Có một miền di sản

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
27/09/2020 11:51 GMT+7

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị, đúng hai tháng sau ngày xảy ra ca dịch Covid-19 đầu tiên ở Đà Nẵng rồi lan ra Quảng Nam, tức ngày 25.7, thì sáng 25.9, lúc những địa phương này đã trở lại trạng thái bình thường, chợt nghe điện thoại gửi tặng cuốn sách mới nhất từ kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng: Miền di sản (Stories of Heritage).

… Nói là thú vị, vì nhiều lẽ. Thứ nhất là anh viết về Đà Nẵng, Quảng Nam và cái xứ Faifo (Hội An) dễ thương với đằm thắm sông Hoài. Thứ hai là lần này với Miền di sản (là quyển du khảo thứ 6) của Dũng, anh quyết định cho xuất bản song ngữ Việt - Anh, mà qua điện thoại, anh hồ hởi nói “in song ngữ để du khách nước ngoài có tập sách trong tay, khi dạo sông Hoài phố Hội hay thăm tháp Chăm Mỹ Sơn đều tỏ tường nơi chốn”. Nghe như vẻ rồi sẽ có nhiều du khách không ngại ngần đến nơi này sau cơn đại dịch thế kỷ.
Có một miền di sản

Điểm nhấn ở chương 3, được tác giả trang trọng phác vẽ bằng màu nước

ẢNH: TRẦN THANH BÌNH

Lần in song ngữ này, anh cũng quyết định tái bản luôn quyển Bước chậm bên dòng Hương Giang viết về Huế bằng song ngữ (đã in cuối năm ngoái), mà tôi đã có dịp viết đôi dòng giới thiệu. Cả hai quyển sách được kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng cho người đem đến gửi tặng, đều mang một tình cảm với miền Trung duyên nợ, bởi anh ấp ủ điều này khá lâu, nhiều lần tâm sự mỗi khi pha phin cà phê ngon, rủ tôi đến thưởng thức trên căn gác của tòa nhà trên phố Trần Khắc Chân, khu Tân Định Sài Gòn, nơi công ty kiến trúc V.Archi của anh tọa lạc đã nhiều năm.
Với Miền di sản, Nguyễn Ngọc Dũng thêm một lần nữa chứng tỏ cái duyên rất đượm khi viết du khảo vùng miền. Duyên ấy, có lẽ ít ai có được khi mỗi nơi anh đặt chân đến ở dải đất khá dài phía nam Hải Vân quan, là lúc anh dõi đôi mắt tinh tế theo từng tầng khối kiến trúc xưa, trong mỗi món ăn đậm đà dân dã, hay những câu chuyện nhẩn nha kể lại về mỗi địa danh hoặc lý giải đôi điều về lịch sử của một làng, một thị trấn… Xem đó như là điều tâm huyết anh rút tỉa và phô bày vào sách, với từng điểm nhấn nơi đi chốn đến của một gã lang thang, như anh tự gọi mình.
Có một miền di sản

Bản vẽ rất ngẫu hứng của tác giả về Hội quán Phước Kiến ở Hội An

Ảnh: Trần Thanh Bình

“Đặt chân đến mỗi vùng đất, chúng ta bất chợt bắt gặp quá khứ của mình, cái quá khứ chợt lướt qua, biến mất rồi bây giờ lại hiển hiện. Lang thang để tìm lại quá khứ hay hướng đến tương lai, đứng trước những di tích nhớ quá khứ thời trai trẻ đã đến, bây giờ nó đang hiện hữu, giống như lang thang vô định, bất chợt trở về lại điểm xuất phát… Và Quảng Nam là một nơi như thế” (lời mở đầu chương 3, trang 116). Nguyễn Ngọc Dũng định danh một xứ sở, nơi mình đến và viết: Đà Nẵng và Quảng Nam, như vậy. Lẽ dĩ nhiên, rất đan xen một thứ tư duy mà tôi khó có thể dùng cụm từ nào để mô tả hay hơn, là “chủ nghĩa hiện thực huyền diệu”. Hiện thực, là điều anh ngang dọc nắm bắt để “phả” vào sách, nhưng huyền diệu là một thứ lịch sử rất khó hình dung, là một cái hồn quá vãng của hàng trăm năm đôi khi khó tin được, nhưng nó đã từng xảy ra. Điều ấy, tôi cảm nhận được ở sách của Dũng, không chỉ ở quyển du khảo này.
Có một miền di sản

Bản vẽ nhà cổ Phùng Hưng, công trình kiến trúc xưa ở Quảng Nam in trong sách

Ảnh: Trần Thanh Bình

Ví như, khi Dũng nói về Hội An phố cổ, như sau: “Mùa gió lạnh ở Hội An, Đà Nẵng luôn kèm theo mưa và ẩm ướt. Đi trong mưa và ngắm nhìn thành phố, tôi lặng đứng chơi vơi bên những kiệt tác kiến trúc cổ làm tim mình chùng xuống, đập nhẹ nhàng như một thứ tình yêu câm lặng đang len lỏi vào tâm tư…”. Đoạn văn đề dẫn ấy, để mô tả về những đặc sản phố Hội, giống như tôi đã từng hình dung khi đi xuyên qua những con phố nhỏ trong mưa bụi, để về đến làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) thăm vợ chồng một bạn thơ. Nhưng không chỉ là văn, mà Dũng còn ghi khắc mỗi công trình kiến trúc Hội An để rồi vẽ lại bằng màu nước, ký họa bằng bút sắt hay công phu hơn, miệt mài hơn bằng những bức vẽ sơn dầu, để sau đó in kèm vào sách.
Có một miền di sản

Bản vẽ nhà thờ Sơn Trà, công trình kiến trúc xưa ở Đà Nẵng in trong sách

Ảnh: Trần Thanh Bình

Hội quán Phước Kiến hay còn gọi là Kim Sơn tự, hoặc Hội quán Quảng Triệu còn được nhắc đến bằng tên Hội quán Quảng Đông gần chùa Cầu. Những nơi Dũng đến, anh đều ghi lại những dấu tích thời gian. Ví như: “Nơi đây thờ bà Thiên hậu Thánh mẫu và các vị thần bảo hộ về sông nước, tiền của, con cái, tổ tiên, nơi họp đồng hương… được xây dựng vào năm 1697”. Và “Tương truyền, Thiên hậu Thánh mẫu là người họ Lâm, tỉnh Phúc Kiến, lúc nhỏ là một đứa bé bị câm. Lên 8 tuổi, bà được một ông tiên cho theo học đạo và được ban phép thần thông hô mưa gọi gió với điều kiện chỉ được làm những việc thiện. Bà được gọi là nữ thần của biển cả, phù hộ những người đi biển…” (đoạn kể lại câu chuyện xuất phát của Kim Sơn tự, trang 120). Cứ như thế, các di tích kiến trúc cổ của người Minh hương, đã vượt biển cả đến nơi đây tự bao đời, mưu sinh và tồn tại nhiều thế kỷ qua, được tác giả kể lại chi tiết ngọn ngành, mải miết và rất sinh động.

Bản vẽ đền thờ Đức mẹ Trà Kiệu, công trình kiến trúc xưa ở Quảng Nam in trong sách

Ảnh: Trần Thanh Bình

Hay khi đề cập đến mấy ngôi tháp cổ gọi là tháp Chiên Đàn thuộc xã Tam An, TP.Tam Kỳ, nằm không xa mấy với quần thể tháp ở Thánh địa Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), tác giả mô tả bằng nhiều kiến thức thú vị: “Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 10, đầu thế kỷ 11 trong thời kỳ vương quốc Chămpa chuyển kinh đô từ Quảng Nam về Bình Định, dưới thời vua Yan Pu Ku Vijaya. Tháp cổ Chiên Đàn, phiên âm từ chữ Chandan của tiếng Phạn, mang nghĩa “cây lô hội”, có hình dáng gần giống với phong cách của Thánh địa Mỹ Sơn và tháp Chăm Bình Định”…
Với công phu tham khảo 61 bản sách tài liệu có giá trị về văn hóa, lịch sử và lang thang không biết bao ngày, kể cả điền dã đến mọi ngõ ngách đời sống người xứ Quảng, với người dẫn đường, để nghe những câu chuyện kể lan man ở chốn cô thôn, Dũng đã làm cho cuốn du khảo thêm phần sinh động. Ví dụ như câu chuyện truyền thuyết về làng Chăm có ông Hai Lánh có tài đi mây về gió, đánh cọp dữ cứu dân làng thuở xa xưa, hiện còn 2 ngôi mả ở làng Đồng Dương, thuộc H.Thăng Bình, Quảng Nam bây giờ, mả ông Hai Lánh và mả cọp. Để rồi kết tụ lại trong quyển sách với hơn 380 trang đầy đặn, in rất trang trọng, Nguyễn Ngọc Dũng đã đưa người đọc đến hai thế giới xúc cảm: bằng mắt đọc chữ và cả mắt để nhìn cùng với rung động, bởi những bài viết quyện với những bức vẽ dày công, tâm huyết. Những thắng cảnh, di tích, món ăn truyền thống, di sản của miền đất Đà Nẵng, Quảng Nam đã in hình trong từng trang sách. Rất xứng đáng là một tư liệu du khảo cho những ai muốn khám phá miền đất di sản này.

Bản vẽ nhà thờ Hòa Khánh, công trình kiến trúc xưa ở Đà Nẵng in trong sách

Ảnh: Trần Thanh Bình

Với người viết, một chiều mưa Sài Gòn, đọc những dòng trong quyển sách, lại nghe vọng âm vang thời gian từ những ngôi tháp Chăm bí ẩn kỳ diệu, một vỉa trầm tích dường như chưa được khai mở là mấy. Và thốt nhiên, bỗng thèm một tô cao lầu bốc khói thơm lựng, để tưởng như hôm nào ngồi trên căn gác của con phố nhìn ra sông Hoài giữa buổi chiều tà, vẳng nghe tiếng vài chiếc ghe bầu chở du khách rẽ nước về đâu…
• Đọc Miền di sản, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, NXB Hồng Đức 9.2020
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.