Có năng lực ngoại ngữ, cơ hội thu nhập sẽ tốt hơn

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/11/2018 07:57 GMT+7

Lâu nay, tiếng Anh được coi là yêu cầu bắt buộc hoặc là lợi thế của ứng viên trong tuyển dụng.

Vì thế, các trường ĐH ngày càng chú trọng đào tạo tiếng Anh, xây dựng chuẩn đầu ra nhằm giúp người học đáp ứng được công việc thực tế. Vậy các doanh nghiệp sử dụng ứng viên biết tiếng Anh như thế nào?
Lương ít nhất trên 10 triệu
Cần 3,3 năm học tiếng Anh mới đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng
Mới đây, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Thông tin kinh tế và phát triển đã thực hiện cuộc khảo sát trên 600 SV cuối năm nhất và đầu năm thứ tư tại 3 trường là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (Hà Nội), Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 5,8% SV đạt mức B2 (có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong công việc), 17% SV vẫn ở trình độ A1 và 19,2% trình độ A2. Có đến 89% SV tìm đến các phương thức học tiếng Anh bổ sung khác ngoài chương trình của nhà trường. Trong đó, 42,4% có học thêm tại các trung tâm tiếng Anh hoặc lớp học thêm do các thầy cô tự tổ chức; 34,3% học bổ sung qua internet, ti vi/đài; 30,1% SV khẳng định nếu chỉ học theo chương trình trong trường thì không thể đáp ứng yêu cầu đầu ra của nhà trường; 41,6% cho biết cần đạt trình độ cao hơn để đáp ứng yêu cầu xin việc. Các SV cũng cho biết cần 3,3 năm để đáp ứng chuẩn của nhà tuyển dụng, trong khi chuẩn của nhà trường chỉ cần 2,9 năm.
Bà Lương Tú Anh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần BPO Mắt Bão, cho biết những vị trí khi tuyển dụng có yêu cầu biết giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, hoàn thiện 4 kỹ năng, tối thiểu trình độ B2 gồm giám đốc điều hành, giám đốc/trưởng bộ phận chức năng, nhân viên các phòng kinh doanh, marketing, tuyển dụng/nhân sự, nhân viên chăm sóc khách hàng bằng ngôn ngữ tiếng Anh tại VN, nhân viên chăm sóc khách hàng sang thị trường Mỹ, trợ lý giám đốc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Vỹ, Trưởng phòng tuyển dụng Công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT, thông tin: “Doanh nghiệp chúng tôi có gần 7.000 nhân sự ở các khối, nhưng chỉ một vài bộ phận cần sử dụng tiếng Anh trong công việc như khối chuỗi cửa hàng bán lẻ của Apple vì nơi làm việc đặt tại khu trung tâm, có nhiều khách hàng là người nước ngoài, cần làm việc với đối tác nước ngoài để tiếp nhận văn bản, giao tiếp; hoặc một số vị trí nhập hàng cũng cần”.
Theo khảo sát của Navigos Group trên 1.600 ứng viên trẻ có từ 0 - 2 năm kinh nghiệm, 60% công việc của họ đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ. Trong đó, 31% ứng viên cho biết công việc của họ yêu cầu giao tiếp cơ bản, 22% yêu cầu đọc hiểu văn bản và 13% yêu cầu sử dụng lưu loát 4 kỹ năng. Tuy nhiên, 34% ứng viên tham gia khảo sát lại có ý kiến rằng công việc của họ không yêu cầu năng lực ngoại ngữ. Đáng chú ý, có đến 95% ứng viên trong nhóm “không yêu cầu năng lực ngoại ngữ” có mức lương dưới 10 triệu. Trong khi đó, khảo sát cho thấy nhóm ứng viên có trình độ ngoại ngữ lưu loát có đến 37% có mức lương trên 10 triệu. Điều này cho thấy nhân viên có năng lực ngoại ngữ sẽ có cơ hội thu nhập tốt hơn.
Ông Nguyễn Tấn Vỹ khuyên sinh viên (SV) cần xác định rõ công việc tương lai của mình như thế nào để quyết định đầu tư hợp lý cho việc học tiếng Anh. “Nếu không giỏi tiếng Anh thì bạn vẫn có những vị trí công việc phù hợp. Tuy nhiên, có tiếng Anh là một lợi thế và mức lương được trả thường cũng sẽ cao hơn”, ông Vỹ cho hay.
Kỹ năng hàng đầu là giao tiếp
Phần lớn doanh nghiệp khi tuyển ứng viên nếu có yêu cầu về tiếng Anh thì kỹ năng hàng đầu là giao tiếp trôi chảy.
Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search, nhìn nhận: “Các doanh nghiệp yêu cầu ứng viên cần có tiếng Anh để phục vụ cho 3 mục đích lớn nhất: giao tiếp, giao thương và học hỏi. Vì tính chất công việc mà các doanh nghiệp sẽ đòi hỏi trình độ tiếng Anh khác nhau, thường được chia ra như: giao tiếp cơ bản, đọc hiểu văn bản, sử dụng lưu loát, nhưng yêu cầu về giao tiếp vẫn quan trọng nhất. Chúng tôi thấy phần lớn sinh viên tốt nghiệp tại VN mới đạt yêu cầu cơ bản về đọc, hiểu nhưng vẫn hạn chế về mặt giao tiếp, vì chương trình học ngoại ngữ tại VN vẫn còn nghiêng về lý thuyết đọc viết thay vì giao tiếp thực hành”.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lương Tú Anh nhìn nhận: “Kinh nghiệm cho thấy SV tốt nghiệp các trường ngoại ngữ hoặc khoa ngoại ngữ cũng phải rèn luyện nói và giao tiếp tiếng Anh thường xuyên sau khi ra trường thì mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Còn lại SV các trường không chuyên ngoại ngữ đa số không đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh”.
Chuẩn đầu ra cao nhưng hầu như không giao tiếp được
Theo bà Lương Tú Anh, chương trình đào tạo tiếng Anh tại các trường không chuyên về ngoại ngữ thì tiếng Anh chỉ là môn phụ, một tuần có khoảng 2 tiết hoặc học theo tín chỉ cũng rất ngắn, như vậy không đủ để cho SV có thể giao tiếp tốt được. Bên cạnh đó, đa số giảng viên không chú trọng nhiều về rèn luyện kỹ năng giao tiếp và nghe nói, chủ yếu sẽ học ngữ pháp và từ vựng cộng với việc giao bài tập về nhà, cũng không tạo được hứng thú và đủ thời lượng để SV có thể cải tiến được trình độ tiếng Anh của mình. Còn bà Nguyễn Phương Mai cho rằng, SV vẫn còn thụ động và thiếu thực hành trong quá trình học ngoại ngữ. Các trường ĐH cần khuyến khích SV bằng những hoạt động giao lưu với SV nước ngoài, cuộc thi, thuyết trình bằng tiếng Anh, tăng cường giảng dạy những môn học bằng tiếng Anh... để làm phong phú thêm quá trình học ngoại ngữ của SV.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, cũng cho rằng tiếng Anh giao tiếp được sử dụng nhiều nhất ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có giao dịch với đối tác nước ngoài. “Chuẩn đầu ra của trường ĐH rất cao nhưng hầu hết SV tốt nghiệp không giao tiếp được. Các trường ĐH xây dựng chương trình học tiếng Anh nên tập trung chủ yếu vào kỹ năng giao tiếp vì thực tế đòi hỏi như vậy”, ông Tuấn nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.