bí thư nêu rõ phải xây dựng 2 luật này. Theo ông, nhiệm vụ, trách nhiệm của QH là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về vấn đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo đúng tinh thần của chỉ thị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.