Có một Chris Hemsworth hài hước trong 'Thor: Ragnarok'

25/10/2017 14:52 GMT+7

Từ một bộ phim đánh đấm có màu sắc u tối, Thor: Ragnarok với tính cách quay ngoắt 180 độ của Thần Sấm, nhân vật do Chris Hemsworth thủ vai, đã khiến khán giả thích thú.

Trước khi ra mắt, Thor: Ragnarok đứng trước rất nhiều nguy cơ, thậm chí có thể nói đạo diễn Taika Waititi đang đặt cược vào một canh bạc mạo hiểm khi hé lộ hai cảnh đắt giá nhất trong phim: cảnh búa thần của Thor vỡ nát và trường đoạn Thor giao chiến Hulk. Vậy thì Thor: Ragnarok còn "át chủ bài" nào nữa để mời gọi khán giả đến rạp?
Thực chất, không cần bất kì "át chủ bài" nào, bản thân Thor: Ragnarok chính là "át chủ bài" gây nhiều bất ngờ nhất. Nếu cả Thor (2011) lẫn Thor: The Dark World (2013) đều nhuốm vẻ nghiêm trang, căng thẳng, các nhân vật lúc nào cũng hằm hè, chực chờ quát vào mặt nhau, thì Thor: Ragnarok là một bản nhạc được biến tấu vui tươi hơn rất nhiều, gợi cho ta nhớ sự vui nhộn không cần cố gắng của Guardians of the Galaxy 2 vừa ra mắt vào giữa năm nay.
Cuộc giao chiến giữa Thor và Hulk là một trong những cảnh mà khán giả mong chờ nhất
Đạo diễn Taika Waititi không chỉ "chơi lớn" khi hé lộ hai cảnh hấp dẫn nhất phim, mà còn "cả gan" đổi tông giọng chung của loạt phim về thần sấm. Cả hai đạo diễn đi trước đều cố "lên gân" để khắc họa một Asgard u ám đang trải qua chính biến, vô tình làm khán giả chán với những trường đoạn quá mức nghiêm túc, trong khi Taiki Waititi quyết định "xới tung" bộ phim thành những chuyến du hành không gian đầy ngẫu hứng, những màn đánh đấm "xã giao", những cuộc đối đáp thông minh, dễ dàng được lòng khán giả phổ thông.
Tính hài hước của Chris Hemsworth bắt đầu có đất dụng võ ở đây. Nếu anh chưa thực sự thuyết phục khi vào vai thần sấm oai nghiêm nóng tính, hết cãi nhau cùng cha rồi lại quay sang nổi xung với Loki, thì Thor sau khi "xuống tóc" khiến người xem thích thú bởi những câu thoại tếu táo khác thường, luôn cười và tỏ thái độ bất cần trong những giờ phút căng thẳng nhất. Hoặc là do Thor đã trưởng thành sau bao biến cố (bố mất, bồ đá), hoặc chỉ đơn thuần do đạo diễn Taika Waititi... thích thế.
Kỹ xảo tuyệt đẹp của bộ phim khiến người xem mãn nhãn
Đã có sẵn bước đệm từ hai phần trước, phần thứ ba của loạt phim cũng không cần trải qua những đoạn giải thích dông dài về các nhân vật hay cơ cấu vận hành thế giới Asgard, mà rất mau lẹ vào thẳng vấn đề chính. Lại một điểm cộng lớn nữa. Bên cạnh đó, sự góp mặt của Hulk/Bruce Banner (Mark Ruffalo), Loki (Tom Hiddleston), Valkyrie (Tessa Thompson), Hela (Cate Blanchett) đều mang đến những nét cá tính riêng biệt.
Tận thế Ragnarok nghe chừng u ám nhưng thực chất không hề. Giống như chính Thor đã nhận định: "Nếu biết Ragnarok chắc chắn sẽ tới thì còn chiến đấu làm gì?" hay "Ta không chống lại Ragnarok, ta tạo ra Ragnarok". Ragnarok trong thần thoại Bắc Âu được xem là hoàng hôn của các vị thần, nơi họ đối mặt với định mệnh của mình. Không vị thần nào của Bắc Âu hoàn toàn bất tử, không một dân tộc nào không tiến tới suy vong. Tận thế không có nghĩa là chấm hết, do đó cái kết bộ phim đặt ra sẽ thử thách khả năng lãnh đạo của Thor trong tương lai.
Thần lừa đảo Loki tiếp tục 'quậy tung' trong Thor: Ragnarok
Qua đó, Marvel đưa ra thông điệp tương đối rõ ràng: vị vua đứng đầu vương quốc không phải là người giỏi đánh đấm nhất, mà là người sáng suốt nhất, người có khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của vấn đề. Chính vì thế, trong thần thoại Bắc Âu, Odin luôn là vị thần chột mắt. Ngài đã đổi một con mắt của mình để lấy sự thông tuệ. Hiểu được điều này, Thor đã khiêm cung cúi đầu tiếp thu lời răn dạy của cha mình.
Nhìn chung, Thor: Ragnarok có thể không phải là bộ phim quá sâu sắc hay giàu ý nghĩa nhân văn, nhưng vẫn đáng xem nhờ những khoảnh khắc giải trí hài hước. Bộ phim hiện được chấm 98% trên Rotten Tomatoes và 7,9/10 trên IMDb.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.