Có một Nam Giang buồn

25/09/2019 06:00 GMT+7

Ấn tượng về Nam Giang vẫn còn mãi, nhưng lần này, thực sự là một nỗi buồn...

Tôi có mặt ở công trường mở đường 13 (nay là QL14D) từ năm 1984. Ấn tượng về một sắc thái văn hóa bản địa ở vùng cao của huyện Giằng (nay là Nam Giang, Quảng Nam) vẫn còn mãi đến nay. Nhưng lần này, thực sự là một nỗi buồn...
Từ sau lần ở công trường mở đường 13 là những ngày đến các xã Tabhing, lội bộ lên Bót Xít, Chaval, Đắc Ốc, ngủ đêm ở cửa khẩu nối liền với huyện Đắc Chưng thuộc tỉnh Salavan (Lào)... Những năm ấy, chúng tôi nhiều lần nghe, nhìn các cụ lão nghệ sĩ và các thiếu nữ người thiểu số Cơ Tu, Giẻ Triêng thổi đinh tút, múa za zá hoặc ăn cơm lam, ngồi uống rượu đoát và nghe hát lý thâu đêm. Giờ thì mọi chuyện đổi khác...

“Nàng tiên xõa tóc” bị xúc phạm!

Con đường 14D qua các xã vùng cao Tà Bhing, Chaval (H.Nam Giang) nay đã rộng mở, nhà cửa san sát, xe máy chạy nườm nượp, nhà nghỉ mở ra nhiều nơi. Nhiều thiếu nữ Cơ Tu nhuộm tóc vàng hoe, quần jeans áo pull... Những mái lá nhà rông, nhà làng và cột xà-nua bây giờ ít tìm thấy. Thay vào đó là những nhà gạch lợp tôn, nhà đúc bê tông san sát. Chợ búa, tiệm tạp hóa bày không thiếu thứ gì. Ngay cái chợ Thạnh Mỹ dưới thị trấn giờ cũng không tìm thấy bất cứ một nét gì của văn hóa bản địa.
Đọc trên Cổng thông tin điện tử H.Nam Giang, tôi vẫn thấy những lời gọi mời: “Trút bỏ cái nắng nóng của ngày hè, sau những giờ làm việc căng thẳng, áp lực được ngâm mình thỏa thích trong dòng nước suối trong xanh mát lạnh, đắm mình vào thiên nhiên núi rừng, chim chóc thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Và thác Grăng, xã Tà Bhing là điểm đến thích hợp nhất mà bạn không thể bỏ qua”. Quả là những lời rủ rê hấp dẫn!
Có một Nam Giang buồn1

Thác Grăng

ẢNH: T.Đ.T

Kế hoạch phát triển du lịch Nam Giang chính thức khởi động từ đầu năm 2008, với tâm điểm là Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, lan tỏa vùng thác Grăng cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và Zara cho loại hình du lịch văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số. Lúc ấy, báo chí đã đưa tin: “Dự án Đầu tư xây dựng, khai thác tiềm năng du lịch sinh thái thác Grăng và dự án Đầu tư phát triển làng dệt thổ cẩm Zara đang được tiến hành xây dựng, trình các cấp thẩm quyền phê duyệt...”.
Giữa tháng 8.2019, tôi đưa đám bạn đến thác Grăng với niềm tự hào rằng mình có nhiều hiểu biết ở vùng này. Họ là giảng viên đại học, nhà văn, kỹ sư và một cựu tổng giám đốc vừa nghỉ hưu về từ Hà Nội. Sau khi đậu xe ở một bãi công cộng có mái che bằng tôn cũ kỹ có vẻ ít được chăm sóc, chúng tôi đi bộ qua một đoạn đường lát đá và bê tông có lan can đúc khoảng 800 m, nhiều chỗ bong tróc. “Nàng tiên Grăng xõa tóc giữa đại ngàn” hiện ra trước mắt. Ai cũng trầm trồ chen lên phía trước. Quả là một không khí trong lành giữa một khu rừng nguyên sinh rợp bóng cây. Hơi nước tỏa lên từ bên dưới. Chúng tôi chạy thẳng xuống những tảng đá mòn nhẵn, thi nhau quay phim chụp ảnh... Bỗng một mùi gì khó chịu “phảng phất”. Tôi lò mò lội qua các vực đá và thấy ngay: Mọi thứ rác bẩn bằng ni lông, hộp xốp, chai lọ, thức ăn hôi thối và cả những đống chất thải từ người vương vãi đó đây...
Cô bạn nhà văn nói trong vẻ chua chát: Vẻ đẹp quyến rũ của nàng tiên Grăng ơi, thương cho nàng quá!

“Tôn hóa” một làng Cơ Tu

Có một Nam Giang buồn2

Ô nhiễm ở thác Grăng

Thác đẹp Grăng tọa lạc ở khu vực làng Za Rá (Zơ Ra) thuộc xã Tà Bhing. Tại đây, tôi nhiều lần theo các bạn CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng đi sáng tác. Chỉ cách nay 7 năm, chiếc cầu dây văng bắc qua con suối đẹp vẫn còn nguyên, nhưng bắt đầu hoen gỉ bên cây cầu mới bằng bê tông. Tôi nhớ lúc ấy, gươl (nhà làng truyền thống) được chạm khắc hoa văn đặc trưng, từ con gà trên nóc mái đến các bộ ván bên trong, có cả cây cột đâm trâu sừng sững giữa sân... Các thiếu nữ Cơ Tu trong trang phục dân tộc tung tăng trên cầu rồi lội xuống suối đá nghịch nước. Một vẻ đẹp đại ngàn khó đâu có được...
Được biết, từ năm 2012, dự án Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu do Tổ chức FIDR và JICA tài trợ 7 tỉ đồng, với mục tiêu tạo sự thay đổi tích cực về phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và văn hóa, chất lượng cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng thông qua Đề án phát triển du lịch H.Nam Giang giai đoạn 2007 - 2020, tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai đầu tư, thu hút các dự án phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cũng trong năm 2012, tại H.Nam Giang đã có buổi tọa đàm chủ đề Du lịch Nam Giang tiềm năng và phát triển giữa lãnh đạo Sở VH-TT-DL Quảng Nam với hơn 40 công ty kinh doanh lữ hành khu vực miền Trung...
Nhưng hiện trạng!
Ngoài 2 pano tuyên truyền cho dự án đặt ở đầu con đường bê tông và cổng chào dẫn vào làng, tôi thấy chiếc cầu dây văng đã mất hết ván lót, một chiếc cầu bê tông chạy song song dẫn về phía rừng. Hai bên là vài chục ngôi nhà ván hoặc xây gạch lợp tôn xanh đỏ, không một bóng cây. Con đường bê tông chạy qua những khoảng đồi dốc, những vạt rừng trồng làm nguyên liệu giấy. Hỏi hai thanh niên Cơ Tu đi xe máy: “Đường này dẫn đi đâu?”. Trả lời: “Không dẫn đi đâu hết, còn một đoạn nữa thôi là hết đường”. Chúng tôi mất hơn 15 phút tìm chỗ quay đầu xe giữa rừng trong cái nắng 40 độ C. Dừng lại ở đầu làng, hỏi ngôi nhà gươl cũ đã đi đâu? Một chị gái Cơ Tu chỉ về ngôi nhà đang xây dựng lỡ dở bằng gạch, bảo: “Nó ở chỗ nớ đó!”.
Có một Nam Giang buồn4

Nhà truyền thống Nam Giang, nhà gươl không được làm theo kết cấu truyền thống

ẢNH: ĐỒNG DAO

Chúng tôi lên xe về xuôi. Trước khi qua bên Giằng, bên tay phải là một “tòa” nhà gươl bằng bê tông cốt thép xây dựng đã nhiều năm nay. Đó là Nhà truyền thống văn hóa Cơ Tu, nơi trưng bày các hiện vật ở Tà Bhing và được xem như niềm tự hào trên trang mạng của H.Nam Giang những năm qua. Hết!
Đồng bào dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn hoặc Tây nguyên muốn làm một nhà gươl hay nhà làng phải mất nhiều năm. Họ tự vào rừng chọn cây, làm dấu. Khi hạ cây ấy phải trồng trả cho rừng một cây khác. Các nhà chung là công sức của dân làng, ở đó, họ bày biện bao nhiêu là hiện vật như một niềm hãnh diện. Ngôi nhà gươl bằng bê tông cốt thép, lợp tôn từ ngân sách nhà nước, hoàn toàn không có giọt mồ hôi và dấu tay của họ! Chị nhà văn nói: “Còn đâu là đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc nữa đây trời?”. Anh bạn giảng viên Khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng kể: “Tôi mỗi năm tự lái xe lên Kon Tum, Gia Lai giảng bài đều chạy trên con đường này, mỗi năm lại thấy bê tông cốt thép xuất hiện nhiều hơn. Kiến trúc đặc thù của người vùng cao vắng dần! Ít ra là tôi đã cảm thấy khi chạy xe trên đường”.
***
Chúng tôi chạy xe qua cầu Bến Giằng. Cầu thay cho bến phà xưa là cấu kiện thép của chiếc cầu De Lattre cũ ở sông Hàn Đà Nẵng mang lên. Bến Giằng cũng đã đi vào thơ của Tố Hữu, Dương Hương Ly, đã vào văn xuôi của Chu Cẩm Phong những hồi khốc liệt tử sinh. Với tôi, đầu những năm 1980, bến Giằng còn là hình ảnh những chiếc puồng độc mộc từng chở người chở lương thực của đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh còn lại. Lúc đó, người Cơ Tu chở muối, lương thực từ vùng xuôi lên các làng dọc lộ 13. Những chiếc puồng độc mộc ấy tồn tại trước khi quân Pháp đến xây dựng căn cứ Bốt-Xít và người Mỹ mở sân bay Chà Val từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ ở phía tây... Chỉ chừng ấy thôi, cũng đủ làm hồ sơ xếp hạng di tích cho cầu Bến Giằng từ lâu rồi. Cớ sao lại dùng dằng mãi đến nay?
Những đống rác hôi hám ở thác Grăng sao không dọn được? Làng văn hóa Cơ Tu sao mất dần sắc thái bản địa? Chiếc cầu Bến Giằng nữa, thủ tục hành chính nhiêu khê đến vậy chăng?
Ôi thật là buồn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.